Kết thúc tập 4 của Bố già, mâu thuẫn giữa cha con ông Tư Thành bị đẩy lên đỉnh điểm, Sang bỏ nhà ra đi trong tiếng khóc nấc của cả nhà. Mọi người đều buồn bã, căng thẳng khi không biết cậu đi đâu. Riêng ông Thành vẫn giữ sự cương quyết, tuyên bố Sang không còn là con của mình và cấm không ai được tìm về. Ấy vậy mà lớp vỏ bọc lạnh lùng cũng không che đi được vẻ mặt thấp thỏm của người cha già khi nghe tin một bài báo đưa tin thanh niên trẻ gặp nạn khiến ông cực kỳ hoang mang, sợ đó là con trai của mình.
Lúc này A Tắc được Quý nhờ chở đến chỗ anh trai, vô tình chạy ngang nơi ông Thành vừa ăn xong. Nhẩm biết con gái đang đi tìm thằng anh “trời ơi đất hỡi” nên ông quyết định bám theo. Nào ngờ, những tên côn đồ ngày trước bị ông bắt cũng đang rắp tâm trả thù. Đến nơi Sang đang ở, Quý năn nỉ anh trai về thì ông Thành đến. Chưa kịp nói gì với con thì một chiếc xe đã lao đến tông khiến ông rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, ngay lập tức Sang lao đến giải cứu cho cha và đánh nhau kịch liệt với hai gã côn đồ.
Trong lúc xô xát, tên côn đồ rút dao ra định đâm ông Thành nhưng thất bại, không phải do ông tránh được “lưỡi hái tử thần” mà là đứa con trai bé bỏng thay ông gánh lấy. Sang bị thương nặng phải đưa vào cấp cứu, ông Thành bị vợ chỉ trích thậm tệ vì nếu không cãi nhau và bỏ nhà ra đi, Sang đã không rơi vào tình trạng như hiện tại. Là một người xù xì, cứng rắn nhưng giây phút này nỗi đau mất con đã xâm chiếm tất cả. Ông Thành thất thần để mặc vợ trách móc, nhát dao ấy không trúng ông nhưng đã cứa nát sâu thẳm bên trong trái tim cùng tâm hồn của người cha già.
Chúng ta nhìn thấy cuộc sống bình ổn, trầm lặng nhưng thật là sự chuyển động dữ dội và điên cuồng, không ai lường trước được chuyện gì nên mọi thứ đều phải tranh thủ và nhanh chóng. Bừng tỉnh phải kịp lúc, đúng thời điểm, bởi vì có những câu nói ra vĩnh viễn không thể truyền đến tai người kia, để lại nỗi đau dâng lên đến tột cùng.
Đến đây diễn xuất của Trấn Thành không khiến người xem thất vọng, nguồn lương thực cảm xúc quá dồi dào, quá đỗi mãnh liệt tha thiết. Khoảnh khắc giọt lệ chua xót lăn dài trên hốc mắt của người cha già cùng âm thanh thành khẩn đứa con trai bé nhỏ tỉnh dậy, cũng là lúc khán giả khóc theo tiếng nói uất nghẹn ấy. Qua đó có thể thấy dù là hài hay bi đều được anh đẩy lên đến đỉnh điểm, truyền tải trọn vẹn cảm xúc cho khán giả.
Mọi thứ đều phải có cái riêng cho mình, và bố già cũng có cái kết rất riêng đến nỗi không ai ngờ đến, tất cả nỗi đau khép lại bằng một cú “cua khét lẹt” có một không hai. Ngay khi ông Thành đang bất lực nhìn tử thần cướp đi con trai của mình thì bất ngờ… ông tỉnh dậy. Hóa ra tất cả mọi chuyện đều là giấc mơ, ông Thành là một đại gia giàu có sống trong căn biệt thự nguy nga mà bao người mong ước chứ không phải một người chạy xe ôm nghèo khó.
Thế giới thực đó vẫn là những nhân vật trong mơ của ông Thành: vợ, hai con Sang - Quý, bà Sáu ngọt ngào vốn là bà vú, Mẫn trở thành anh làm vườn còn A Tắc là chú tài xế hàng ngày vẫn đưa đón ông đi làm. Mỗi người đều xuất hiện góp phần cảnh tỉnh ông bỏ đi sự sự bảo thủ vốn dĩ, chịu mở lòng hơn, không còn khó gần như lúc trước. Bên ngoài sự nghiêm khắc, ông vẫn là một người sống tình cảm, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, chỉ là ngại bộc lộ.
Kết thúc 5 tập phim của “Bố già”, khán giả một lần nữa trầm trồ trước sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu không chỉ về kinh phí mà còn chất xám ở ekip Trấn Thành. Từng mảng miếng, nhân vật, bối cảnh,… đều được tính toán hợp lý, tạo nên sự lôi cuốn đặc biệt cho bộ phim. Đặc biệt với cú twist cuối cùng, đưa người xem chạm đến đầy đủ các cung bậc cảm xúc cũng như đưa ra những bài học triết lý sâu sắc về tình thân. Một lần nữa, Trấn Thành khiến khán giả phải công nhận về cái tâm cũng như tài năng trong nhiều lĩnh vực.