(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết phim)
Hãy thử tưởng tượng những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới được tập hợp lại trở thành một đội bóng nhưng lại chẳng thể chạm tay vào cúp vàng. Đó chính là vấn đề của Batman v Superman: Dawn of Justice, khi mà Ben Affleck đột phá với hình tượng Batman, Gal Gadot trở thành chuẩn mực của Woder Woman, Henry Cavill giữ vững phong độ với Superman, Jesse Eisenberg “đổi gió” cho bộ mặt của ông trùm phản diện Lex Luthor, nhưng khi nhìn ở mặt tổng thể, phim lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của khán giả. “Con dại cái mang”, đạo diễn của phim là Zack Snyder, người từng được cộng đồng hâm mộ của DC tung hô như “ông bố siêu nhân” với Watchmen (2009) và Man of Steel (2013), lại trở thành tội đồ với tác phẩm mới nhất của mình.
Năm 2015, một trong những bộ phim siêu anh hùng được kỳ vọng nhất năm là Fantastic Four chạm đáy thất bại và cha đẻ của nó là đạo diễn Josh Trank ngay lập tức đổ tội cho nhà sản xuất vì can thiệp quá nhiều vào bản dựng cuối cùng. Nhưng điều đó không quan trọng, vì thậm chí đổ thừa cho… cả thế giới đi chăng nữa, Fantastic Four vẫn là vết nhơ lớn nhất trên màn ảnh siêu anh hùng. Còn với Batman v Superman thì sao? Chúng ta không thể phủ nhận những ưu điểm của phim đến từ bàn tay nhào nặn điêu luyện của vị đạo diễn đại tài Zack Snyder: những thước phim, những pha quay chậm đẹp xuất sắc, đầy chất thơ và đậm chất sử thi. Công bằng mà nói, Batman v Superman là một bước tiến mới của ông sau Man of Steel, nhưng lại là bước lùi trong lòng người hâm mộ khi yêu cầu của họ ngày càng lớn. Hãy cùng SaoStar điểm qua những hạt sạn thực sự khiến Batman v Superman chỉ dừng lại ở mức độ mãn nhãn chứ chưa thỏa lòng.
Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép… cốt truyện
Thật kiên cưỡng khi cố gán ghép cả hai biểu tượng siêu anh hùng đình đám nhất của vũ trụ DC vào trong một trận đấu mà chính họ cũng không muốn. Một trong hai đang cố gắng đàm phán khi bên còn lại quá nóng vội để bắt đầu trận đánh. Những hiểu lầm không đáng có diễn ra giữa hai đấng tối cao biến họ trở thành những “con cừu non” bị gã trùm quỷ quyệt Lex Luthor thao túng. Khi phim đặt ra những mâu thuẫn lớn giữa hai nhân vật nhưng lại giải quyết vấn đề một cách đơn giản chỉ bằng một vài câu thoại khiến cả đường dây câu chuyện trở nên ngớ ngẩn và dư thừa. Đồng thời, cốt truyện tham lam của tác phẩm đã làm cho cuộc đối đầu lịch sử giữa Batman và Superman diễn ra chưa đủ tầm, bởi lẽ trận chiến cuối cùng với quái vật Doomsday mới là tâm điểm mà nhả sản xuất muốn nhắm đến.
Superman: Thần cũng “dại gái” như người
Superman là một soái ca hoàn hảo, anh luôn xuất hiện đúng những lúc bạn gái mình gặp nguy hiểm. Anh có khả năng cảm nhận nhịp tim của bất kỳ ai trên Trái Đất, nhưng dường như anh chỉ sử dụng khả năng này với mỗi Lois Lane. Khi mẹ mình bị bắt cóc, Superman không hề phát hiện. Thậm chí, khi đã nhận ra tình cảnh nguy hiểm của mẹ, anh lại không thể định vị bà đang ở đâu trong khi lại làm điều đó rất nhanh và chính xác với Lois. Sự vô lý này khiến Superman phải chấp nhận vụ cá cược điên rồ với Lex Luthor.
Lois Lane: Hãy thôi vô dụng, làm ơn!
Là một phóng viên bản lĩnh, thậm chí được một nhân vật khác miêu tả là mang tính cách đàn ông, nhưng những gì Lois Lane thể hiện trên màn ảnh là một “bánh bèo vô dụng”. Cô điều tra những chuyện mà bất kỳ khán giả nào cũng biết. Xuyên suốt phim, Lois xuất hiện chỉ để chờ Superman cứu mình. Một trong những chi tiết rảnh rỗi nhất của nhân vật này ném cây gậy có chứa Krypton xuống hồ nước, sau đó lại nhảy xuống vớt nó lên, khiến bản thân vô tình bị mắc kẹt lại. Và một lần nữa, Superman đang tham gia vào trận đánh quyết liệt với Doomsday phải… xin giải lao để sang cứu Lois. Tuy nhiên, nhân vật này vẫn phát huy được vai trò của mình trong các phân đoạn tình cảm với chàng siêu anh hùng.
Âm mưu logic theo kiểu… tâm thần
Không thể ép buộc một kẻ tâm thần phải vạch ra một kế hoạch thật hợp lý. Theo lời Lex Luthor, “tâm thần” là từ mà những bộ óc nhỏ bé miêu tả về những suy nghĩ khổng lồ. Và quả thật, những khán giả đại chúng khó mà thẩm thấu được kế hoạch của Lex. Ban đầu, Lex muốn cả thế giới quay lưng với Superman, hắn đã vạch ra hàng loạt cài bẫy tinh vi để gài Superman vào. Đỉnh điểm của âm mưu là Lex buộc Superman phải giết chết Batman nếu muốn cứu mẹ mình. Nhưng đến phút cuối, Lex đã chuẩn bị sẵn con quái vật Doomsday để giết chết Superman.
Những giấc mơ “ướt át”
Xuyên suốt phim là sự nối dài của các giấc mơ, bao gồm ác mộng kiểu Mad Max, Flash cảnh báo hiểm họa cho Batman và đoạn hội thoại giữa Superman cùng người cha nông dân quá cố. Mặc dù có chứa một vài thông tin nhưng những phân đoạn này khiến mạch phim trở nên dài dòng và cường điệu, làm cho khán giả mất tập trung khỏi câu chuyện chính đang diễn ra trong thực tế.
Tham vọng quá lớn của nhà sản xuất
DC và Warner Bros. đang nôn nóng tạo ra một The Avenger của chính mình. Batman v Superman đã giới thiệu các siêu anh hùng khác trong vũ trụ DC nhưng lại không thích hợp (đặc biệt là sự xuất hiện của Aquaman). Sự gán ghép kiên cưỡng này khiến Flash và Aquaman thực sự chưa ấn tượng, chỉ đơn thuần là chiều lòng các tín đồ DC. Ngược lại, Wonder Woman của Gal Godot giành lấy hào quang trong một tác phẩm đáng lẽ ra phải tập trung lăng xê hai đấng mày râu Batman và Superman. Khi xuất hiện cạnh họ, Wonder Woman thậm chí còn nổi bật hơn. Khán giả lẫn giới phê bình đều đánh giá đây là nhân vật thành công nhất phim. Điều đó có ý nghĩa gì với tựa đề Batman v Superman: Dawn of Justice?
Cắt cảnh vô tội vạ
Không phải ngẫu nhiên mà Oscar dành hẳn một hạng mục để tôn vinh Biên tập phim xuất sắc nhất. Vai trò của người biên tập, dựng phim là vô cùng quan trọng khi cần kết nối các phân đoạn rời rạc lại với nhau. Tuy nhiên, phần lớn khán giả cực lực lên án khâu biên tập phim của Batman v Superman vì những cảnh quay rời rạc, chuyển cảnh đột ngột, đoạn thì dài lê thê tới mức buồn ngủ, đoạn hấp dẫn thì lại ngắn ngủi đến phát bực. Phải chăng, chính David Brenner mới là “tội đồ” khiến Batman v Superman nên cớ sự này?
Kết
Kịch bản là của biên kịch, bản quyền tác phẩm là của hãng sản xuất và phim là của đạo diễn. Bất cứ khán giả nào cũng dễ dàng nhận ra lỗ hỏng đến từ kịch bản phim, bao gồm những tình tiết gượng ép, cách xây dựng nhân vật chưa tốt và nhiều đoạn gãy tâm lý. Bên cạnh đó, chiến lược thương mại của nhà sản xuất đang đè nặng lên chất lượng của phim. Zack Snyder đã cố gắng cân bằng giữa các yếu tố này để mang đến những hình ảnh chăm chút và mãn nhãn nhất về trận đấu lịch sử của hai siêu anh hùng vĩ đại nhất vũ trụ DC. Với việc Batman v Superman chưa đạt đến kỳ vọng, chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho đạo diễn, mà đó là sơ suất đến từ nhiều khâu khác.
Batman v Superman: Dawn of Justice khởi chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 25.03.2016.