Alita: Battle Angel là dự án chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Yukito Kishiro. Nguyên tác đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 1990-1995 và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều độc giả, trong đó có cả James Cameron- vị đạo diễn tài ba từng đóng góp không ít dự án sci-fi ăn khách cho thế giới trong giai đoạn thập niên 80, 90. Cameron đã dành cả một thập kỷ để cố gắng đôn thúc Alita, nhưng cuối cùng lại chọn sản xuất “bom tấn” Avatar. Giờ đây, đạo diễn Robert Rodriguez chính là người đứng ra đảm đương dự án đầy hứa hẹn này với phần kịch bản do chính tay James Cameron viết.
Bộ phim theo chân Alita (Rosa Salazar)- một cô bé “nửa người nửa máy”, được tiến sĩ Dyson Ido (Christoph Waltz) tìm thấy tại một bãi phế liệu trong tình trạng hư hỏng nặng. Sau khi được khôi phục, ông đã lấy tên con gái mình là Alita để đặt cho cô bé. Đương nhiên, Alita vẫn luôn không ngừng tìm kiếm danh tính thực sự của mình. Tại đây, cô bị hút hồn cuộc sống mới ở Iron City (tàn dư còn lại của “miền đất hứa” Zalem) và gặp gỡ những người bạn mới.
Tuy nhiên, bóng tối vẫn luôn rình rập Iron City theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vector (Mahershala Ali) và tiến sĩ Chiren (Jennifer Connelly) là những nhà tài trợ cho các tay chơi Motorball thành công nhất, nhưng bên cạnh đó, cả hai còn quen biết với những cá thể quyền lực nhất Zalem. Sau khi phát hiện bản thân từng là một “chiến binh”, Alita quyết định trở thành một “thợ săn” và bắt đầu bước vào cuộc chiến chống lại cái ác, đặc biệt là tên người máy phản diện Grewishka (Jackie Earle Haley). Tiến gần hơn đến mục đích của mình, Alita vô tình khám phá ra âm mưu đen tối nhằm tiêu diệt người máy của một số đối tượng ở cả Iron City và Zalem. Từ đây, cuộc chiến của Alita không còn là vì riêng bản thân mình mà còn vì những người mà cô bé hết sức yêu quý.
Với khả năng chỉ đạo của Rodriguez, cộng thêm phần kịch bản do Cameron và Laeta Kalogridis chấp bút, khán giả rõ ràng chẳng cần phải thắc mắc nhiều về khoản công nghệ kỹ xảo đỉnh cao đã từng làm nên tên tuổi cho siêu phẩm Avatar nói riêng và đối với thể loại phim 3D nói chung. Đặc biệt, phần hình ảnh bùng nổ và trần trụi, chau chuốt đến mê đắm lòng người của Alita dễ dàng thuyết phục cả những khán giả khó tính nhất. Những khung cảnh từ Iron City, vùng Badland đến Zalem đều được tô điểm sinh động, thậm chí được thiết kế chi tiết, kỹ lưỡng đến từng hạt bụi. Ngoài ra, những cảnh quay của môn thể thao Motorball được thổi hồn bởi công nghệ CGI sẽ khiến khán giả chẳng thể rời mắt khỏi màn hình bởi những pha mạo hiểm hồi hộp, gay cấn đến thót tim.
Tương tự nhiều bộ phim chuyển thể khác, Alita vẫn gặp phải không ít thiếu sót ở phần kịch bản (đương nhiên sự nỗ lực của bộ ba Cameron, Kalogridis và Rodriguez là không thể chối cãi). Bộ phim mất điểm trước giới chuyên môn bởi nhịp phim ngắt quãng, không đồng đều, lúc thì dồn dập quá mức khiến khán giả phải tiếp nhận thông tin liên tục, lúc lại dài dòng lê thê không cần thiết. Có lẽ đây là lý do tại sao nhiều khán giả cảm tưởng như mình vừa xem một bộ phim dài ba tiếng đồng hồ trong khi thời lượng của Alita chỉ có hai tiếng. Bên cạnh đó, phần bối cảnh Iron City và Zalem tuy được đánh giá cao nhưng có vẻ như các nhà làm phim vẫn có ý “để dành” những thước phim hoành tráng nhất cho các phần hậu truyện sau chứ không “xuất chiêu” hết trong dịp này. Ngoài ra, có nhiều đoạn hội thoại còn khá lủng củng và không ăn nhập mấy với bầu không khí chung của bộ phim. Dàn diễn viên hội tụ nhiều tài năng của Alita cũng khó lòng mà cứu vãn bộ phim khi gặp phải nhược điểm chết người này.
Bởi vì Alita là câu chuyện riêng về cô bé chiến binh nên dĩ nhiên, nữ diễn viên chính Rosa Salazar phải gánh vác trọng trách không nhỏ khi phải đảm đương phần đất diễn chiếm ưu thế hơn hẳn so với những nhân vật khác. Sự kết hợp giữa màn thể hiện tuyệt vời của Rosa Salazar và phần kỹ xảo đã đem đến cho khán giả một Alita ấn tượng ngoài mong đợi. Alita thuộc tuýp nhân vật sở hữu “hào quang nữ chính” nhưng vẫn dễ dàng giành được sự ủng hộ của khán giả xuyên suốt cuộc hành trình bởi trái tim quả cảm, đầy nhiệt huyết và ý chí chiến đấu mạnh mẽ, kiên cường của cô bé.
Tóm lại, mạch truyện của Alita: Battle Angel tuy chỉ nằm ở mức “tạm ổn”, nhưng phần kỹ xảo hình ảnh có thể nói là nằm ở một tầm cao mới so với nhiều tác phẩm cùng thể loại. Bên cạnh đó, mặc dù không thể phủ nhận tâm huyết và tình cảm mà Cameron, Rodriguez và Kalogridis dành cho Alita nhưng phiên bản chuyển thể này khó có thể làm hài lòng những fan cứng của tác giả Yukito Kishiro. Tuy vậy, các khán giả yêu điện ảnh nói chung và “mọt” phim khoa học viễn tưởng nói riêng hoàn toàn nên cho Alita một cơ hội. Đặc biệt, việc chiêm ngưỡng bộ phim ở định dạng 3D IMAX đảm bảo sẽ là một lựa chọn vô cùng sáng suốt. Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm thú vị và những giờ phút thư giãn, giải trí tuyệt vời nhất cùng người thân và bạn bè.
Bộ phim được khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 14 tháng 2.