Sút - vẽ giấc mơ của hơn 94 triệu dân
Về nội dung của Sút, có lẽ không cần nói nhiều hoặc bàn nhiều tới bởi đó là một câu chuyện của một nhóm người dành tình yêu cho bóng đá. Họ khẳng định mình qua bộ môn thể thao vua này để chạm tới đỉnh cao là chiếc cúp. Có máu, có nước mắt, có cả oán hận, căm ghét và thủ đoạn nhưng cuối cùng nụ cười vẫn nở trên môi và nước mắt vẫn lăn cho cả hạnh phúc và thất bại.
Chung một motif với hầu hết các bộ phim lấy thể thao làm “đề tài” kể chuyện, Sút lấy bóng đá làm “cái cớ” để “vẽ” lên những giấc mơ khác, những giấc mơ lớn và đầy mê hoặc của hơn 94 triệu dân, giấc mơ một ngày không xa đội tuyển Việt Nam được thi đấu tại đấu trường lớn nhất thế giới - World Cup.
Thế nhưng đó là một giấc mơ ngoài tầm với vào thời điểm này và có thể cả 10 năm tiếp theo nữa. Nó cũng ngoài cả tầm với của ê-kíp, nhưng là mơ mà, vậy thì tội gì không mơ những điều khiến mình vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, Sút nhiều hơn là một giấc mơ ngoài tầm với như vậy.
Trần ngập trong Sút từ phút đầu đến cuối là những giấc mơ, là những khát khao, là những cháy bỏng được gom góp, xây dựng, bồi đắp từ những thất lạc, dại khờ, nông nổi, tổn thương để rồi đi đến cuối con đường là “tình yêu tìm thấy sau đêm bão giông” (*).
Giấc mơ hồn nhiên
Hai anh em lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Người anh ngang tàng, ngông cuồng, bất cần nhưng một mực yêu thương em, dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho người em của mình. Em trai là một cậu bé cần mẫn, chăm chỉ, ngoan ngoãn và luôn kính trọng anh trai của mình đến mức thần tượng. Tuy không cùng sống chung trong trại trẻ nữa nhưng họ vẫn gặp nhau thường ngày, vẫn luyện tập đá banh, vẫn chia sẻ những ước mơ trong đời, mà lớn nhất, với người em, đó là một ngày được đá cùng anh hai trong màu áo đội Gà Trống - một đội bóng nghiệp dư.
Cậu bé đó cứ lớn lên, cứ hồn nhiên thi đấu, cứ hồn nhiên yêu quý anh trai mình như thể đó là cả một thế giới được dựng xây để cậu nương tựa vào. Cậu bé đó đã khóc khi biết mình được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng Việt kiều Mỹ. Trong nước mắt, cậu bé đó đã nói rằng: “Anh Hai là người thân duy nhất của em sao cứ đẩy em đi hoài vậy?”. Dẫu biết ở bên kia đại dương, mọi thứ sẽ tốt hơn, cuộc sống sẽ no đủ hơn, điều kiện học tập cũng tốt hơn nhưng với người em trai nơi nào có anh hai là nơi tốt nhất trên thế giới.
Giấc mơ hạnh phúc cho những đứa trẻ bên lề xã hội
Một người phụ nữ tần tảo, lầm lũi trong trại trẻ mồ côi An Bình. Một người phụ nữ một thân một mình nhưng có hàng chục đứa con. Một người phụ nữ chọn việc chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi làm hạnh phúc đời mình. Một người phụ nữ chọn cách yêu thương con của người khác như con của mình. Đó là chân dung của người mẹ trong câu chuyện Sút.
Chưa bao giờ ngừng yêu thương cũng như ngừng lo lắng cho người anh trai, nhưng người mẹ đó vẫn dành một sự tôn trọng nhất định trong việc quyết định đưa người em trai đi định cư nước ngoài. Bà vẫn dành cho người anh trai quyền quyết định bởi đó là người thân duy nhất của cậu bé. Bà biết sự đau đớn của hai anh em phải chia cắt nhau và bà nhận rằng những gì tội tệ xảy đến sau câu chuyện đó là lỗi của bà. Một tội lỗi mơ hồ xuất phát từ một mong ước cao đẹp: một cuộc sống đủ đầy cho đứa bé bà đã nuôi nấng.
Bà cũng chẳng trách móc chuyện người anh trai lấy trộm tiền của trại trẻ để đi cá độ bóng đá. Bà cũng chẳng nặng lời khuyên răn người anh phải thế này phải thế kia. Bà chỉ lặng lẽ đến bên góc chợ, ngồi xuống, tâm sự và khóc cùng người anh trai sau tất cả những mất mát đã xảy ra. Bà chọn nhận lỗi về phía mình. Bà ước như chưa từng đặt người anh trai vào quyết định lựa chọn tương lai của người em thì những quyết định bồng bột của tuổi trẻ đã không dẫn đến những dang dở của đời sống hôm nay.
Một người phụ nữ không phải nhân vật nữ chính trong phim nhưng mỗi lần xuất hiện là mỗi lần thấy sự thân quen trong hình dáng nhân vật. Đó phải chăng là hình ảnh của những người mẹ chúng ta vẫn thấy hằng ngày, vẫn yêu quý, vẫn trân trọng. Đó có phải người phụ nữ yêu ta chỉ bởi đó là ta chứ không vì bất cứ điều kiện nào khác. Đó là người phụ nữ đã dành cả đời để yêu thương, đùm bọc, nâng đỡ, dạy dỗ và không ngừng ước mơ ta lớn lên thành người tốt, được sống trong hạnh phúc và đủ đầy.
Một giấc mơ đơn giản của một người phụ nữ vĩ đại.
Giấc mơ được tha thứ
Nhân vật chính - người anh trai, đã chọn đi một hành trình dài là sự tiếp nối từ sai trái này tới lỗi lầm khác để rồi cuối cùng tự nhốt mình trong những dằn vặt của tuổi trẻ. Lầm lũi làm khuân vác tại một khu chợ, cam chịu bị chửi bới, đánh đập, không phản kháng, chỉ chấp nhận sống một cuộc sống cùng cực. Hẳn nhiên, người anh trai đó nghĩ rằng những gì đang nhận được là sự trả giá cho sự mất mát từ bao lỗi lầm của những tháng ngày nông nổi.
Sự ngông cuồng bị bẻ gãy. Sự ngang tàng bị đập nát. Sự kiêu hãnh bị vỡ vụn. Và, thân phận bị ruồng bỏ. Người anh trai cứ thế sống tháng ngày trôi đi trong sự hờ hững của đời sống, bên lề của những ngày vui tấp nập phố thị. Sự hối tiếc chưa bao giờ ngừng lại, chỉ càng sâu thêm và ăn mòn ý chí của một kẻ đã từng “coi trời bằng vung”.
Luôn giữ trong mình bức ảnh hai anh em chụp chung, cùng bức tranh nguệch ngoạc những nét vẽ hồn nhiên của đứa em mơ ước về ngày hai anh em mặc chung màu áo đồng đội, như một sự nhắc nhở mình về những tội lỗi đã gây ra. Thế nhưng, trong cuộc sống này, bất cứ điều gì xảy đến cũng đều có lí do của nó và mỗi hành động đều có mục đích để tồn tại. Nếu không có những mất mát sẽ chẳng hiểu được giá trị thực sự của những thứ đang có. Nếu không có tổn thương sẽ chẳng thể có được ngày đứng dậy vững vàng. Và nếu như không có được yêu thương thì những lỗi lầm kia sẽ mãi mãi là một vùng kí ức đen nhấn chìm tất cả để những thứ tươi sáng là một điều khắc khoải sẽ chẳng thể tìm đến.
Giấc mơ về một sản phẩm dành cho những nghệ sĩ ít danh tiếng
Rõ ràng một điều, xuất hiện trong bộ phim Sút không phải là những cái tên bán vé hàng đầu hiện nay cho mỗi bộ phim ra rạp. Những cái tên như Hà Hiền, Huy Me, Nhung Kate, Tùng Min, v.v… chưa bao giờ là những ngôi sao “sáng chói” của những tác phẩm “bom tấn” được “made in Vietnam”. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của họ trong phim là một sự tính toán chính xác từ tính cách cho tới tạo hình nhân vật.
Chất bụi, phủi của đời sống bóng đá nghiệp dư, đá độ ăn tiền hoặc sự máu lửa trong những trận cầu nhỏ đầy niềm vui hồn nhiên được bộ phim chuyển thể khá tốt. Xuất sắc nhất trong phim chính là Tùng Min trong vai phản diện. Một giang hồ vặt lọc lõi, thủ đoạn và không từ bất cứ điều gì để đạt được mục đích được Tùng Min thể hiện khá tốt. Hà Hiền có vai “nặng kí” thứ hai trong sự nghiệp sau Bụi đời chợ lớn và với tác phẩm Sút, ít nhiều nam vũ công này có đất thể hiện nhiều hơn sau bộ phim hành động không ra được rạp và bộ phim hài Xui mà hên đã thất bại vài năm trước. Nếu khó tính có thể nói, Hà Hiền chưa thật sự xuất sắc nhưng nếu rộng lượng cũng có thể nhận xét với một tay ngang thì những gì thể hiện là quá tốt với Hà Hiền. Một thằng bé lêu lổng, ngang tàng, ngông cuồng đâu dễ nhỏ lệ, đâu dễ uỷ mị, những thất bại, lỗi lầm chỉ biết giữ trong lòng bởi những người thân thuộc nhất đã không còn bên cạnh. Nếu chịu khó rèn luyện và trau chuốt hơn, Hà Hiền có thể đảm nhận khá nhiều dạng vai đa dạng trong tương lai tới.
Nhung Kate được giao sứ mệnh là “story-teller” (người kể chuyện). Không thể nói rằng vai Lam của Nhung Kate đã thành công xuất sắc bởi những biểu hiện của cô nhưng cũng có thể nói rằng nếu vai nền mà xuất sắc quá thì toàn bộ những cố gắng của dàn chính sẽ bị bỏ phí. Đó chỉ là một lập luận và không thể nói đó là chủ ý của ê-kíp nhưng cũng có thể xem đó như một cách động viên Nhung Kate trong bộ phim này.
Một điều đáng khen là phần nhạc phim của Sút được làm khá cẩn thận, tỉ mỉ và kì công để phù hợp, nâng đỡ và tạo cảm xúc cho mỗi phân đoạn được lồng ghép. Đặc biệt là phân đoạn những đứa bé chơi bóng trong hành lang chung cư với tiếng nhạc dồn dập, tiếng bóng chạm vào tường và tiếng bước chân những đứa bé chạy náo loạn những hành lang. Nó tiêu biểu cho sức sống và đam mê lẫn tình yêu dành cho bóng đá phủi sẽ không bao giờ chết đi, luôn ươm mầm và vươn lên trong đời sống này dẫu mảnh đất để ươm không thực sự tốt.
Sút không phải là một bộ phim xuất sắc và cũng chẳng đơn thuần là một bộ phim chỉ nói về đá bóng. Ở tác phẩm điện ảnh có nhiều sự dũng cảm khi chọn thể loại, với chất lượng ở mức khá này, khán giả sẽ dễ dàng tìm thấy bản thân mình cũng như rung động bởi những cảm xúc chân thật mà ê-kíp bộ phim đã mang đến. Suy cho cùng thì, cảm xúc mới là điều chúng ta vẫn đang tìm kiếm trong mỗi tác phẩm nghệ thuật.
Thật may là Sút có và làm điều đó khá tốt.
(*) Lời ca khúc Chân tình của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh.
Bộ phim hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc