Game of Thrones (tên Việt: Trò Chơi Vương Quyền) - series truyền hình ăn khách nhất ngày nay đang đi vào chặng cuối cùng. Ở tập trước, Daenerys Targaryen - một trong những nhân vật được khán giả yêu thích nhất từ đầu phim do tính cách nhân từ, hào hiệp đã nổi cơn cuồng sát và tàn phá cả một thành phố. Cơn cuồng sát này đã khiến rất nhiều người hâm mộ bàng hoàng, và quay sang ghét bỏ nhân vật này.
Có một câu nói nổi tiếng về nhà Targaryen - gia tộc của Daenerys, đồng thời là những nhà cai trị của Bảy Vương Quốc Westeros suốt gần 3 thế kỷ: “Khi một người nhà Targaryen sinh ra, các vị thần tung đồng xu có hai mặt, một mặt là sự vĩ đại, một mặt là sự điên loạn, và cả thế giới nín thở chờ đợi”. Và trong tập vừa qua của Game of Thrones, người xem đã thấy rõ vĩ đại và điên loạn luôn hiện hữu bên trong thành viên gia tộc này như thế nào. Tương tự như vậy, trong lịch sử Westeros, bên cạnh những vị vua kiệt xuất thì nhà Targaryen cũng từng sinh ra không ít lãnh đạo tàn nhẫn, gây đau thương cho hàng triệu thần dân khắp Bảy Vương Quốc.
1. Maegor Đệ Nhất - Maegor Bạo Chúa
Maegor là con trai của Aegon Chúa Rồng - vị vua Targaryen đầu tiên, và thừa hưởng sức vóc mạnh mẽ của cha mình. Ông là người thứ ba ngồi lên Ngôi Báu Sắt, sau cha và anh cả của mình, vua Aenys đệ Nhất. Maegor là một chiến binh cực kỳ thiện nghệ, và là người kế thừa con rồng Balerion - con rồng lớn nhất mà nhà Targaryen sở hữu, sau khi cha ông qua đời.
Khi Maegor kế thừa Ngôi Báu Sắt, cả vương quốc đang chìm trong loạn lạc do người anh trai nhu nhược của ông - Aenys để lại. Maegor quyết tâm diệt trừ những mầm mống phản loạn này bằng sự tàn bạo cùng cực. Khi hội chiến binh của tòa thánh Thất Diện Thần - trung tâm tôn giáo Westeros công khai chống đối ông, Maegor đã lên lưng rồng phun lửa thiêu cháy ngôi đền trụ sở của họ, gọi là Đền Ký Ức, khiến cả thành phố chìm trong chết chóc.
Ông cũng đập tan quân thù trong nhiều trận đánh với cách thức tàn nhẫn, khiến máu của kẻ thù chảy thành sông. Thậm chí, đến khi chiến sự vãn hồi và vương quốc bước vào thời bình, Maegor vẫn tiếp tục tàn ác khi giết tất cả thợ xây lâu đài cho mình, vì không muốn một ai khác biết được những lối đi, mật thất ẩn giấu trong đó.
Nhưng sự ác độc của Maegor đã khiến ông gặp quả báo nặng nề. Dù đã cưới tới 6 người vợ nhưng ông không thể có một người con nào nối dõi, do người vợ thứ ba của Maegor - có tên Tyanna đã ghen tuông đầu độc những người vợ kia, khiến họ chỉ sinh ra quái thai hoặc chết thảm. Bản thân những người ruột thịt bên cạnh Maegor cũng không chịu nổi sự tàn bạo của ông và lần lượt ra đi. Rốt cuộc, khi đã mất tất cả người thân và bị cả vương quốc chống lại, Maegor leo lên ngồi vào Ngôi Báu Sắt và bị chính những thanh kiếm trên ngai đâm chết, kết thúc cuộc đời vị bạo chúa khét tiếng này.
2. Rhaenyra Targaryen - Nữ Hoàng Hóa Điên
Rhaenyra là con gái cả của vua Viserys I, và được ca tụng là cô công chúa có cả đức lẫn tài. Do người vợ đầu hiếm muộn con cái, vua Viserys đã dạy dỗ Rhaenyra làm người kế tục mình, tức nữ hoàng đầu tiên của Bảy Vương Quốc. Tuy nhiên, sau khi vợ cả qua đời, Viserys cưới thêm vợ lẽ, và người vợ này bắt đầu sinh con trai cho ông. Vị thế của Rhaenyra bắt đầu lung lay kể từ đó.
Tới khi vua cha qua đời, ông ra lệnh Rhaenyra kế vị mình như dự tính ban đầu. Tuy nhiên, các tướng lĩnh của ông lại phản lại lệnh chủ và trao vương vị cho em trai cùng cha khác mẹ của Rhaenyra là Aegon Đệ Nhị. Biết được tin này, Rhaenyra đã rất giận dữ và tuyên chiến chống lại em trai. Hai chị em đấu đá trong nhiều năm, và kết quả là Rhaenyra chiếm được thủ đô King’s Landing, trở thành nữ hoàng sau bao năm chờ đợi.
Tuy nhiên, việc mất đi quá nhiều người thân, con cái trong cuộc chiến đã khiến Rhaenyra trở nên điên loạn. Bà thấy kẻ thù ở khắp nơi, và một mối nghi nhỏ nhất cũng làm bà dễ dàng xử tử tâm phúc của chính mình. Sự thất đức của Rhaenyra được thể hiện rõ nét khi chiếc Ngôi Báu Sắt liên tục đâm bà bị thương, dù Rhaenyra đã mặc cả áo giáp khi ngồi trên đó. Rốt cuộc, chỉ sau nửa năm trị vì, cả kinh thành King’s Landing đã nổi dậy lật đổ Rhaenyra, và bà bị con rồng của kẻ thù mình - Aegon xơi tái.
3. Aegon Đệ Tứ - Aegon Đáng Khinh
Aegon Đệ Tứ không hẳn là tàn ác, nhưng ông vẫn được coi là một trong những vị vua tồi tệ nhất của triều đại Targaryen vì thói hoang đàng, dâm loạn của mình. Sự kém cỏi của Aegon càng được nhấn mạnh khi đứng cạnh người em trai tài hoa là Aemon Kị Sĩ Rồng, thậm chí vợ của Aegon cũng yêu quý Amon hơn cả ông. Chính sự ghen tị này đã phần nào đẩy Aegon Đệ Tứ vào con đường tha hóa, trụy lạc.
Từ thời niên thiếu cho tới lúc lên ngôi, Aegon Đệ Tứ là một người đàn ông rất đẹp mã, và do đó được rất nhiều phụ nữ để ý. Ông dan díu với tất cả những người này, và theo lời đồn, số lượng phụ nữ từng qua tay Aegon lên tới con số 900. Con rơi của Aegon do đó cũng đông vô kể. Ngay trước khi qua đời, do thù ghét vợ mình mà Aegon đã nhận tất cả những đứa con rơi này làm con ruột. Về sau, những đứa con này đã dấy lên cuộc phản loạn Blackfyre, nhiều lần gây khốn đốn cho nhà Targaryen suốt 5 thế hệ sau đó.
4. Baelor Đê Nhất - Baelor Phước Đức
Cũng như Aegon Đệ Tứ, sự điên loạn của Baelor không thể hiện ở tính tàn ác, khát máu, mà lộ ra ở sự cuồng đạo. Baelor là một tín đồ cực kỳ thành tâm của đạo Thất Diện Thần (Faith of the Seven), và được đông đảo thần dân yêu quý nhờ tích cực làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Lẽ ra mọi chuyện đã tốt đẹp nếu chỉ dừng lại ở đó, nhưng Baelor không ngần ngại đẩy sự sùng đạo lên cao hơn nữa, dần trở thành trò cười cho tất cả mọi người.
Khi Baelor lên ngôi vua, nhà Targaryen vừa chinh phục thành công xứ Dorne ở cực nam nhờ công của anh trai ông - vua Daeron. Tuy nhiên, chiến thắng này cũng khiến cả hai bên bị thiệt hại nặng nề. Để tỏ rõ tình hữu nghị và hàn gắn vết thương chiến tranh, Baelor tình nguyên ăn mặc như người ăn mày, đi chân trần suốt từ kinh đô tới tận xứ Dorne, trong khi các con tin thì thoải mái cưỡi ngựa. Chuyến đi hành xác này một mặt giúp xứ Dorne hòa hảo với nhà Targaryen, nhưng mặt khác nó đã biến Baelor trở thành một vị vua bạc nhược cực điểm trong mắt các vùng khác.
Chưa dừng lại ở đó, Baelor còn có những hành động cuồng đạo quá mức khác như tống giam 3 người chị em gái của mình vào tháp để họ trinh bạch cả đời, , khuyến khích và ban thưởng cho những phụ nữ đeo khóa trinh tiết , hoặc bắt các lãnh chúa đầy kiêu hãnh rửa chân cho người nghèo bị ghẻ lở… Đến cuối cùng, Baelor qua đời cũng chẳng vì bị ai hãm hại, mà do kiệt sức vì nhịn ăn tích đức quá lâu.
5. Aerys Đệ Nhị - Aerys Vua Điên
Aerys Đệ Nhị chính là cha đẻ của “Mẹ Rồng” Daenerys Targaryen ngày nay, và là một trong những vị vua điên loạn nhất của nhà Targaryen. Và cũng giống như con gái mình, Aerys cũng không điên ngay từ đầu, mà khởi điểm là một người nhân từ, hiền đức. Trong khoảng 10 năm đầu tiên mà ông trị vì, Bảy Vương Quốc phát triển rất thịnh vượng và hài hòa, và ông còn được nhiều người đồn đoán sẽ trở thành nhà vua vĩ đại nhất của triều đại Targaryen.
Thế nhưng, bên dưới vỏ bọc hào nhoáng ấy là một cuộc cạnh tranh ngầm đầy đố kị, giữa Aerys và quân sư của ông - lãnh chúa Tywin Lannister. Tywin có tất cả những tố chất mà Aerys khao khát: mạnh mẽ, quyết tuyệt và đanh thép, đến mức người dân ngày càng đồn rằng Tywin mới là lãnh đạo thật sự của vương quốc chứ không phải Aerys.
Tới khi lãnh chúa vùng Duskendale mang tư tưởng phản loạn mời vua Aerys tới thành của mình, Tywin đã can ngăn nhà vua vì cho rằng đây là một cái bẫy. Dù vậy, Aerys vẫn cương quyết lên đường vì muốn chứng tỏ với Tywin ông hoàn toàn đủ tư cách xử lý chính sự. Chính sự kiêu ngạo và đố kị đã làm Aerys mất tỉnh táo, và bị kẻ địch ở Duskendale giam trong ngục suốt nửa năm trời.
Về sau, dù được các tướng lĩnh giải cứu thành công, nhưng quãng thời gian nằm ngục đã khiến Aerys hoàn toàn điên loạn. Ông trở nên già nua, xấu xí, thường xuyên đòi thiêu sống những người xung quanh, gây kinh sợ cho toàn bộ dân chúng. Sự điên cuồng của Aerys rốt cuộc đã dẫn đến cuộc Nổi Dậy của Robert Baratheon, kết thúc triều đại kéo dài hơn 300 năm của nhà Targaryen.