Câu chuyện nguồn gốc dân gian
Đêm Giáng Sinh có điều gì khiến nhà nhà trông đợi, nhất là những cô bé cậu bé? Chẳng phải là ông già Noel vác quà đến từng nhà, chui vào trong ống khói, giấu quà vào trong những chiếc tất để sẵn đầu giường cho bọn trẻ con? Đêm Giáng sinh năm nay, một “ông già Noel” hoàn toàn khác sẽ đến với gia đình nhà cậu bé Max, không ở trong trang phục đỏ trắng mà dưới bộ dạng một kẻ có chân và sừng dê, mang theo sợi dây xích có đầu móc để xử phạt tất cả những người không ngoan bất kể độ tuổi. Đó là Krampus.
Trong văn hóa dân gian nước Đức, nước Áo, Krampus thường gắn liền với ông già Noel hoặc thánh Nicholas. Con quái vật này không đến để cho mà đến để lấy, nó xuất hiện ở những nơi niềm tin với Giáng sinh bị đổ vỡ. Lịch sử của Krampus có lẽ bắt đầu từ giai đoạn trước thời kỳ Giáng sinh (tiền Ki tô giáo).
Đạo diễn Michael Dougherty, trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã kể rằng Krampus là con quái vật yêu thích của ông nên ông thực sự muốn làm một bộ phim về nó. Và rõ ràng Krampus xứng đáng được xuất hiện trên màn ảnh rộng vì câu chuyện gốc về nó độc đáo đến thế.
Krampus lên phim
Ác mộng đêm Giáng sinh bắt đầu bằng cảnh mọi người đi mua sắm cho dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Các cửa hàng sale kịch sàn, nhà nhà người người nô nức, chen nhau tới mức xô đẩy, “đè đầu cưỡi cổ” để có được thứ mình muốn. Khi thanh toán, có người không đủ tiền, có người phải quẹt thẻ tín dụng,… Tất cả cho thấy một mặt trái của dịp lễ Tết và điều này chắc chắn không chỉ xảy ra ở Mỹ.
Max Engel (Emjay Anthony) ở tâm điểm của những sự kiện này. Trái ngược với mọi người xung quanh, cậu bé vẫn còn niềm tin vào ông già Noel cũng như những điều kỳ diệu của Giáng sinh. Max mong muốn được đón Giáng sinh đơn giản cùng với bố Tom (Adam Scott), mẹ Sarah (Toni Collette) và chị gái Beth (Stefania LaVie Owen), và bà nội người gốc Áo, thường không nói tiếng Anh mà cậu gọi là Omi (Krista Stadler) nhưng bố mẹ cậu lại mời cả gia đình dì đến chơi mấy ngày lễ. Gia đình này gồm có chị gái của mẹ là Linda (Allison Tolman), chồng của dì là Howard (David Koechner), lũ trẻ gồm 4 đứa là Stevie, Jordan, Howie Jr và một bé gái còn bú sữa. Chưa kể, họ còn dẫn theo một bà dì trong họ, người mà mẹ của Max vốn chẳng ưa gì.
Những người khách đến với gia đình Engel khiến cho bầu không khí trở nên khó chịu. Bọn trẻ chế nhạo Max và cậu đã nổi giận, xé bức thư cậu viết cho ông già Noel đi. Ngay lập tức, một cơn bão ập đến làm đổ cây, cắt toàn bộ điện của thị trấn (phần lớn mọi người đã đi nghỉ hoặc du lịch ở nơi khác, chỉ còn gia đình Engel ở lại). Beth xin phép đến nhà bạn trai gần đó khoảng 1 tiếng nhưng cô bé không bao giờ trở về. Khi bố cô là Tom Engel cùng với Howard đi tìm cô bé, hai người đàn ông phát hiện bên ngoài có nhiều dấu vết quái lạ, Howard cũng bị một con thú bí ẩn tấn công. Họ trở về và quyết định cố thủ trong nhà. Những con thú quái gở lại tiếp tục tấn công vào ngôi nhà khiến mọi người hoảng sợ. Omi, bà nội của Max, lúc đó mới kể câu chuyện mà bà biết về Krampus cùng ý nghĩa mà nó mang lại, nhưng đáng tiếc, không phải ai cũng tin lời bà.
Kịch bản tham vọng
Số lượng diễn viên quá nhiều là nhược điểm đầu tiên của Krampus. Chỉ ở trong nhà Engel thôi đã có 12 người cả già lẫn trẻ: hai bà già, hai người đàn ông, hai người phụ nữ, sáu đứa trẻ con. Có cả một con chó. Khi đưa ngần ấy người vào một căn nhà, đạo diễn phải làm sao phân chia được cho mỗi người có một đất diễn riêng. Một người bị mất tích, bị ăn thịt,… chưa đủ cho khán giả động lòng. Người xem phải có tình cảm với nhân vật đó trước khi họ gặp tai nạn thì mới đồng cảm với nhân vật được. Về khâu này, đạo diễn chưa làm được, khiến cho các nhân vật bị “thủ tiêu” quá nhanh, hoàn toàn không để lại chút ấn tượng gì với người xem.
Ngoài con người thì số ma quỷ xuất hiện trong phim cũng rất nhiều. Nhân vật chính hiển nhiên là con ác quỷ nửa người nửa dê là Krampus, nhưng xung quanh nó còn vô số quỷ lớn nhỏ khác như thằng hề có cái mồm rộng, con thỏ, con gấu bông, và lũ bánh quy ăn thịt người. Ở điểm này Krampus khá giống Goosebumps khi không ngần ngại tung thật nhiều quái vật ở mọi hình dáng vào phim, khán giả chưa biết quái thú nào vào với quái thú nào đã bị chúng nhảy ra hù rồi. Tiếc là, Goosebumps phiên bản Giáng sinh này sẽ làm cho người xem có cảm giác “đông, nhưng mà chưa chắc đã vui”.
Tạo hình của lũ quái vật tương đối tốt và có thể khiến người xem run sợ. Việc lần lượt những đứa trẻ bị biến mất và sự bất lực của những người còn lại cũng đem đến những giây phút kịch tính cao cho phim. Dường như đạo diễn Michael Dougherty cũng chỉ định đẩy cảm xúc người xem đến thế thôi chứ không muốn đi xa hơn nữa, vì như vậy đã quá đủ cho một bộ phim kinh dị đêm Giáng sinh.
Adam Scott là diễn viên chính trong phim. Nam tài tử sinh năm 73 này có gương mặt trẻ tới mức trông cứ như là… con trai của vợ mình (Toni Collette trong vai bà Engel, ngoài đời chỉ hơn Adam 1 tuổi), nhưng vẫn thể hiện tốt một ông bố lo lắng cho con, một người hùng giữa cuộc chiến đấu với ác quỷ. Emjay Anthony diễn rất tốt, nhưng vai trò của cậu trong phim không nhiều. Giá mà đạo diễn rút bớt người và tăng thêm đất diễn cho các nhân vật thì câu chuyện sẽ thuyết phục hơn.
Tính nhân văn trong bộ phim kinh dị
Dù sao thì Krampus cũng vẫn là một bộ phim nhắc nhở người ta về ý nghĩa của đêm Giáng sinh. Đây là thời điểm đặc biệt trong năm, khi mà cho đi lẫn nhau là điều quan trọng nhất, ở bên nhau là giá trị của gia đình, dù gia đình ấy có những điểm không hoàn hảo. Chẳng có gia đình nào là hoàn hảo. Đến ông già Noel (hay thánh Nicholas) cũng đi đôi như hình với bóng với một ác quỷ. Vấn đề ở chỗ người ta tin điều gì và hành xử theo niềm tin ra sao.
Có một phân đoạn khá thú vị trong phim là khi bà nội Omi kể lại chuyện hồi bé từng chạm trán với Krampus. Đoạn này không phải là diễn viên đóng mà được thể hiện bằng hoạt hình, kể về những ngày khó khăn khi người ta không còn cho đi mà chỉ giành giật (gợi nhắc lại đoạn đầu phim khi mọi người chen lấn nhau để giành lấy món đồ sale trong cửa hàng), họ quên mất ý nghĩa của ngày lễ cũng như không còn dành thời gian bên nhau. Lúc đó là lúc Krampus xuất hiện, giết hết chỉ để lại một người và một món quà nhỏ, để nhắc nhở về giá trị thực sự của Giáng sinh.
Có niềm tin vào những điều tốt đẹp thì vẫn hơn là từ bỏ chúng và sống trong bóng tối của bi quan. Người ta đi qua những cơn ác mộng để ngày hôm sau yêu cuộc sống hơn. Với ý nghĩa như thế, Krampus là một bộ phim đáng xem của tháng 12 này.