*Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc kỹ trước khi xem
1. Tên phim
Khi theo dõi Us, người xem sẽ biết nội dung phim không chỉ gói gọn trong việc chiến đấu lại những sát thủ bí ẩn của gia đình Adelaide mà còn rộng hơn thế. Tên phim là một cách chơi chữ, vừa mang nghĩa Us (chúng ta), vừa mang nghĩa U.S (United States, Mỹ). Điều này là hoàn toàn hợp lý khi trong phim đạo diễn Jordan Peele đã cài cắm rất nhiều tình tiết liên quan đến những thực trạng nhức nhối trong xã hội và chính trường Mỹ.
2. Hình tượng con thỏ
Thỏ là hình ảnh xuất hiện xuyên suốt cả thời lượng phim. Tất nhiên Jordan Peele không phải thêm vào chỉ để cho có. Trong Do Thái giáo, con thỏ tượng trưng cho người di cư. Với việc xuất hiện trong phim, ta có thể hiểu được Peele đang muốn ám chỉ đến những người nhập cư vào Mỹ. Trong đoạn intro của phim, những con thỏ tội nghiệp bị nhốt trong chuồng gợi lên hình ảnh những người nhập tịch Mỹ thực tế đang sống cuộc đời của những tù nhân giữa xã hội trong khi họ không làm gì sai trái cả. Những định kiến đầy thù hằn và chính sách kìm kẹp người nhập cư của chính quyền Donald Trump chính là những áp lực vô hình đang đè nặng lên vai họ.
Nếu người xem để ý kỹ, trong đoạn intro có đúng ba con thỏ rừng giữa một bầy thỏ trắng. Vị trí cái lồng của những con thỏ này được sắp đặt thành một hình tam giác đầy chủ đích. Trong Thiên Chúa Giáo tại một số nơi trên thế giới thì biểu tượng ba con thỏ xếp thành hình tròn hay tam giác, đuổi theo nhau là tượng trưng cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
3. Đường hầm
Phim mở đầu với một đoạn chữ giới thiệu về những hầm và câu cuối là: “Bên cạnh đó thì cũng có những đường hầm không cần thiết”. Đường hầm cũng là một hình ảnh có mật độ xuất hiện khá thường xuyên trong phim và mang cho mình những ý nghĩa riêng.
Năm ngoái, quân đội Hoa Kỳ đã phát hiện một đường hầm đường đào xuyên từ Mexico qua lãnh thổ nước mình. Họ cho rằng đây là con đường người Mexico dùng để vượt biên hòng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Lý do họ phải dùng đường hầm này là bởi vị họ sợ rằng một khi bức tường biên giới của tổng thống Donald Trump được hoàn thành thì họ sẽ không còn cơ hội nào vượt biên được nữa.
4. Hands Across America
Hands Across America là một sự kiện có thật được tổ chức vào ngày 25 tháng 5 năm 1986. Trong sự kiện này, hơn 6.5 triệu người dân đã đổ xuống đường, nắm tay nhau trong vòng 15 phút và tạo thành một hàng người kéo dài khắp nước Mỹ. Những người tham gia sẽ phải đóng góp 10 đô la và số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ người vô gia cư, đẩy lùi nạn đói.
Sự kiện này đã thu hút rất nhiều tên tuổi ở Hoa Kỳ thời bấy giờ như Tổng thống Ronald Reagan hay các ngôi sao Michael Jackson, David Copperfield, Kathleen Turner, Kenny Rogers…
Hình ảnh một hàng dài được tạo thành bởi những “người bị xích” trong phim không khác gì một sự phản chiếu lại bức tường biên giới của Donald Trump khi đáng ra thay vì “bức tường” được dựng lên bằng tình người, tình đoàn kết để đẩy lùi những vấn đề nhức nhối trong xã hội thì nay lại được xây nên bằng đất đá sần sùi để chia cắt hai quốc gia.
5. Chiếc kéo
Xuất hiện ngay trong poster của phim, chiếc kéo chắc chắn đại diện cho một ý nghĩa to lớn.
Kéo được cấu tạo nên từ hai phần giống nhau, giống như những nhân vật trong phim đều có cho riêng mình một phiên bản y hệt. Jordan Peele từng chia sẻ với tờ Los Angeles Time: “Tôi muốn làm một bộ phim mà cho phép ai ai cũng có thể đối diện với con quỷ bên trong mình”. Ai ai dẫu có một vẻ bề ngoài lịch lãm, đàng hoàng thế nào thì sâu bên trong họ cũng tồn tại một con quỷ đang ẩn mình chờ ngày được bộc lộ ra ngoài.
Kéo còn là sự tượng trưng cho việc chia cắt, như việc Donald Trump quyết tâm theo đuổi việc xây dựng bức tường giữa Mexico và Mỹ. Điều này đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như chính trường Mỹ, người thì đồng tính, người thì phản đối. Thậm chí mâu thuẫn cũng xảy ra trong các gia đình khi các thành viên có những luồn quan điểm đối nghịch nhau.
Trong Us còn có một phân cảnh Red dùng chiếc kéo của mình để cắt phăng đầu của một chú thỏ nhồi bông. Những tưởng đây chỉ là một hình ảnh được thêm vào để thêm tính kinh dị nhưng không phải. Hàm ý của Jordan Peele là việc người Mỹ bản địa có thành kiến rất nặng với người nhập cư và họ luôn muốn loại bỏ những người này ra khỏi xã hội của mình.
6. Jeremiah 11:11
Trong phim có xuất hiện một người đàn ông da trắng luôn cầm theo tấm bảng ghi dòng chữ Jeremiah 11:11. Đây là một câu trong Kinh Cựu Ước: “Vậy nên, Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Này, ta sẽ khiến tai nạn đổ trên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe.”
Trong Kinh Thánh có ghi, người xưa không giữ lời giao ước với Thiên Chúa nên làm Ngài nổi giận. Từ đó Ngài giáng tai ương xuống nhân loại. Rồi người xưa đi cầu viện Tà Thần, thờ họ mong được giải trừ tai kiếp nhưng mà Tà Thần cũng không giúp được mà chỉ làm mọi việc tệ thêm. Đến lúc này người xưa mới thấy hối hận mà quay lại nài nỉ van xin Thiên Chúa tha tội nhưng Ngài vẫn không chấp nhận, coi đó là một bài học. Jeremiah là người được chọn để kết nối với Thiên Chúa. Sau này thì Ngài cũng nguôi ngoai mà tha thứ cho loài người.
Jordan Peele sử dụng điển tích này như muốn ám chỉ rằng, người dân Mỹ đang thờ sai chủ, cụ thể là Donald Trump. Nếu cứ tiếp tục sai lầm thì sớm muộn gì tai ương cũng sẽ giáng xuống họ mà thôi.
Ngoài ra, con số 1111 cũng xuất hiện nhiều lần khác, chẳng hạn như biển số xe của gia đình Adelaide. Nhìn vào thì ta có thể thấy được là sự đối xứng của con số 11, giống như mỗi nhân vật trong phim đều có một bản sao cho riêng mình vậy.
Trên đây là những cách giải thích dựa trên cách hiểu của người viết. Tin chắc phim vẫn còn nhiều chi tiết ẩn ý khác mà người xem cần phải xem đi xem lại nhiều lần mới hiểu hết được.