Alien: Covenant được đạo diễn bởi Ridley Scott - cha đẻ của bộ phim Alien (1979), đồng thời cũng là người đã tái khởi động lại dự án này vào năm 2012 bằng phần phim “prequel” Prometheus. Không giống như cách Arnold Schwazenegger xuất hiện trong Terminator Genisys (2015) và vẫn tiếp tục là một phần quan trọng của bộ phim, hay Harrison Ford và nữ diễn viên quá cố Carrie Fisher vẫn xuất hiện trong Star War: The Force Awakens (2015) với vai trò nhân vật phụ, Sigourney Weaver không xuất hiện trở lại trong phần phim mới này. Sự vắng mặt ấy tuy gây nhiều nuối tiếc, nhưng là một sự đánh đổi “có lí do của nó”, bởi tham vọng của Ridley Scott khi mang con quái vật chết chóc ngoài không gian quay trở lại màn ảnh không chỉ là tạo ra phần tiếp theo của những gì đã được biết đến.
Từ một bộ phim kết nối hai giai đoạn lịch sử
Trong mạch thời gian của dòng phim, Alien: Covenant xảy ra trong khoảng thời gian sau sự kiện phi hành đoàn của tàu Prometheus gặp nạn và trước khi mạch truyện chính của năm 1979 bắt đầu. Nằm kẹp giữa hai mốc sự kiện quan trọng nhưng bị đảo ngược cho nhau: phần trước được làm sau, và phần sau được làm trước, cốt truyện của Alien: Covenant thực sự là một điều gây tò mò với những khán giả đã yêu mến dòng phim này. Bởi rõ ràng, khi khoảng thời gian giữa hai sự kiện - thể sống đầu tiên của Alien ra đời, và phi hành đoàn Nostromo bị tấn công bởi loài Alien sống trên hành tinh nơi Prometheus rơi xuống càng bị thu ngắn lại, thì Alien: Covenant càng phải chịu thêm nhiều sức ép của việc làm sao để các sự kiện diễn ra trong bộ phim này khớp nối vừa vặn với bối cảnh trước khi Alien (1979) bắt đầu.
Trong Alien: Covenant, một tàu di cư trên hành trình đến một hành tinh thuộc địa nằm cách Trái đất một hành trình kéo dài gần 3000 ngày, được vận hành bởi một con robot hình người tên Walter, đã gặp phải một tai nạn bất ngờ, khiến những thành viên của phi hành đoàn đang ngủ đông buộc phải thức giấc sớm hơn dự kiến. Tai hoạ ập đến khi quá trình “rã đông” gặp trục trặc, giết chết người thuyền trưởng đương nhiệm. Những người còn sống sót, vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi, bị chia rẽ bởi những khác biệt trong tư tưởng, buộc phải lựa chọn giữa việc sẽ tiếp tục hành trình đã được vạch sẵn, hay đặt cược vào một hành tinh bí ẩn đầy hứa hẹn vừa đột ngột xuất hiện trên bản đồ của họ. Giữa lằn ranh của một bên là nỗi sợ hãi cái chết có thể ập đến bất kì lúc nào chỉ bởi một sự cố kĩ thuật, và bên kia là nỗi hoang mang trước thứ mà bản thân hoàn toàn không hiểu biết, phi hành đoàn tàu Covenant đã lựa chọn cuộc khám phá hành tinh bí ẩn.
Cho tới tham vọng về một góc nhìn mới
Có thể dễ dàng nhận thấy Alien: Covenant đã sử dụng lại motif của Prometheus, nhưng đã có những bước phát triển mang tính đột phá, để mở ra một góc nhìn mới cho những phần phim tiếp theo (nếu nó thực sự có cơ hội để được làm tiếp). Trong series Alien trứ danh, khán giả được chứng kiến cuộc chiến dai dẳng giữa Ellen Ripley - đại diện mạnh mẽ nhất của loài người với đám quái vật không gian Alien. Cuộc chiến này chính là biểu trưng cho sức mạnh chinh phục và vị thế của loài người trước những giống loài khác trong vũ trụ. Nhưng trong Prometheus, hay giờ đây là Alien: Covenant, có một thế lực khác đã ngấm ngầm trỗi dậy, và đang giành quyền kiểm soát cả hai phía của trận chiến ấy - trí thông minh nhân tạo.
Mầm mống của sự thôn tính ấy đã được cảnh báo từ khoảnh khắc mở đầu của bộ phim, khi David - người máy phục vụ trên tàu Prometheus đã có một cuộc trò chuyện rợn sống lưng với “cha đẻ của mình”, Peter Weyland về sứ mệnh và ý nghĩa độc lập trong sự tồn tại của anh ta. Rồi khi câu chuyện trên tàu Covenant bắt đầu, ta lại nhìn thấy Walter - phiên bản cải tiến của David, xuất hiện và đảm nhiệm vai trò duy trì mọi hoạt động sống của con tàu.
Trong suốt đoạn mở đầu rất dài ấy, ta thấy bộ phim xoay quanh câu chuyện của những người máy phục vụ, rồi kể một chút câu chuyện của phi hành đoàn tàu Covenant, trước khi một lần nữa, quay trở lại, và đi sâu hơn vào tuyến truyện của David và Walter, rồi quay trở lại giết thêm một vài người trong số phi hành đoàn, trước khi quay trở lại với câu chuyện của hai người máy. Giữa sự thay đổi qua lại giữa các tuyến nhân vật ấy, những con quái vật không gian Alien phải vô cùng chật vật mới có được một vài chục phút xuất hiện trên màn ảnh.
Dễ dàng nhận thấy, trong Alien: Covenant đang diễn ra một sự chuyển dịch rõ rệt trong vai trò của các nhóm nhân vật: con người ngày càng trở nên giống với máy móc - có thể tạm thời “tắt đi” bằng những chiếc kén ngủ đông và được “khởi động lại” bằng quá trình rã đông khi cần thiết; còn ở chiều ngược lại, máy móc ngày càng trở nên giống với con người - biết “suy nghĩ” thay vì “xử lí thông tin”, biết cảm thụ nghệ thuật, và cuối cùng, mang lại nhiều bất ngờ và kinh hoàng nhất cho người xem, biết “sáng tạo”. Sự sáng tạo của một bản sao trí thông minh của con người nhưng thiếu vắng nhân tính được phát triển theo từng cấp bậc: biết chơi nhạc cụ, biết vẽ tranh, biết cảm thụ nghệ thuật và vận dụng nó trong những tình huống cụ thể, và cuối cùng, tự tạo ra một giống loài mới.
Tạm biệt nữ quyền
Sự thay đổi trong tinh thần của bộ phim dẫn đến việc Alien: Covenant tự tách nó ra khỏi bốn phần phim trước và mở đầu một chuỗi sự kiện mới cũng tạo ra nhiều bẽ bàng nơi người xem như cái cách nó tạo ra những sự bất ngờ. Điều khiến fan trung thành của dòng phim cảm thấy hụt hẫng nhất, chính là sự thay đổi trong tinh thần ủng hộ nữ quyền đã tạo ra điểm nhấn khó xoá nhoà của Alien ngay từ khi nó ra đời.
Nếu như George Lucas đã tạo ra trên màn ảnh một nhân vật công chúa Leia mạnh mẽ và quyết liệt sánh vai cùng Han Solo trong Star War: A New Hope (1977), thì Ridley Scott đã tạo ra một nhân vật nữ anh hùng độc lập và mạnh mẽ, một “Lady of Survivor” hoàn hảo mang tên Ellen Ripley - nhân vật nữ chính xuyên suốt bốn phần phim của dòng phim Alien từ năm 1979 đến năm 1997. Sự xuất hiện của Alien và Ripley đã mở màn cho một làn sóng nữ quyền trên màn ảnh với những nhân vật nữ hành động chúng ta đã quen thuộc ngày hôm nay như Alice của Resident Evils hay Selene của Underworld.
Alien: Covenant, hay trước nó là Prometheus, cũng cố gắng bắt nhịp với lịch sử của Alien bằng những nhân vật nữ chính. Nhưng cả Elizabeth Shaw của Prometheus hay Daniels của Alien: Covenant đều bị gắn chặt với hình ảnh những người phụ nữ bi luỵ vì nỗi đau mất đi người đàn ông họ yêu. Thậm chí nỗi đau còn khiến Daniels trở nên đờ đẫn và bị động suốt chiều dài của bộ phim, cho tới tận những phút cuối phim khi cô quyết định đánh trả con quái vật (một cách đầy miễn cưỡng). Thậm chí cô còn không được đặt cho một cái tên của phái nữ!
Không những thế, trong suốt bộ phim, ngoài Daniels, các nhân vật nữ của phi hành đoàn đều tự biến mình thành thảm hoạ khi hoặc liên tiếp phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn, hoặc không thể tự quyết định việc gì cho ra hồn, hoặc tự đẩy bản thân mình vào nguy hiểm bởi những tình huống thực sự không xứng đáng… Và số phận của Elizabeth Shaw, người phụ nữ sống sót cuối cùng trong Prometheus (có lẽ đến lúc này, nên coi việc để nhân vật nữ sống đến phút cuối là một truyền thống của dòng phim thay vì một biểu tượng hay sự tôn vinh sức mạnh) cũng được tiết lộ trong Alien. Cô trở thành nạn nhân trong tay kẻ mà cô đã nhọc công cứu vớt.
Thế nên, rất cảm ơn vì sự cống hiến của nữ quyền trong các phần phim trước, nhưng giờ đây, xin tạm biệt.
Trailer phim
Xét về tổng thể, Alien: Covenant khó có thể nói là một bộ phim hoàn chỉnh cả về mặt nội dung và hình ảnh. Nhưng quan điểm mà nó đưa ra, và sự quyết liệt trong việc tự bứt mình ra khỏi cái bóng của bốn phần phim trước đó của bộ phim lại là một nỗ lực đáng ghi nhận. Dù rằng nỗ lực đó có thể phải trả giá bằng tình yêu của chính những khán giả trung thành đã chờ đợi nó ròng rã suốt nhiều năm trời.