Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

9 điều học được từ thuật dụng binh, chiến đấu trong 'Đại chiến thành Ansi'

Không chỉ là một bộ phim dã sử với cảnh chém giết hoành tráng, đẫm máu, tác phẩm còn khiến khán giả "mở mang tầm mắt" bởi thuật dụng binh, chiến đấu như thần và tầm nhìn xa trông rộng của các vị chủ tướng thời trung đại.

Đại chiến thành Ansi (tiếng Hàn Quốc; 안시성; Ansi-sung; tiếng Anh: The Great Battle) xoay quanh trận chiến 88 ngày đêm để bảo vệ pháo đài Ansi của 5000 quân đội Goguryeo trước 50 vạn binh lính nhà Đường của Lý Thế Dân sang xâm lược. Dẫn đầu đội quân tinh nhuệ Goguryeo là Yang Man Chun (Jo In Sung) - một vị tướng tài năng, thiện chiến và có tấm lòng quả cảm.

Với kinh phí khủng lên đến 21,5 tỉ won (khoảng 446 tỉ VND), tác phẩm của đạo diễn Kim Kwang Sik thành công đem đến cho khán giả một cuộc chiến hoàng tráng, mãn nhãn và đầy kịch tính cho đến tận phút cuối cùng. Thưởng thức bộ phim, người xem không khỏi thích thú bởi những mánh khóe, thuật điều binh khiển tướng tài ba của cả những chiến binh thành Ansi và phe đối địch nơi sa trường. Cùng xem đó là gì nhé!

Xây dựng thành quách

Lợi dụng địa hình là một trong những chiến thuật không thể bỏ qua khi lập kế hoạch định cư, dựng doanh trướng hay điều binh khiển tướng nơi sa trường. Ngay từ khi xây dựng thành quách, nhiều tướng lĩnh giỏi, biết nhìn xa trông rộng sẽ nắm rõ nguyên lý này và tìm cách áp dụng.

Địa hình tốt để xây thành không chỉ là vùng đất phẳng thích hợp để xây dựng nhà cửa, nuôi trồng đánh bắt, cung cấp đủ nguồn nước mà còn phải có khả năng “dễ thủ, khó công” ở trường hợp xảy ra chiến tranh. Trong The Great Battle, thành chủ Yang Man Chun cùng dân chúng đã lựa chọn xây thành có 3 mặt giáp núi, vừa chống được kẻ địch xâm phạm, vừa bớt tốn thời gian và công sức xây dựng tường thành.

Thông thường, thành cổ thời trung đại được dựng lên bởi những tảng đá lớn kiên cố, vững chắc, có khả năng chống chịu tốt trước thời tiết và sự phá hoại của quân địch. Tuy nhiên, việc dựng thành đá rất tốn công sức vì nguyên liệu to, nặng nề, chưa kể độ giòn của đá cao, khó chống chịu được vật nặng va đập. Chính vì thế, dân chúng thành Ansi đã nghĩ ra cách để bùn đất vào giữa bức tường thành, để độ chống chịu được dẻo dai hơn, đạn đá không thể bắn phá.

Chủ tướng

Giống như vị vua của một vương quốc thu nhỏ, thành chủ - người đứng đầu tòa thành có vai trò vô cùng quan trọng. Người này chịu trách nhiệm lo lắng cho sự bình ổn, phát triển cuộc sống của người dân, củng cố quân đội, thực hiện “đối ngoại”, đề phòng và thống lĩnh toàn thành chống lại kẻ thù đe dọa.

Một thành chủ tốt phải là người yêu dân như con, quan tâm đến ấm no của bách tính, được dân chúng vừa yêu mến, vừa kính sợ. Trong thời đại chiến tranh, chủ thành đồng thời là chủ tướng, phải vừa võ nghệ tinh thông, vừa đa mưu túc trí, có tầm nhìn xa trông rộng mới khiến quân thần nể phục.

Là người nắm vai trò đầu não, một chủ thành - chủ tướng giỏi chắc chắn sẽ dễ dàng thu phục nhân tâm, dẫn dắt dân chúng trong thành phát triển giàu mạnh. Đặc biệt khi gặp biến cố, lòng quân xao động, người đại diện cho linh hồn của cả tòa thành sẽ là trụ cột tinh thần, trí tuệ và cả sức mạnh để dân chúng tin tưởng, lấy lại ý chí quyết đấu trước kẻ thù. Có một chủ tướng tài ba, trận chiến sẽ tự tin cầm chắc nhiều hơn phần thắng.

Quân đội quả cảm, trung thành

Trong một trận chiến, mỗi cá nhân tham gia đều có vai trò nhất định. Từ bộ binh, lính tiên phong, đội hỏa tiễn, … đến binh lính cầm cờ chỉ huy đều phải thực hiện đúng chức trách của mình, không được lơ là. Điều quan trọng nữa là phải tuyệt đối thực hiện theo chỉ lệnh.

Mỗi đội binh nắm giữ trọng trách khác nhau phải hành động theo lời chỉ huy trưởng, trong khi những người cầm đầu này lại nhận lệnh trực tiếp từ kẻ thống lĩnh trận chiến. Vì vai trò của từng người là quan trọng và cố định, bất kỳ sự thay đổi không quy tắc nào cũng sẽ gây xáo trộn, mất kiểm soát. Thế nên ngoại trừ trường hợp đặc biệt, mỗi cá nhân tham gia trận chiến phải tuyệt đối nghe theo chỉ lệnh được ban để đội hình không bị phá vỡ, phát huy công hiệu tối đa khi vào trận.

Binh sĩ được huấn luyện tinh nhuệ là chưa đủ, nhất thiết phải có sự quả cảm và trung thành. Có như vậy, người điều khiển trận chiến mới dễ dàng “điều binh khiển tướng”, đưa đến thắng lợi cuối cùng.

Cách bày binh bố trận

Giống như đã nói ở trên, mỗi cá nhân tham gia trận chiến đều phát huy vai trò nhất định. Nhiệm vụ của người cầm quân là phải khéo léo làm sao để sử dụng mỗi đội binh đúng lúc, đúng chỗ, không mắc phải sai lầm gây uổng phí.

Việc bày binh bố trận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như số lượng binh sĩ, kẻ địch, địa hình, thời gian, tình huống ứng phó,… Ở mỗi hoàn cảnh, địa điểm lại có cách bày binh bố trận khác nhau, cũng phần lớn phụ thuộc vào mưu kế của người chủ tướng. Đây cũng là lúc chủ tướng giỏi phát huy trí tuệ, tầm nhìn xa và khả năng “dụng binh như thần” khiến kẻ địch sợ hãi.

Giết kẻ chạy trốn khi lâm trận

Cách làm tưởng chừng như dã man, tiêu cực lại trở thành một phương thức hữu hiệu để khích lệ lòng quân. Đứng trước quân địch với số lượng quá lớn, quá hung hãn hay phe mình gặp trở ngại về nhiều mặt, quân tâm có thể bị xao động, sợ hãi gây mất tập trung, khiến nhuệ khí giảm dễ dẫn đến thua trận.

Vì thế, trong không ít trận chiến, chủ tướng đã ra lệnh xuất quân còn kèm theo chỉ dụ bất kỳ ai quay đầu sẽ giết luôn người đó. Chỉ còn một con đường sống duy nhất là chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, quân sĩ sẽ liều mình giết giặc, tăng cao nhuệ khí và dễ dàng tiến tới thành công đánh bại quân địch.

Lợi dụng tâm linh - Đàm phán

Trong nhiều bộ phim dã sử, chiến tranh Hàn Quốc trước đây thường có nhắc tới vấn đề tâm linh. Những nữ thần quan hay thầy tế là người được trọng dụng, truyền lại ý chỉ, nguyện vọng của thần linh, đấng tối cao. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ, hành động của người dân, thậm chí cấp bậc từ vua chúa trở xuống cũng không thể làm trái “thiên ý”.

Vì sức ảnh hưởng quá lớn của nó, một số trận chiến đã sử dụng yếu tố tâm linh để tăng nhuệ khí quân ta, hoặc giảm ý chí chiến đấu của quân địch. Ví dụ như lợi dụng lời tiên đoán tiêu cực của thầy tế, hiện tượng tự nhiên, dịch bệnh để ám chỉ điềm xấu, làm xao động quân tâm trước trận chiến, để quân địch dễ dàng thua cuộc,…

Bên cạnh đó, việc đem binh đến đàm phán cũng là một cách thường gặp. Nếu may mắn, người đàm phán giỏi có thể giúp phe mình thắng trận mà không tốn một binh một tốt. Trong trường hợp khác, nếu quân địch lơ là, người đàm phán có thể trở thành kẻ “tay trong” truyền tin tức mật báo ra ngoài, lập công lớn trong trận chiến.

Sự chuẩn bị và khả năng ứng biến tình huống trực tiếp

Chuẩn bị sẵn về vật chất và tinh thần là một khâu không thể thiếu trước mỗi trận chiến. Người tham gia phải cất trữ lương thực, vũ khí, đạn dược, tập luyện võ nghệ, sức khỏe, các phương án, chiến lược và tinh thần sẵn sàng bước vào cuộc đấu sống còn.

Xem Đại chiến thành Ansi, khán giả sẽ thấy sự chuẩn bị cho trận chiến chỉ với 5000 binh lính - cả nam lẫn nữ - diễn ra từ rất sớm và kỹ lưỡng. Bên cạnh việc chiêu binh mãi mã, các loại vũ khí, công cụ dùng trong chiến tranh cũng đa dạng, trong đó phải kể đến không ít mưu cao, kế hiểm khiến người xem vỡ òa vì thỏa mãn.

Xây dựng rào cản trong cổng thành để chặn đứng quân địch, dùng móc xích, dầu hóa để công phá tháp người xâm nhập tường thành, đào hầm đánh sập núi đất,… mỗi chiến thuật đều khiến người xem vừa thán phục, vừa không khỏi ồ lên thích thú.

Thuật thu phục nhân tâm

Bên cạnh nhân nam chính Yang Man Chun (Jo In Sung), khán giả còn chú ý đến nhân vật Samul do Nam Joo Hyuk thủ vai. Chiến đấu hết mình nhưng đội quân bị bại trận, Samul đổ hết tội lỗi cho Yang Man Chun, vị chủ thành gần chiến trường nhất nhưng không cho quân tới tiếp ứng. Sống sót trở về sau tàn cuộc, Samul được tể tướng Goguryeo giao nhiệm vụ ám sát Yang Man Chun.

Ngay từ đầu, dường như thành chủ đã biết được mưu đồ của chàng trai trẻ. Tuy nhiên, Yang Man Chun quyết định đánh cuộc, dùng tấm lòng ngay thẳng, yêu thương bách tính để cảm hóa Samul. Không những trao cho anh chàng quyền cầm cờ chỉ huy, Yang Man Chun còn chủ động để Samul bên cạnh mình, nhờ Samul dùng dao cạo râu cho mình trước giờ lâm trận. Thực tế chứng minh, vị chủ thành tài ba đã thực sự thu phục được nhân tâm của chàng chiến binh yêu nước.

Không chỉ hóa giải hiểu về mình như một kẻ phản bội, Samul có cái nhìn hoàn toàn khác về Yang Man Chun sau những gì mắt thấy, tai nghe tại thành Ansi. Trái ngược với ý nghĩ thủ tiêu vị chủ thành ban đầu, anh chàng quyết định dốc toàn lực cùng các chiến binh nơi đây chiến đấu để bảo vệ người dân trong thành. Đến cuối cùng, chính anh chàng đã giúp thành Ansi đảo ngược tình thế, thoát khỏi hiểm cảnh bày ra trước mắt. Từ địch nhân, Yang Man Chun đã có một chiến binh dũng mãnh, quả cảm à trung thành hết mực.

Giết kẻ cầm đầu

Vì vị trí của người thống lĩnh đội quân là rất lớn, giống như linh hồn của trận chiến, thế nên sức ảnh hưởng của họ trong lòng binh lính cũng không hề nhỏ. Giết địch phải giết kẻ cầm đầu - đây là luật bất thành văn mà ai ai cũng ghi nhớ khi bày binh đánh trận. Thậm chí trong nhiều trường hợp, thắng bại của cả đội binh chỉ dựa vào kết quả trận chiến giữa 2 người thống lĩnh.

Dù cố gắng hết sức nhưng nhân lực, vật lực của 5000 binh lính thành Ansi vẫn không thể địch lại con số 20 vạn quân nhà Đường đang nhăm nhe như hổ rình mồi. Chính vì thế, bất chấp nguy hiểm và cái chết là chắc chắn, thành chủ Yang Man Chun vẫn cắn răng cử đội binh tiên phong đi lấy đầu Lý Thế Dân - người thống lĩnh quân Đường trong trận chiến.

Khi mất đi người thủ lĩnh, quân lực dù mạnh đến mấy cũng sẽ bị phân tâm, thậm chí rơi vào thế bí muốn rút lui. Thế nên từ xưa đến nay, bất chấp nguy hiểm vẫn có những đội quân, sát thủ tinh nhuệ được huấn luyện chuyên đi giết chủ tướng của quân địch là do vậy.

Niềm tin chiến thắng

Trận chiến 5000 binh lính với 20 vạn quân địch - chỉ nghe thôi đã thấy hoang đường. Thế nhưng họ vẫn quyết đấu và kỳ lạ thay, quân đội thành Ansi đã chiến thắng được kẻ thù xâm lược. Thật chẳng ngoa khi nói rằng trận đấu đó, chiến thắng đó phần lớn dựa vào niềm tin.

Đó là sự tin tưởng vào kế hoạch lấy ít thắng nhiều, với những gì họ đã vạch ra và chuẩn bị kỹ lưỡng từng chút một. Đó là niềm tin tuyệt đối với vị chủ thành hữu dũng, đa mưu, luôn lo nghĩ cho con dân hết mực. Đó là lòng quyết tâm, tự động viên của chính bản thân mỗi người, chỉ cần cố gắng hết sức, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng.

Đại chiến thành Ansi như một bức tranh tô đậm chiến thắng vang rền trong lịch sử Goguryeo, nơi có những con người bình dị mà kiên cường, bất khuất vì tự do, độc lập. Không chỉ đặc sắc, mãn nhãn về phần hình ảnh, bộ phim còn khiến người xem cảm thấy rạo rực, tin yêu, khơi gợi ý chí dân tộc mãnh liệt mỗi khi nhớ về.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc Trang

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc