Tinh thần xuyên suốt Ỷ Thiên Đồ Long Ký mà cố nhà văn Kim Dung muốn truyền tải chính là ranh giới chính tà mong manh. Có kẻ đường đường là trưởng môn một phái lại thật tiểu nhân bỉ ổi, người mang tiếng “đại ma đầu” thực chất rất hiệp nghĩa, trọng tình cảm. Ngoài ra, còn cả những nhân vật được cảm hóa, tìm lại thiên tính tốt đẹp ẩn sâu trong tâm hồn. Ân Tố Tố (Trần Hân Dư) chính là người con gái như vậy.
Cha nàng - Ân Thiên Chính, vốn là một trong tứ đại pháp vương của Minh giáo. Vì một số xích mích nội bộ, ông tách khỏi Minh giáo, tự lập môn hộ, gọi là Thiên Ưng giáo. Ân Tố Tố từ nhỏ lớn lên trong môi trường toàn những người hành sự độc ác quái dị, tâm tính dần dần bị nhiễm theo thói xấu. Mới mười mấy tuổi, nàng đã trở thành một nữ ma đầu giết người không ghê tay, sở trường dùng ám khí độc. Địa vị trong Thiên Ưng giáo của nàng là Tử Vi đường đường chủ, chỉ sau cha và anh trai Ân Dã Vương.
Điều đáng nói là bản dựng mới đây đã khiến Ân Tố Tố trở thành một người hành động mâu thuẫn, nửa chính nửa tà theo kiểu rất “nửa mùa”. Sau khi Du Đại Nham chiếm được Đồ Long đao, Thiên Ưng giáo bày kế hãm hại khiến ông bị trúng ngâm châm độc nhằm cướp đao. Tuy nhiên, người ra tay lại là Ân Dã Vương, hoàn toàn không liên quan đến Ân Tố Tố. Tình tiết này có vẻ rất bình thường, nhưng nếu liên hệ với sự việc Trương Thúy Sơn (chồng tương lai của nàng) tự sát thì hoàn toàn bất hợp lý.
Du Đại Nham bất tỉnh nhân sự rồi, Ân Tố Tố thuê Đô Đại Cẩm ở Long Môn Tiêu Cục hộ tống ông về tận núi Võ Đang. Nàng còn trả giá tận 2000 lượng vàng, đưa ra ba nguyên tắc bảo tiêu để chuyến đi được cẩn thận hết mức, nếu không hoàn thành tốt thì sẽ giết sạch cả Long Môn Tiêu Cục. Sau khi Đô Đại Cẩm khởi hành, Ân Tố Tố âm thầm theo sát bảo vệ từng li từng tí.
Nhìn thấy Du Đại Nham bị bọn cao thủ lạ mặt hạ độc thủ, Ân Tố Tố không ngại ngần đánh nhau với chúng. Trong khi đằng nào chúng cũng bẻ hết khớp của Du Đại Nham rồi chạy luôn, Ân Tố Tố sao lại phải phí sức như vậy ? Thật là một nữ hiệp tâm địa thiện lương, xả thân vì nghĩa ! Chứ không phải dáng vẻ đang chuộc lại lỗi lầm như trong nguyên tác.
Vì lần giao đấu đó mà Ân Tố Tố bị nhiễm độc Mai Hoa tiêu. Nàng gặp gỡ Trương Thúy Sơn, dùng những lý lẽ khó hiểu để biện hộ cho hành động tàn nhẫn của mình. Một người bướng bỉnh, vô pháp vô thiên như nàng, sao có thể cứu giúp Du Đại Nham hết lòng đến vậy ? Thậm chí khi đấu khẩu bị thua với Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố không ngại đâm ám khí cho sâu thêm. Con người nàng tàn nhẫn với cả chính mình, nói gì nghĩ đến kẻ khác ? Tưởng như trên đời này ngoài gia đình và tình yêu, Ân Tố Tố không nể nang bất cứ ai.
Rời Lâm An đến Vương Bàn Sơn, Ân Tố Tố khiến đấng mày râu phải nể phục khi mời được các bang phái đến tham dự đại hội võ lâm để “khoe chiến tích” cướp được Đồ Long đao. Tạ Tốn xuất hiện, xảy ra tranh chấp rồi 3 người Tạ Trương Ân lưu lạc trên hoang đảo. Là họa hay phúc, về lâu về dài mới khẳng định được !
Nhìn chung, mọi hành động của Ân Tố Tố trong hai tập vừa qua tương đối sát nguyên tác. Chỉ trừ chi tiết hại Du Đại Nham, nó tạo nên sự bất đồng trong con người nàng, và gây vô lý đến tận 10 năm sau. Hãy cùng đón xem những tập tiếp theo của Ỷ Thiên Đồ Long Ký để cảm nhận diễn biến tình yêu của nàng với Trương Thúy Sơn nhé !