Sau bước tiến dài bất ngờ của Đội tuyển U23 Việt Nam tại mùa giải U23 châu Á 2018, hàng chục triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam chìm trong niềm vui, tự hào. Cùng với sự phát triển công nghệ và mạng xã hội, khán giả Việt có cơ hội gần gũi, hiểu hơn về các người hùng sân cỏ. Những ngày gần đây, cuộc sống đời thường của dàn cầu thủ U23 Việt Nam nhận nhiều chú ý, thậm chí trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bức ảnh chế, trong đó có hình ảnh chế theo tác phẩm điện ảnh Cô Ba Sài Gòn đang “gây bão”.
Đặc biệt, khi không khí Tết đang đến gần, chương trình hài kịch đặc biệt cuối năm Táo Quân 2018 đã có buổi ghi hình đầu tiên, chuẩn bị phát sóng trên màn ảnh nhỏ vào đêm giao thừa, thì những người hùng sân cỏ được liên tưởng đến… dàn Táo lên chầu trời. Thậm chí, không ít khán giả đã định sẵn vai diễn phù hợp với từng cầu thủ.
1. Bắc Đẩu - Hà Đức Chinh
Đảm nhận vai diễn Bắc Đẩu điệu đà, đanh đá có lẽ không ai đủ khả năng như tuyển thủ Hà Đức Chinh. Chẳng khác gì bình luận Facebook “để đời” của thủ môn Bùi Tiến Dũng: “Cái con này, thấy trai là sáng mắt lên”, cô Đẩu phiên bản danh hài Công Lý có niềm đam mê bất tận dành cho “soái ca” sáu múi. Còn đối với cô Đẩu bản Đức Chinh, sáu múi chính chủ là chưa đủ, anh vẫn muốn “rụng trứng” cùng Văn Thanh, nói nhớ Đức Huy, cười tít mắt khi Tiến Dụng gán ghép cặp Tiến Dũng - Đức Chinh,… Ấy thế nên Quang Hải phải than khi trả lời phỏng vấn: “Đức Chinh lăng nhăng lắm”.
Cô Đẩu bản gốc ngày một đẹp, mặn mà lên, còn Hà Đức Chinh càng ngày càng… mặn, mặn như chàng trai sinh ra ở biển, tích tụ muối đến nỗi không thể trắng lên. Trộm nghĩ, không biết anh đã được Hồng Duy cùng đội “khai thông tư tưởng” thế nào, mà ở story Instagram gần đây nhất, người hâm mộ thấy Chinh cũng làm đẹp, đắp mặt nạ dưỡng da rồi, còn có phải mặt nạ chanh leo để trắng sáng như Lương Xuân Trường hay không thì chưa biết…
Trong Táo Quân, Táo Tự Long từng ngưỡng mộ lượng like (thích) trên ảnh Facebook Bắc Đẩu, còn với cô Đẩu Đức Chinh, bất kể ở ảnh nhiều hay ít like, hình cá nhân hay tập thể, chất lượng ảnh thấp hay cao, thì Hà Đức Chinh vẫn chiếm nguyên spotlight bởi “vựa muối” của mình.
2. Nam Tào - Lương Xuân Trường
Vị trí Nam Tào - người kề cận trung thành, nghiêm túc bên Ngọc Hoàng - được nhiều người hâm mộ ưu ái giao cho đội trưởng U23 Việt Nam - Lương Xuân Trường. Bắc Đầu - Nam Tào luôn sánh đôi, nồng độ muối của Hà Đức Chinh cao so với mức bình thường, thì cần có chàng trai ngọt ngào như Lương Xuân Trường để trung hòa, ngăn ngừa tình trạng viêm thận cấp cho khán giả.
Tuy nhiên, với đôi mắt không to hơn sợi mì mà Xuân Trường quảng cáo là bao, Bắc Đầu phiên bản đội trưởng U23 cần tránh tình trạng vừa nghe Táo chầu vừa… ngủ. Mặt khác, mong Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu và các Táo thông cảm, như anh cũng từng trả lời Quế Ngọc Hải: “Mắt tôi đến thế thôi”.
3. Táo Kinh Tế - Hồng Duy Pinky
Nhắc đến Táo Kinh tế, “xin được gửi lời chào trân trọng nhất” đến cầu thủ Hồng Duy. Kinh tế Việt Nam 2017 có nhiều điểm đáng lạc quan, đáng chú ý là hàng loạt bạn trẻ tự khởi nghiệp, trong số đó là PINKY Cosmetic, cửa hàng mỹ phẩm chính chủ Hồng Duy. Không cần gọi vốn từ Shark Tank, mời sao, hot girl quảng cáo sản phẩm, chỉ cần bán hàng tận tâm như Duy: tranh thủ chốt đơn mọi lúc, mọi nơi, tư vấn nhiệt tình, trực tiếp đắp mặt nạ quảng bá mặt hàng,…
Chính vì vậy, sau mùa giải thành công của U23 Việt Nam, các chị em có thêm địa điểm đáng tin cậy mới, nói không với kem trộn, mỹ phẩm giả. Có lẽ không có ở đâu, khách hàng đứng dưới đường, thảm thiết gào với lên chủ cửa hàng đang đứng trên xe bus diễu hành: “Duy ơi, bán son cho chị, Duy ơi, bán son cho chị!”.
Video khán giả nói với theo Hồng Duy: “Duy ơi, bán son cho chị”.
Hồng Duy chia sẻ về tình huống thú vị này.
4. Táo Giáo dục - Đỗ Duy Mạnh hoặc Bùi Tiến Dũng
Sau Táo Kinh tế với sự phát triển vượt bậc trong kinh doanh năm 2017 qua, là Táo Giáo dục: Đỗ Duy Mạnh. Yêu nước, đá bóng giỏi, đẹp trai không chưa đủ, ham học mặc kệ nắng mưa mới là yếu tố cuối cùng, quyết định danh hiệu “con nhà người ta” của Duy Mạnh. Sự hiếu học bẩm sinh thể hiện qua hàng loạt trạng thái Facebook bất chấp trào lưu teencode thời điểm đó, viết chính tả chuẩn chỉnh và nội dung chỉ xoay quanh: chuyện thời tiết và chuyện học hành.
Cụ thể, ngày 04/05/2012, Táo Giáo dục phiên bản Đỗ Duy Mạnh chia sẻ: “Mệt mỏi lắm đấy… Nghỉ ngơi nào”. Dường như không cam lòng khi chưa hết ngày mà đã hết học, anh dậy, viết thêm một trạng thái: “Học nào. Học nào!!! Học nữa, học mãi. Và là mãi mãi…”. Cuối cùng, anh khép lại một ngày chăm chỉ: “Ngủ nào. Mai còn nhiều việc cần phải làm”.
Tuy nhiên, nói đến vị trí Táo Giáo dục, dường như thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng muốn cùng gánh vác vài phần trọng trách với Đỗ Duy Mạnh. Năm 2017, Việt Nam xôn xao bởi đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Trước đó, Bùi Tiến Dũng cũng đã thể hiện mong muốn cải cách chữ cái bằng hàng loạt bình luận Facebook “để đời”: “nó phảj thế kậu ạ.kjkjkjkj” (Nó phải thế cậu ạ, kiki), “Káj c0n này. thấy traj là ság mắt lên” (Cái con này, thấy trai là sáng mắt lên),… Đồng tình cùng Bùi Tiến Dũng, cho đến nay, Hà Đức Chinh vẫn để lại dấu ấn riêng ở từng bình luận bởi cách viết tuân thủ nguyên tắc: Mỗi câu phải thiếu đi một dấu thì mới “mặn”.
5. Táo Giao thông - Công Phượng hoặc Quang Hải
Bên cạnh đó, Công Phượng là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Táo Giao thông. Dường như, quá am hiểu và thuần thục tình hình giao thông nước nhà, nam cầu thủ quen thuộc với tình trạng tắc đường, cũng như kĩ năng chen chúc, lạng lách. Ấy thế nên, trong màu áo U19 Việt Nam năm 2014, Công Phượng thành công “lách” qua vòng vây 6 hậu vệ Australia, rồi tung ra cú dứt điểm quyết đoán khiến tất cả “sững sờ”.
Công Phượng ghi bàn vào lưới U19 Australia.
Nếu Công Phượng sở hữu kĩ năng “lạng lách”, thì Quang Hải có thể “tạt đầu” bất ngờ không kém bất cứ ninja Lead nào. Tại trận đấu chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, Quang Hải thực hiện cú đá phạt, trái bóng xé màn tuyết, bay qua đầu hàng rào phòng ngự vững chắc, sượt đầu thủ môn và làm rung lưới đối thủ.
“Siêu phẩm” của Quang Hải.
6. Táo Môi trường - Đức Huy
Đức Huy - thành viên được xem là người sở hữu nhiều phát ngôn “cục súc” một cách nghiêm túc và đầy quý tộc ở U23 Việt Nam - có thể đảm nhận vị trí Táo Môi trường, chuyên phụ trách môi trường biển bởi sự “thừa muối” của anh. Không ít ý kiến cho rằng Đức Huy có thể ướp cá mà không cần muối do bản thân anh đã có nồng độ muối cao hơn người bình thường. Mặt khác, vị Táo này có nguy cơ bị kỉ luật khi biển thủ muối - tài sản biển - thành của riêng.
7. Ngọc Hoàng - HLV Park Hang Seo
Vị trí “cầm trịch” trong Táo Quân là Ngọc Hoàng chắc hẳn sẽ được giao cho HLV Park Hang Seo, người dạy bảo và sẵn sàng “cốc đầu” các chiến binh sân cỏ mỗi khi họ xao nhãng hay ham chơi điện tử. Đặc biệt, Ngọc Hoàng phiên bản HLV Park Hang Seo cũng có những phút giây ngộ nghĩnh không ngờ chẳng kém nghệ sỹ Quốc Khánh như vào phòng học trò kiếm đồ ăn, giật mình đeo vội kính ăn mừng hay dựa vai anh chàng Đại để ngủ gật.
Dù chỉ là giả tưởng, nhưng kịch bản Táo Quân phiên bản U23 Việt Nam khiến người hâm mộ không khỏi thích thú. Người ta thường quan niệm: “Đầu năm mua muối”, và có lẽ, các chàng trai “thừa muối” của U23 sẽ là những người bán muối đắt khách nhất dịp Xuân 2018.