Phim Ảnh

'Alita: Battle Angel' - Cuộc cách mạng ấn tượng của James Cameron đối với dòng phim Cyberpunk

Bánh Bao
Chia sẻ

Bằng hiệu ứng CGI mãn nhãn, các pha hành động đỉnh cao cùng phần nội dung dễ “thẩm thấu”, nhà sản xuất kiêm biên kịch James Cameron đã giúp “Alita: Battle Angel” – tác phẩm thuộc dòng phim Cyperpunk trở nên gần gũi hơn trong mắt khán giả đại chúng.

Sở hữu hàng loạt “đứa con” đã đi vào huyền thoại làng điện ảnh như Aliens (1986), Terminator 2: Judgment Day (1991), Titanic (1997) hay Avatar (2009), James Cameron luôn biết cách khiến cho người xem bất ngờ trước những tác phẩm có tầm nhìn vượt xa thời đại và kỹ xảo xuất sắc. Vì vậy, cả giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng đều đang hồi hộp chờ đợi bom tấn Alita: Battle Angel (Thiên Thần Chiến Binh) - dự án được chính tay ông ấp ủ suốt gần hai thập niên (giữa năm 2000 đến nay) dưới cương vị nhà sản xuất kiêm biên kịch.

Trailer “Alita: Battle Angel “

Siêu chiến binh mang hình dạng thiên thần

Chuyển thể từ bộ manga (truyện tranh Nhật Bản) kinh điển Gunnm do họa sĩ Yukito Kishiro chấp bút, Battle Angel lấy bối cảnh thế giới tương lai bị suy tàn bởi cuộc đại chiến khốc liệt The Fall. Để sinh tồn, người dân buộc phải làm việc cho hệ thống Nhà Máy (The Factory) nằm dưới chân vườn địa đàng Zalem, thành phố bay duy nhất vẫn còn trụ vững sau khi The Fall chấm dứt. Một ngày nọ, trong lúc bới móc mớ linh kiện điện tử mà giới quý tộc Zalem thải bỏ xuống bãi phế liệu, tiến sĩ Ido (Christoph Waltz) tình cờ tìm thấy phần thân trên của một nữ robot sinh học (Rosa Salazar). Với bản tính tò mò, ông quyết định đem cô về sửa chữa, lắp ghép sang cơ thể máy móc mới rồi đặt tên là Alita.

Tỉnh lại nhưng không thể nhớ nổi bất cứ điều gì, Alita luôn luôn băn khoăn về cuộc sống trước kia của bản thân. May mắn thay, nhờ sự trợ giúp nhiệt tình từ ngài tiến sĩ cùng anh bạn Hugo (Keean Johnson), nàng robot dần phát hiện ra bí mật kinh hoàng liên quan tới mình và trận đại chiến năm xưa. Thực chất, cô chính là mẫu “vũ khí” thất truyền từng được sử dụng nhằm phá hủy thành phố bay Zalem. Tuy nhiên, vì nguyên nhân nào đấy, nhiệm vụ bị thất bại khiến Alita phải hứng chịu kết cục đau đớn. Mong muốn khám phá ngọn nguồn câu chuyện, cô bắt đầu lên kế hoạch xâm nhập vào vườn địa đàng thông qua giải đấu sinh tử MotorBall.

Mảng nghe nhìn xứng tầm đẳng cấp

Từng đảm nhận biết bao tuyệt phẩm đình đám như bộ ba The Lord of the Rings, Avatar (2009), Mad Max: Fury Road (2015) lẫn Thor: Ragnarok (2017)…, thế nên, phần hiệu ứng kỹ xảo mà studio Weta Workshop mang đến cho Batlle Angel chỉ có thể tóm gọn bằng hai từ xuất sắc. Dưới sự tư vấn của chính cha đẻ Yukito Kishiro, quá trình thiết kế bối cảnh và nhân vật đều được ekip chăm chút kỹ lưỡng, bám sát theo nguyên tác truyện tranh. Xuyên suốt 2 tiếng thời lượng, cộng đồng fan manga sẽ vô cùng sung sướng khi tận mắt chứng kiến những cỗ máy cơ học hầm hố, tòa thành bay Zalem đồ sộ hay món vũ khí chết chóc giấu trong ngón tay của tên đột cốt Grewishka (Jackie Earle Haley).

Thú vị hơn nữa, với việc nắm giữ công nghệ motion capture (nắm bắt chuyển động) hàng đầu thế giới, James Cameron đã tạo ra nhân vật CGI theo phong cách manga hoàn hảo nhất lịch sử ngành điện ảnh. Thay vì chỉ cần ghi hình trước phông nền xanh giống hệt bao bom tấn khác, nữ tài tử Rosa Salazar lại phải sử dụng một bộ phục trang đặc biệt, sau đó tương tác trực tiếp cùng các bạn diễn ngay tại trường quay. Nhờ vậy, nữ thiên thần do cô thủ vai có được những nét mặt và biểu cảm hết sức sống động. Thậm chí, bản thân đạo diễn Robert Rodriguez dám tự tin khẳng định rằng: “Tôi thấy Alita chân thực vượt ngoài sức tưởng tượng (She’s just realer than real)”.

Bên cạnh mảng đồ hoạ đỉnh cao, đứa con tinh thần của James Cameron còn gây ấn tượng mạnh bằng yếu tố hành động hấp dẫn. Vốn sử dụng nhuần nhuyễn Panzer Kunst - kỹ thuật cận chiến giả tưởng lấy cảm hứng từ môn võ karate, cô nàng robot xinh đẹp luôn làm cho đối phương phải liên tục dè chừng bởi các đòn tấn công uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần uy lực, hiểm hóc. Chưa kể, trong số hàng loạt trận so găng mãn nhãn nơi Battle Angel, thì trường đoạn thi đấu MotorBall là điểm nhấn cực kì độc đáo. Kết hợp giữa bóng rổ với trượt patin, mức độ điên rồ ở trò chơi bạo lực ấy sẽ khiến bạn chẳng thể nào rời mắt khỏi màn hình.

Làn gió mới cho dòng phim Cyberpunk

Mỗi lần nhắc tới khái niệm Cyberpunk, giới mộ điệu cine thường nghĩ ngay về các siêu đô thị tối tăm lạnh lẽo, về tương lai thật tréo ngoe lúc khoa học phát triển vượt bậc nhưng đời sống con người lại tụt dốc không phanh. Nhìn chung, đa số tác phẩm thuộc tiểu thể loại trên thường sở hữu cốt truyện nặng nề và kén chọn khán giả. Cũng chính vì điều đó, sau thất bại đau đớn của Ghost in the Shell lẫn Blade Runner 2049 (2017), kinh đô Hollywood bắt đầu dè dặt hơn trong việc sản xuất những dự án có đề tài tương tự. Tuy nhiên, Battle Angel đã khắc phục thành công hạn chế này khi đem đến một câu chuyện mang tính đại chúng, tránh sa đà sang khía cạnh triết lý thâm sâu.

Khác hẳn mấy hình mẫu nhân vật tiêu biểu ở dòng Cyperpunk (lập dị, chán đời, muốn thao túng thế giới…), Alita là một thiếu nữ cyborg ngây thơ, được tiến sĩ Ido hết lòng yêu thương và bảo bọc che chở. Vậy nên, hành trình hồi phục trí nhớ của cô tạo cảm giác khá dễ chịu nhờ khai thác những tình tiết hài hước nhẹ nhàng, lãng mạn đậm chất chick - flick hồi đầu thập niên 2000 (tạm dịch: phim dành cho phái đẹp). Đặc biệt, mối quan hệ đáng yêu giữa Alita với cậu thanh niên Hugo sẽ giúp bộ phim dễ dàng chiếm được sự đồng cảm nơi các chị em, đối tượng khán giả chủ yếu vào dịp Lễ Tình Nhân năm nay.

Kịch bản chuyển thể còn nhiều nuối tiếc

Dẫu đánh dấu bước nhảy vọt ở lĩnh vực hiệu ứng đồ họa kỹ xảo, nhưng Battle Angel vẫn gặp rắc rối lớn với vấn đề chuyển thể nội dung, nhược điểm chí mạng mà biết bao tác phẩm live action thường xuyên mắc phải. Không rõ vì lý do gì, James Cameron đã quyết định chỉnh sửa nguồn gốc cái tên Alita, đồng thời bổ sung vào kịch bản một tuyến truyện hoàn toàn mới mẻ xoay quanh nữ bác sĩ Chiren (Jennifer Connelly).

Tất nhiên, trước thời lượng chỉ tầm 2 tiếng ngắn ngủi, thì việc khai thác nhân vật ấy bên cạnh đường dây chính đồ sộ là nhiệm vụ bất khả thi. Ngoài ra, quá khứ cực kì thú vị của gã hộ pháp Grewishka lẫn anh chàng Hugo lại chẳng hề được đề cập, khiến bọn họ bị mờ nhạt hơn rất nhiều so với nguyên tác truyện tranh.

Chưa kể, việc thay đổi thứ tự, nội dung các sự kiện lớn cũng vô tình làm tâm lý nữ chính phát triển theo chiều hướng sai lệch. Trong lúc manga Gunnm khắc họa Alita là cô gái thẳng thắn bộc trực, thì bom tấn này có lẽ đã đi quá xa khi miêu tả nữ thiên thần chiến binh không khác gì… bọn sửu nhi.

Thô lỗ, hấp tấp và ưa thích giải quyết tranh cãi bằng bạo lực tay chân, Alita dưới con mắt James Cameron giờ đây giống hệt feminazi - những kẻ nhân danh nữ quyền một cách cực đoan, mù quáng. Vốn gắn liền cùng biểu tượng nữ quyền qua nhiều tuyệt phẩm để đời như Aliens, Terminator 2: Judgment Day hay Titantic, Battle Angel cho thấy dấu hiệu hụt hơi đầy đáng tiếc của ông vua phòng vé ngày nào.

Dù vậy, xét về tổng thể, đây vẫn là một bom tấn giải trí chất lượng sau kì nghỉ Tết, đảm bảo được tiêu chí hình ảnh hoành tráng, hành động mãn nhãn và diễn xuất chuyên nghiệp. Hy vọng rằng, ở phần hậu truyện kế tiếp của Alita, James Cameron cùng đạo diễn Robert Rodriguez sẽ đầu tư thêm vào khâu kịch bản, khắc phục triệt để những khiếm khuyết vẫn đang tồn đọng nơi Battle Angel.

Alita: Battle Angel khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 15/02/2019.

Chia sẻ

Bài viết

Bánh Bao

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất