Ngày Cá tháng Tư (01/04) là ngày mà những lời nói dối, nói đùa được chấp nhận và thường được mọi người dùng để trêu chọc, đùa vui bạn bè, người thân.
Ra rạp vào thời điểm gần kề ngày Cá tháng Tư, tác phẩm điện ảnh Chị Mười Ba của “hoa hậu làng hài” Thu Trang cũng là bộ phim tràn ngập twist từ đầu phim đến cuối phim, nhiều nhân vật phải sống với lời nói dối của mình xuyên suốt thời lượng phim để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Trong phim, chị Mười Ba (Thu Trang) được anh Hai (Lê Quốc Nam) - người đứng đầu An Cư Nghĩa Đoàn - chọn là người kế nhiệm chiếc ghế lãnh đạo sau khi ông rửa tay gác kiếm, rời khỏi giang hồ. Đảm nhận trọng trách quan trọng, chị Mười Ba hợp pháp hóa mọi hoạt động kinh doanh, hướng đến con đường kiếm tiền chân chính. Song, khi công việc đang trên đà phát triển thuận lợi, Hắc Hổ - ông trùm buôn lậu hàng trắng và Bi Long (Khương Ngọc) liên tục gây khó dễ, đẩy chị Mười Ba và các anh em vào thế nguy hiểm.
Phim về giới giang hồ vốn không nhiều trên màn ảnh rộng Việt Nam, nhất là những phim hành động đan cài yếu tố gây cười. Ở Chị Mười Ba, khán giả nhìn thấy rõ ràng nỗ lực làm phim hài tương tự phong cách hài Châu Tinh Trì: hài nhưng vẫn đi kèm thông điệp nhân sinh, mà cụ thể, Chị Mười Ba của Thu Trang mong muốn chạm đến trái tim công chúng bằng tình anh em sâu sắc, luôn trung thành, nỗ lực giúp đỡ, sống chết vì nhau bất chấp thường ngày thường xuyên cãi cọ.
Đặc biệt, tác phẩm cũng sử dụng hết plot-twist này đến plot-twist khác, nhân vật của Diệu Nhi được thay đổi phe phái đến 3 lần xuyên suốt toàn phim, trong khi 2 nhân vật phản diện chủ đạo cũng gây bất ngờ về thân phận ở cuối phim.
Ngay từ đầu, những biến cố trong phim đã được tạo nên bằng các lời nói dối, biên kịch tài tình phủ một lớp sương bí ẩn lên thân phận của mỗi nhân vật của Chị Mười Ba: thái độ khác thường của anh Hai trước khi giao phó toàn bộ trách nhiệm cho chị Mười Ba, cái chết lắm uẩn khúc của anh Hai mà chị Mười Ba tận mắt chứng kiến, thân phận bí ẩn của Bi Long - gã tay sai trung thành, lắm mưu mẹo của Hắc Hổ và đặc biệt là nhân vật của Diệu Nhi, cô gái tưởng chừng yếu đuối, vô tư nhưng vẫn khiến khán giả đặt ra dấu hỏi về phe phái thật.
Nửa sau bộ phim, biên kịch tiếp tục làm rối não khán giả khi tưởng chừng như đã gỡ một vài nút thắt, lại ngay lập tức mở ra câu hỏi khác “xoắn não” hơn, nhất là khi thay đổi thân phận thật của Diệu Nhi đến hai lần, lật tẩy sự thật kinh hoàng đằng sau cái chết của nhân vật anh Hai và trả lời câu hỏi về ông trùm Bóng Ma bí ẩn.
Bên cạnh đó, theo nhiều khán giả, gã tay sai mưu mẹo Bi Long do Khương Ngọc đảm nhận gần như chiếm toàn bộ “spotlight” vào những trường đoạn cuối phim, lật ngược hoàn toàn tình thế của câu chuyện và biến phe phái Hắc Hổ trở thành một “trò đùa” thực sự.
Tuy vậy, với ý tưởng khá nhiều tham vọng, đặt ra nhiều câu hỏi ngay từ ban đầu rồi dần dần giải mã những nút thắt, đưa khán giả đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, song, cách lồng twist trong phim còn khá vụng về. Nhất là ở tác phẩm về cuộc đấu não giữa giới giang hồ với nhau và giới giang hồ cùng lực lượng cảnh sát, những cú twist về thân phận nhân vật, phe phái thực sự của nhân vật… đã không còn mới. Việc lạm dụng quá nhiều sự thay đổi phe phái nhân vật cũng làm người xem mệt mỏi, lấn cấn.
Gần như mọi vấn đề của bộ phim đều được giải quyết bằng các nhân vật tay trong và lực lượng cảnh sát. Nhiều khán giả cho rằng, chị Mười Ba giành chiến thắng một cách khá may mắn, thậm chí không dùng đến bất cứ suy luận hay công sức nào: “Nếu các tay trong thuộc phe khác, chắc chắn chị Mười Ba đã thua thậm tệ”.
Nỗ lực mang đến một tác phẩm về thế giới giang hồ, xen kẽ giữa những cuộc bài trừ đẫm máu và các tình tiết gây cười, đồng thời lồng ghép thông điệp về tình người, tình anh em, song điều mà Chị Mười Ba để lại nhiều ấn tượng nhất cho khán giả có lẽ là những cú twist xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, biến tác phẩm trở thành bộ phim phù hợp ngày Cá tháng Tư dành cho những ai thích lừa và bị lừa!