Sóng Gió Gia Tộc (2007)
Với tư cách là “người anh” tiên phong cho series Đường tâm phong bạo, Sóng gió gia tộc thật sự đã tạo tiền đề vững chắc cho thành công của những phần phim tiếp theo. Ra mắt khán giả vào năm 2007, câu chuyện về gia đình của ông chủ tiệm hải vị Đường Nhân Giai (Hạ Vũ) trở thành chuẩn mực cho dòng phim tình cảm gia đình của TVB sau này.
Chuyện phim xoay quanh những cuộc đấu đá và tranh giành tài sản đằng sau cánh cửa hào môn bề thế của Đường gia. Người ta thường có câu “một núi không thể có hai hổ”, song Đường Nhân Giai lại có đến hai người vợ, khiến những mâu thuẫn trong gia đình ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trong khi Lăng Xảo (Lý Tư Kỳ) - người vợ cả là một phụ nữ khéo léo, nhỏ nhẹ và ôn hòa thì người vợ lẽ Tú Cầm (Quan Cúc Anh) lại khá ồn ào, thiếu điềm tĩnh. Tú Cầm luôn cho rằng bản thân bà đã phải chịu quá nhiều những bất công, khổ cực khi còn trẻ. Vì vậy, với tình yêu thương mù quáng của một người làm mẹ, Tú Cầm ra sức giành lấy gia tài của Đường gia cho con trai mình - Đường Chí Hoan (Lê Nặc Ý). Nhưng rồi “tức nước” ắt “vỡ bờ”. Khi mọi việc dần đi quá giới hạn của nó cũng là lúc Lăng Xảo phát huy vai trò làm chủ tổ ấm một người phụ nữ. Bà quyết định đuổi Tú Cầm đi, để rồi từ đây, sóng gió mới thật sự dấy lên ở nhà họ Đường.
Giám chế Lưu Gia Hào đã mang những mâu thuẫn thường thấy trong gia đình lên màn ảnh một cách gần gũi và chân thực. Đồng thời, người đàn ông họ Lưu cũng khéo léo khắc họa, lồng ghép thứ tình cảm đẹp giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau xuyên suốt diễn tiến của câu chuyện. Tình yêu thương, sự bao dung và đoàn kết là những gì người ta thấy được ở gia đình của Đường Nhân Giai. Họ có thể xâu xé lẫn nhau, nhưng tuyệt nhiên sẽ không bao giờ để người ngoài làm tổn hại đến người nhà mình.
Ở thời điểm ra mắt, phim thật sự đã gây tiếng vang tại thị trường châu Á, chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả màn ảnh nhỏ. Với những cái tên sáng giá như Mễ Tuyết, Trần Hào, Trần Pháp Lai, Dương Di, Lâm Phong, Huỳnh Tông Trạch, Chung Gia Hân… Sóng gió gia tộc đã trở thành “tượng đài” của dòng phim tình cảm gia đình, rất khó có bộ phim TVB nào sau này có thể vượt qua được.
Thử thách hôn nhân (2007)
Khi ra mắt ở thị trường Hong Kong năm 2007, Thử thách hôn nhân đã dẫn đầu trong top 10 bộ phim có rating cao nhất với 2,12 triệu lượt xem. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống bị bủa vây bởi những áp lực vô hình của con người trong xã hội hiện đại. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hoàn cảnh và nỗi lo lắng của từng nhân vật không ai giống ai, nhưng điểm chung duy nhất giữa họ chính là tất cả đều phải loay hoay tìm lối thoát cho sự ngột ngạt của đời sống thường nhật.
Đạo diễn Lâm Chí Hoa đã khai thác câu chuyện ở nhiều khía cạnh khác nhau thông qua từng nhân vật, từng gia đình. Nếu Mông Gia Gia (Đặng Tụy Văn) mắc chứng bệnh lo lắng về cách ăn mặc khác thường của chồng; Đinh Mai Hương (Diệp Đồng) bị nhiễm bệnh xã hội từ chồng thì Tào Mỹ Nga (Thương Thiên Nga) lại gặp vấn đề trong hôn nhân vì người thứ ba. Cuộc sống dần trở nên mỏi mệt đến bế tắc khi không ai trong số họ có thể giải quyết vấn đề của chính mình. Đó cũng chính là thực trạng của người dân Hong Kong nói riêng và thế giới nói chung ở giai đoạn sau này. Trong bối cảnh áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng trên vai những con người trưởng thành thì Thử thách hôn nhân thực sự đã trở thành tiếng nói của thời đại.
Sau thời gian “thống trị” màn ảnh nhỏ ở giai đoạn trước, Đặng Tụy Văn lại gây ấn tượng với khán giả bằng một hình ảnh khác. Vẫn là gương mặt đó, thần thái đó, nhưng người ta nhận ra cô đã có những “bước chuyển mình” để làm bản thân mới hơn từng ngày. Đây là khoảng thời gian tạo tiền đề cho kĩ thuật diễn xuất vững vàng của Đặng Tụy Văn về sau, giúp cô chạm đến đỉnh vinh quang trong sự nghiệp. Đặng Tụy Văn cùng những cái tên đình đám như Tạ Thiên Hoa, Mã Quốc Minh, Khương Đại Vệ, Đường Ninh, Trần Pháp Lai đã khắc họa nên câu chuyện đầy ý nghĩa về cuộc sống và gia đình trong Thử thách hôn nhân.
Sức mạnh tình thân (2008)
Tiếp nối thành công của Sóng gió gia tộc, một năm sau Sức mạnh tình thân lại góp vào bức tranh Đường tâm phong bạo một mảnh ghép hoàn mỹ. Có thể nói, đây là phần phim thành công và tạo dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng khán giả. Giữ lại dàn diễn viên cũ, giám chế Lưu Gia Hào tiếp tục “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ với một cốt truyện mới về gia đình của ông chủ tiệm bánh Gia Hảo Nguyệt Viên - Cam Thái Tổ (Hạ Vũ).
Cam Thái Tổ và Chung Tiếu Hà (Lý Tư Kỳ) là hai vợ chồng. Họ cùng nhau đi lên, gây dựng sự nghiệp từ những tháng ngày khó khăn nhất. Song đến khi “khổ tận cam lai”, Cam Thái Tổ lại bỏ rơi “người vợ Tào Khang” để cùng Ân Hồng (Mễ Tuyết) vun đắp tổ ấm mới. Có với nhau sáu mặt con, Tiếu Hà luôn dạy các con tôn trọng, yêu thương cha chúng, mặc cho những tội lỗi mà ông đã gây ra. Sau rất nhiều sóng gió, người ta vẫn nhận ra thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng mà những thành viên trong gia đình dành cho nhau. Sự lạc quan trước khó khăn được toát lên từ chính mỗi nhân vật.
Có thể nói, vai diễn Chung Tiếu Hà đã khiến khán giả khắc cốt ghi tâm hình ảnh của Lý Tư Kỳ. Đó như một “tượng đài” không thể đánh gục, là biểu tượng cho những người mẹ thương con bằng cả tâm can, song cũng vô cùng nghiêm nghị, quyết đoán, bản lĩnh và mạnh mẽ. Bà có thể đấu tranh đến cùng vì quyền lợi và hạnh phúc các con, đồng thời cũng lại vô cùng bao dung với tấm lòng yêu thương rộng mở. Xem phim, người ta không bao giờ cầm được nước mắt khi thấy “má Hà” khóc. Một đời lam lũ, nhưng chưa bao giờ bà thôi lạc quan. Trong mọi bước ngoặt khó khăn lẫn khổ đau của cuộc đời các con, “má Hà” chưa bao giờ vắng mặt. Mọi việc lớn nhỏ xảy ra, dù bão giông mấy cũng hóa nhẹ nhàng vì “Không phải sợ, có má Hà ở đại sảnh”. Đây chính là câu thoại đã làm nên thương hiệu “má Hà” của Lý Tư Kỳ.
Sức mạnh tình thân đúng như tên gọi đã truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, đồng thời kí thác lời nhắn nhủ đoàn viên thông qua việc đặt tên cho các nhân vật trong phim: Gia, Hảo, Nguyệt, Viên, Khánh, Trung, Thu. Bên cạnh đó, phim đã thu về rất nhiều thành quả đáng tự hào. Ngoài các giải thưởng tại đêm trao giải năm đó của TVB, tập phim cuối cùng của Sức mạnh tình thân đạt số điểm cao nhất trong lịch sử TVB là 50 điểm. Đồng thời đây chính là bộ phim dẫn đầu rating của nhà đài trong năm 2008 với 2,22 triệu lượt xem ở Hong Kong.
Bằng chứng thép 2 (2008)
Hai năm sau thành công vang dội của phần đầu tiên, giám chế Mai Tiểu Thanh đã viết tiếp câu chuyện của những con người chấp pháp. Chuyển biến bất ngờ trong tình tiết và diễn biến đã khiến Bằng chứng thép một lần nữa chạm đến đỉnh cao thành công với những con số đáng tự hào. Lọt top năm phim dẫn đầu tỉ suất người xem tại Hong Kong thời điểm đó, phim được đánh giá rất cao về sự sáng tạo trong cách xây dựng các vụ án và xử lý chúng một cách thuyết phục, thỏa mãn được người xem.
Phần hai ngoài những gương mặt quen thuộc như Lâm Văn Long, Âu Dương Chấn Hoa, Mông Gia Tuệ… còn có sự tham gia của Trịnh Gia Dĩnh và Xa Thi Mạn. Sự thay đổi này tạo nên một tuyến nhân vật mới, góp phần tô điểm cho bức tranh lực lượng cảnh sát, pháp chứng của phim thêm những gam màu mới lạ. Không chỉ thu hút khán giả bởi dàn cast thực lực mà phim còn cho họ phút giây nhẹ nhàng, đan xen vào guồng máy vận hành của các phân đoạn phá án cân não. Yếu tố tình cảm và hình sự trộn lẫn vào nhau, được tính toán kĩ lưỡng để mang lại sự cân bằng cần thiết.
Với cách làm phim của TVB ở giai đoạn trước hay giai đoạn này, thì những bộ phim kiểu như Bằng chứng thép đều không vấp phải sự khô khan. Tình cảm nhẹ nhàng, câu loại đơn giản nhưng vẫn mang lại cảm giác lãng mạn đầy tinh tế, ngọt ngào nhưng không “sến súa” giống các tác phẩm ngôn tình. Thực tế nhưng không kém phần lãng mạn, Mai Tiểu Thanh thật sự đã ghi lại dấu ấn quá đẹp trong lòng khán giả TVB.
Càng về giai đoạn sau này, nhà đài lại càng chật vật hơn trong việc tìm kiếm kịch bản chất lượng và diễn viên thực lực. Dù khoảng thời gian 2006 - 2008 đã có những dấu hiệu chuyển biến không mấy tích cực trong nội bộ các diễn viên, dẫn đến việc “thay máu” về sau; song nhà đài vẫn mang đến cho khán giả những thước phim giá trị như thế.