Avengers: Endgame đã thay đổi cục diện điện ảnh và dòng phim siêu anh hùng, đồng thời mở ra cái kết mở cho MCU và các hãng cạnh tranh.
Chỉ tính trong 4 ngày đầu tiên công chiếu, siêu phẩm Avengers: Endgame của Marvel đã đạt doanh thu 1,2 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, trở thành hiện tượng không những thành công về thương mại mà còn được khán giả đại chúng ca ngợi hết lời. “Hồi kết đẹp đẽ”, “kết thúc hoàn hảo” cho giai đoạn đầu tiên của MCU là mỹ từ được giới mộ điệu dành tặng tác phẩm của hai anh em nhà Russo. Nhưng liệu Avengers: Endgame có thực sự là đỉnh cao điện ảnh như ca ngợi?
“Với tư cách một khán giả bình thường, tôi cảm thấy 'Avengers: Endgame' là một sự trộn lẫn, nhưng người hâm mộ có thể thấy chúng hay”, trợ lý biên tập truyền hình Aisha Harris cho biết, trong khi nhà phê bình Scott nghĩ rằng MCU đang “tuyển dụng” người hâm mộ thay vì chiều lòng fan. Bởi lẽ, theo nhà phê bình này, các khán giả buộc phải theo dõi những tập phim trước đó để hiểu các phần phim sau. Vậy nên, cách vận hành của chuỗi phim Avengers là khán giả không bao giờ thấy một tác phẩm hoàn hảo khi đứng đơn lẻ mà chỉ thấy cuốn hút với cả loạt phim.
Đối với những khán giả không yêu thích Marvel, nhiều siêu anh hùng có màn xuất hiện ấn tượng nhưng không thể hiện rõ vai trò và đôi khi trở nên vô duyên suốt toàn phim. Đặc biệt, khi sử dụng lý thuyết về thời gian và vật lý lượng tử, Avengers: Endgame tạo nên một số lỗ hổng kịch bản, thiếu đi nền tảng xuyên suốt và thuyết phục về quy luật vận hành, khiến người xem cảm nhận rõ việc ép kịch bản đi theo ý mình của đạo diễn. Trong khi đó, sự mạnh yếu bất thường của các siêu anh hùng cũng là chủ đề gây bàn tán sau trận chiến của biệt đội Avengers với gã điên loạn Titan Thanos.
Ngoài ra, thời lượng ba tiếng là chưa đủ đối với người hâm mộ khi chứng kiến hồi kết của giai đoạn đầu đế chế siêu anh hùng hùng mạnh, nhưng cũng trở nên dài dòng cho khán giả chưa theo dõi toàn bộ loạt phim.
Cũng theo một số chuyên gia điện ảnh, Avengers: Endgame đã cố gắng đan xen tinh thần nữ quyền song vẫn không thực sự đáng giá. Ở cảnh quay dài hơn 30 giây trong trận đấu bạo liệt cuối cùng với gã Titan điên Thanos, các gương mặt nữ siêu anh hùng như Pepper Potts, Shuri, Scarlet Witch và một số nhân vật nữ khác cùng hỗ trợ cho Captain Marvel. Tuy nhiên, cảnh đánh đó không tạo nên bước ngoặt quan trọng nào và kết thúc khá hời hợt, khiến người xem cảm giác đó chỉ là chi tiết cho có để tôn vinh phụ nữ.
Theo nhiều ý kiến khó tính, Avengers: Endgame không phải tác phẩm điện ảnh đỉnh cao mang đến một di sản đáng giá bậc nhất cho nền điện ảnh thế giới, mà chỉ đơn thuần là sản phẩm chiều fan hết mực của MCU. Thay vì cho thấy bước ngoặt điện ảnh, hồi kết Avengers để lại di sản lớn nhất là sự thống trị của Disney trên thị phần màn ảnh rộng toàn cầu. Chuyên gia văn hóa đại chúng Dargis cho biết Marvel cùng với Pixar và Lucasfilm đã giúp Disney chinh phục từ thiếu nhi cho đến khán giả ở lứa tuổi trưởng thành, Iron Man ra đời và giúp Disney chiếm 10.5% thị trường điện ảnh, con số này lên đến 26% sau Avengers: Infinity War.
Như vậy, có thể khẳng định, Avengers: Endgame không phải một tác phẩm xuất sắc bậc nhất khi đứng một mình, không có những cảnh quay hành động kinh điển hay kịch bản nhiều chiều sâu. Song, bộ phim cho thấy tư duy điện ảnh và chiến lược tuyệt vời của những người đứng sau đế chế Marvel khi đưa tất cả các nhân vật được yêu thích lên màn ảnh cùng nhau một cách hoành tráng và vô cùng chặt chẽ. Và chắc chắn rằng sau Avengers: Endgame, cục điện điện ảnh đã được thay đổi với dòng phim siêu anh hùng, đồng thời mở ra một cái kết mở cho tương lai của MCU và những hãng phim cạnh tranh.