Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong “tương lai gần” xuất hiện trong bộ phim Ad Astra qua chi tiết các cơ quan vũ trụ quyết định đưa Roy McBride (Brad Pitt) lên mặt trăng bằng máy bay thương mại. Điều này cho thấy con người hoàn toàn có thể chinh phục những đỉnh cao mới của khoa học bằng chính tri thức và tiềm lực của mình. Cùng với đó, chi tiết một công dân sinh ra và lớn lên ở sao Hỏa có tên Helen Lantos (Ruth Negga) chia sẻ rằng mình đã đến trái đất một lần và cảm nhận đó là một hành tinh xinh đẹp, đã gợi lên sự xót xa khi trái đất lại trở thành một hành tinh xa lạ đối với nhiều người.
Phim có một số tuyến nhân vật phụ nhưng xuyên suốt trong phim các nhân vật này dường như không đóng vai trò tạo điểm nhấn mà lướt qua một cách mờ nhạt. Phi hành gia cao tuổi Colonel Pruitt (Donald Sutherland) trong chuyến đi cùng Roy McBride lên mặt trăng xuất hiện với vẻ bí ẩn, là người giám sát Roy, từng làm chung dự án Lima với cha của Roy nên khán giả trông chờ nhiều điều thú vị, kịch tính từ nhân vật này. Thế nhưng chưa kịp thể hiện hay giải mã được điều gì thì nhân vật này đã sớm ra đi trên đường tới phi thuyền để lên sao Hỏa.
Mọi trông chờ đổ dồn vào nhân vật người cha của Roy là Clifford McBride (Tommy Lee Jones) sẽ cứu vãn phần nào hình ảnh những nhân vật phụ, thế nhưng nhân vật này xuất hiện cũng vô cùng bình thường trong bối cảnh hai cha con mấy chục năm xa cách nhau, nay gặp lại ở tận sao Hải Vương. Mọi thứ diễn ra một cách gượng gạo, không lắng đọng cảm xúc. Giống như Roy, nỗ lực tập luyện, gác bỏ mọi tình cảm riêng tư để được chọn lên sao Hải Vương, ông Clifford dành cả cuộc đời của mình để khám phá không gian và tìm sự sống trong không gian. Ông cho rằng “thuyền trưởng phải chìm cùng con tàu của mình” và quyết định tháo dây trôi vô định vào vũ trụ mênh mông khi Roy cài đặt đầu đạn hạt nhân phá hủy dự án Lima, phá bỏ cơn bão từ đang làm tổn hại trái đất và các hành tinh.
Phim tập trung thể hiện diễn biến nội tâm với nhiều giằng xé của phi hành gia Roy McBride do diễn viên gạo cội Brad Pitt đảm nhận. Xa cách cha từ nhỏ, trong Roy luôn giữ hình ảnh cha là một người anh hùng hy sinh lúc làm nhiệm vụ ngoài không gian rồi đột ngột được thông báo cha anh có thể đang còn sống ở sao Hải Vương. Khi biết sự thật người cha đã bất tuân mệnh lệnh cấp trên để theo đuổi khát khao khám phá sự sống ngoài vũ trụ, niềm tin trong lòng anh có chút xao động. Thế nhưng, một số hành động, diễn biến tâm lý thiếu sự kiên định, nhất quán, đôi khi gặp quá nhiều sự thuận lợi tưởng như được sắp đặt cho nhân vật, chàng Roy của Brad Pitt vẫn chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem về cả chiều sâu nội tâm cũng như tính cách, hành động.
Một số vấn đề cũng cần được nhắc đến là âm thanh, chuyển động hình ảnh phi logic trong phim. Âm thanh được thể hiện theo kiểu đối nghịch, đang lúc yên bình thì có thể ồn ào, dồn dập, đang thể hiện sự tĩnh lặng của vũ trụ thinh không làm nền cho những độc thoại nội tâm của Roy thì chuyển ngay đến âm thanh náo nhiệt bên trong phi thuyền. Tương tự, những chi tiết về chuyển động hình ảnh, có lúc các nhân vật đang di chuyển rất nhẹ nhàng trong trạng thái không trọng lực rồi đột nhiên có những lực đẩy, lực hút rất mạnh khiến các nhân vật bị đẩy văng tứ tung hoặc bị hút vào khoảng không mênh mông của vũ trụ. Vô số chi tiết trong phim khiến khản giả “mệt não” cũng không lý giải được như sự xuất hiện của những con khỉ ăn thịt người dữ tợn trong một tàu không gian ở ngoài vũ trụ, mục đích của thế lực bí ẩn tấn công Roy cùng đồng đội trên đường ra phi thuyền lên sao Hỏa. Từ trái đất, Roy phải “quá cảnh” lên mặt trăng, đến sao Hỏa rồi mới tới sao Hải Vương nhưng lúc về thì chỉ cần “một chặng” với khoảng cách lên đến vài ngàn tỷ km.
Gửi gắm nhiều tầng lớp ý nghĩa về chủ đề phi hành gia trong không gian, Ad Astra có thể là thể loại phim điện ảnh kén khán giả nhưng cũng đáng để một bộ phận khán giả yêu thích dòng phim này thưởng thức và có những cảm nhận thú vị riêng biệt. Phim được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 20/09.