Phim Ảnh

9 điểm khác nhau giữa 'Tháng năm rực rỡ' và bản gốc 'Sunny'

Lucas Nguyễn
Chia sẻ

Bài viết chỉ ra, phân tích và đánh giá top 9 những điểm khác nhau giữa "Tháng năm rực rỡ" và bản gốc "Sunny" của Hàn Quốc.

Kể từ những xuất chiếu sớm cho đến vài ngày sau khi chính thức công chiếu, cơn sốt Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chưa hề có dấu hiệu nguội đi. Được đánh giá cao lẫn có được sự yêu mến từ đông đảo khán giả, Tháng năm rực rỡ vẫn còn rất nhiều 'bí mật' mà chúng ta chưa biết hết khi so sánh với bản gốc Sunny của Hàn Quốc, ra mắt năm 2011. SAOstar sẽ gửi đến bạn đọc top 9 những điểm khác nhau mà chúng mình cho là quan trọng nhất, kèm theo đó là những phân tích, đánh giá để cung cấp một góc nhìn mới mẻ hơn cho bộ phim.

*Lưu ý: Bài viết này khuyến cáo chỉ nên đọc khi đã xem Tháng năm rực rỡ nhé.

1. Thay đổi số lượng thành viên nhóm

Trong bản gốc, nhóm Sunny có đến 7 thành viên, nhưng trong bản Việt đã cắt đi một thành viên là Geum-ok (Lee Yeon-kyung và Na m Bo-ra thủ vai), cô bạn đeo mắt kính với cây gậy ba tông sau này phải làm nội trợ, chăm sóc nhà chồng và bị chị dâu khinh dù là người học hành tới nơi tới chốn nhất.

Thành viên thứ 7, Geum-ok

Phỏng đoán lý do: Thời lượng và văn hóa. Có lẽ vào những năm 2000, việc là nội trợ vẫn là cuộc sống mà nhiều phụ nữ Việt mong muốn. Đây cũng là một nhân vật không quá nổi trội.

Đánh giá của Saostar: Hợp lý!

2. Thay đổi về thời gian và không gian

Ở bản gốc bối cảnh hiện đại và quá khứ đều ở Seoul. Ở bản Việt có sự thay đổi về không gian để mang lại những thước phim lung linh nhất ở Đà Lạt.

Bản Hàn.

Bản Việt.

Phỏng đoán lý do: Chỉ có màu phim và những khung hình quay ở Đà Lạt mới mang lại và khơi gợi cảm giác “tháng năm rực rỡ” và phù hợp với thẩm mỹ, thị hiếu khán giả gần đây. Sự thay đổi này cùng với mốc lịch sử năm 1975 còn hợp lý do nhóm Ngựa hoang mỗi người một phương hơn so với bản gốc chỉ đơn thuần là bị đuổi học rồi mất liên lạc.

Đánh giá của Saostar: Rất hợp lý!

3. Thay đổi về đời sống của nhân vật Hiểu Phương

Ở bản gốc, Im Na-mi (Yoo Ho-jeong) được khắc hoạ rõ ràng qua 10p đầu phim là một người phụ nữ bị mắc kẹt trong cuộc sống gia đình và hôn nhân. Chồng của Na-Mi đúng kiểu “nhìn ông chồng là thấy thương bà vợ”. Một người giàu có, lạnh lùng, sáng đi không chào hỏi, không cười nói, về đưa tiền và tối đòi… có thêm đứa con nữa. Hình ảnh người chồng này khắc hoạ khá rõ tính gia trưởng của đàn ông xứ Kim Chi. Nhìn vào, người xem cảm thấy thấy Na-mi mắc kẹt thật sự, còn Hiểu Phương do Hồng Ánh thủ vai thì vẫn còn vui vẻ và hạnh phúc, chồng Hiểu Phương cũng vui vẻ hơn người chồng trong bản gốc.

Hiểu Phương của phiên bản Việt.

Na-mi.

Phỏng đoán lý do: Vấn đề thời lượng.

Đánh giá của Saostar: Khá uổng phí và chưa hợp lý, vì điều này ảnh hưởng đến mục số 4 bên dưới.

4. “Giờ tao mới nhận ra tao là vai chính của đời mình”

Na-mi trải lòng cùng Chun-hwa về gánh nặng gia đình. Ảnh cắt từ phim

Câu chủ đề “quyền lực” nhất của Sunny, mang nữ quyền tính mạnh mẽ đã bị bản Việt cắt mất. Có bạn nào xem đến di chúc cuối phim, nghe Mỹ Dung nói với Hiểu Phương rằng “mày từng nói tao chỉ có mày mới là vai chính của đời mình” rồi thắc mắc họ đã nói với nhau câu nói này lúc nào không nhỉ? Trong bản gốc có một phân cảnh hai người bạn nằm trên giường, Na-mi (Hiểu Phương) tâm sự với Chun-hwa (Mỹ Dung, bản gốc Jin Hee-kyung thủ vai) rằng:

“Cảm ơn mày, bấy lâu nay tao chỉ biết làm vợ, làm mẹ mà quên mất chính mình là ai, giờ tao mới nhận ra tao là vai chính của đời mình”

Và Chun-hwa đã đáp lại:
“Mày có gương mặt của vai chính mà!”

Phỏng đoán lý do: Vấn đề thời lượng. Nếu để ý kỹ các bạn sẽ thấy cảnh Hiểu Phương và Mỹ Dung nằm trên giường trôi qua rất chóng vánh như thể đã bị cắt xén bớt, có lẽ nào…?

Đánh giá của Saostar: Tràn trề nuối tiếc…

5. Màn thả thính siêu ngọt ngào

Ở bản gốc, chàng crush Joon-ho của Na-mi (Kim Shi-hoo thủ vai) đã thả thính và khiến cô bạn chết lịm bằng cách bất ngờ đeo headphone của mình vài tai cô từ phía sau. Khi âm nhạc từ headphone chạm đến các giác quan của Na-mi cũng là lúc bài hát Reality của Richard Sanderson vang lên, “giấc mơ chính là hiện thực của em”. Màn thả thính này thật ra là một cách đạo diễn Kang Hyeong-cheol tưởng niệm bộ phim tình cảm tuổi teen của Pháp La Boum, ra mắt năm 1980. Trong điện ảnh, cách sử dụng những phân đoạn kinh điển một cách có chủ ý này cũng không còn quá xa lạ.

Sunny, 2011…

La Boum, 1980.

Phần solo của Hiểu Phương lấy cảm hứng từ Singin' in the Rain.

Phỏng đoán lý do: Để tạo dấu ấn đạo diễn, có vẻ Nguyễn Quang Dũng đã không “xài lại” La Boum mà thay vào đó là một phân cảnh oneshot đẹp lung linh của Hiểu Phương dưới mưa, vừa ôm dù vừa hát ca khúc Yêu của nhạc sĩ Văn P hụng. Đây là một cảnh phim gợi nhắc đến cảnh phim huyền thoại của Gene Kelly trong Singin' In the Rain (1951)

Đánh giá của Saostar: Xuất sắc và cực kỳ sáng tạo!

6. Bạo lực học đường

Ở bản gốc có hai cảnh bạo lực học đường, với hình ảnh thầy giáo đánh đập học sinh dã man. Cảnh đầu là chất xúc tác để đẩy nhân vật Sang-mi (Kiều Chinh của bản Việt, Chun Woo-hee thủ vai ở bản gốc) lên mức phẫn uất đỉnh điểm dẫn đến việc Su-ji (Tuyết Anh, Min Hyo-rin thủ vai ở bản gốc) bị rạch mặt. Cảnh thứ hai giải thích cho khán giả biết lý do cả nhóm bị đuổi học dưới sự bạo hành dã man của thầy giáo

Phỏng đoán lý do: Bạo lực học đường thường là chủ đề nhạy cảm, khó đưa lên phim Việt. Có khá nhiều khán giả cảm thấy việc cả nhóm bị đuổi học trong bản Việt là việc đột ngột và không có lý do rõ ràng, nếu xem bản gốc sẽ hiểu rõ hơn.

Đánh giá của Saostar: Cũng hơi tiếc, nhưng là thay đổi hợp lý.

7. Văn phòng thám tử

Ở bản gốc, Na-mi (Hiểu Phương) và Jang-mi (Lan Chi) đến thuê thám tử tìm người giúp. Ở bản Việt là nhờ bà con chòm xóm lao động hỗ trợ. Trong bản gốc Na-mi tìm lại được tình đầu còn là nhờ cô lén thuê thám tử tìm riêng.

Lý do phỏng đoán: ở Việt Nam thời đó không có văn phòng thám tử.

Đánh giá của Saostar: Rất hợp lý! Chỉ tiếc là bản Việt không giải thích cụ thể làm cách nào Hiểu Phương tìm được Đông Hồ.

8. Cảnh xem video lưu bút

Trong bản gốc, sau sự kiện ở (4) thì Chun-hwa (Mỹ Dung) đưa cho Na-mi (Hiểu Phương) đĩa lưu bút của nhóm Sunny. Vì điều này, người duy nhất được sống lại thời thanh xuân chỉ có Na-mi mà thôi. Tuy nhiên đây cũng là một cảnh rất đau chứ không hề thiếu sức nặng. Trong một phút ngắn ngủi, Na-mi bỏ lại trách nhiệm làm mẹ, làm vợ phía sau lưng khi quyết định không bắt điện thoại của chồng để đắm chìm trong hồi ức, để đau đớn nhận ra những giấc mơ mà không đứa nào làm được vì đời không hề suôn sẻ. Dù chỉ có một mình Na-mi hay cả nhóm xem đều sẽ để lại những cảm xúc rất đầy trong lòng khán giả.

Lý do phỏng đoán: Có lẽ là để khán giả dễ đồng cảm hơn với tất cả từng nhân vật của phim .

Đánh giá của Saostar: Mỗi bản có những cảm xúc riêng và cái hay riêng.

9. Con gái Lan Chi

Trong bản gốc, người có vấn đề với con gái mình là Bok-hee (Bảo Châu, Kim Sun-kyung thủ vai ở bản gốc). Ở bản Việt thì Lan Chi là thành viên có đứa con gái bị bệnh tim. Nhờ chi tiết này sau này Mỹ Dung có lý do để giúp Lan Chi hơn.

Lý do phỏng đoán: Cân bằng lại tình cảnh giữa Lan Chi và Bảo Châu. Ở bản gốc Lan Chi đơn giản là một người bán bảo hiểm thất bại trong khi Bảo Châu quá tội nghiệp, vừa phải làm gái vừa có vấn đề với con gái mình.

Đánh giá của Saostar: Hợp lý.

Trailer phim Tháng năm rực rỡ.

Mỗi sự thay đổi đều có những lý do riêng để phù hợp với văn hóa Việt Nam. Bạn cảm nhận Tháng năm rực rỡ như thế nào? Hãy cho Saostar biết nhận xét nhé.

Chia sẻ

Bài viết

Lucas Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất