* Lưu ý: Bài viết dựa trên bản phim được trình chiếu ở Việt Nam *
Màn ảnh rộng xứ Chùa Vàng vốn nổi tiếng với những câu chuyện huyền bí và ma mị. Bangkok 13 là một tác phẩm “quá khổ” khi xoay quanh hành trình khám phá 13 địa điểm rùng rợn ở thủ đô Bangkok. Đằng sau vẻ hào nhoáng của vùng đất du lịch lừng danh này là 13 “điểm chết” còn đọng lại những dư âm chưa thể giải tỏa hết. Theo chân đoàn làm phim của Pia - một cô gái có khả năng kết nối với thế giới tâm linh, những câu chuyện kỳ bí dần được hé mở.
Về mặt hình thức, Bangkok 13 tương đồng với show truyền hình Ghost Lab khi các nhân vật sẽ tiến hành khám phá những địa điểm bị ma ám nổi tiếng. Thay vì tiến hành các thí nghiệm khoa học như trong Ghost Lab, Bangkok 13 điện ảnh hóa bằng thể nghiệm của nhân vật có “đôi mắt âm dương” Pia. Phim có những khung hình camera ma mị của thể loại found-footage (giả tư liệu). Một vài đoạn hiếm hoi pha trộn tốt cả khâu dựng lẫn góc quay tạo ra được cảm giác đáng sợ.
Tuy nhiên, phim lại trêu ngươi khán giả khi “chưa đến chợ đã hết tiền”, các cảnh kinh dị có tiềm năng bị chuyển cảnh một cách cụt ngủn và kém duyên. Không biết điều này có chịu ảnh hưởng từ sự kiểm duyệt của Cục điện ảnh Việt Nam hay không, nhưng nó đang giết chết một tác phẩm.
Song song đó, tạo hình của phần đông các nhân vật kinh dị chỉ dừng lại ở độ “dị”, chưa toát lên được thần thái gây sợ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cũng giống như nhiều tác phẩm cùng thể loại hiện nay, Bangkok 13 có sử dụng kỹ xảo trong việc thể hiện các hình ảnh siêu nhiên. Các phân đoạn này vẫn còn giả và hầu như chưa tạo được bất kỳ hiệu ứng nào. Một trong những nguyên nhân khiến khán giả khó “cảm” được nỗi sợ của tác phẩm là vấn đề về địa lý.
Nếu là một cư dân Thái Lan đã từng đi qua hay biết đến những địa điểm ma ám này, chắc hẳn sự sợ hãi sẽ trỗi dậy từ trong tiềm thức. Với khán giả Việt Nam, chúng khá xa lạ, do đó chúng ta chỉ quan tâm câu chuyện đằng sau đó thật và hấp dẫn như thế nào, chứ không phải là câu chuyện chúng ta từng nghe được thể hiện ra sao trên phim. Phần lớn các sự việc đều không mới mẻ và có phần tầm thường trong mắt các tín đồ kinh dị.
Xu hướng kết hợp yếu tố hài trong phim kinh dị vẫn luôn là trào lưu khó chìm ở Thái Lan. Tiếng cười trong Bangkok 13 toát ra khá duyên dáng từ sự tung hứng của một dàn diễn viên có thực lực và từ cốt truyện chính của phim. Một đoàn phim không có kịch bản hoàn chỉnh nên dẫn đến nhiều biến tấu trong các tình huống trên phim trường. Các tình tiết không mới nhưng lại dàn dựng tốt. Phim có nhiều câu thoại “chất” tạo được tiếng cười mà không hời hợt và dễ dãi. Nhân vật nhà sản xuất Pyo cho rằng cách làm của đoàn phim mang đậm chất… Vương Gia Vệ, vị đạo diễn nổi tiếng qua các xuất phẩm nghệ thuật kinh điển với phong cách làm phim “cảm hứng đến, máy quay lên”.
Dàn bộ sậu của tác phẩm đều tròn vai và không có sự đột phá nào. Nhân vật chính có gương mặt đủ đẹp và diễn xuất đủ ổn định để thể hiện chân thật các phân đoạn biến hóa tâm lý khi thấy ma. Đây là điều tất yếu để phim trở thành một cuốn phim tài liệu đúng nghĩa như trong tác phẩm đề cập. Đồng hành cùng cô là một nữ trợ lý Koi “mặt bánh bèo mà gan bánh đá”. Là nhân vật “cứng” nhất phim, cô luôn giữ được phong độ với ánh mắt dũng mãnh và hành động dứt khoát. Đấng mày râu nổi bật với chàng lãng tử Darm phong trần và đẹp đôi khi sánh vai cùng Pia, thỉnh thoảng chen vài câu thoại hài hước và một nhà sản xuất Pyo chất chứa bao tham vọng, bất chấp mọi thủ đoạn để cho ra đời tác phẩm ăn khách.
Nhìn chung, Bangkok 13 có nhiều tiềm năng từ cốt truyện hấp dẫn, diễn viên có thực lực, lối dàn dựng có hiệu quả và một cái kết bất ngờ nhưng về chung cuộc lại chưa đủ sức gây ám ảnh. Việc trải nghiệm qua 13 địa điểm mà không có sự liên kết hợp lý khiến mạch phim trở nên rời rạc. Có những phân đoạn dư thừa nếu chúng ta bỏ qua vẫn dễ dàng thẩm thấu được triệt để nội dung tác phẩm. Bangkok 13 dừng lại ở một bộ phim kinh dị tầm trung mang tính giải trí và là một cú giật mình thoáng qua trong một khoảnh khắc nào đó của phim.
Saostar đánh giá: 2.5/5