Thế hệ chúng ta được sinh ra giữa “thời kỳ phục hưng của Disney”. Nàng tiên cá đã khơi mào cho một series các phim hoạt hình cổ tích thần thoại của tuổi thơ, như Aladdin, Vua Sư Tử hay Hercules. Thời điểm này vô tình trùng hợp với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của thị trường băng đĩa video gia đình, cũng là mảnh đất rộng lớn cho Disney xây dựng một thành luỹ vững chãi bằng nhiều tác phẩm hoạt hình tươi mới. Tuy vậy, hãng phim khổng lồ vẫn sa lầy vào những bộ phim “ăn theo” hào quang thiếu thuyết phục và không hề có sức sống riêng của mình.
Suốt hai thập niên, những “phần sau” (sequel) của Disney không có bộ phim nào khá khẩm. Thường bạn sẽ bắt gặp những diễn viên lồng tiếng thay thế (so với bản gốc), nội dung cẩu thả, nhiều lỗ hổng, đất sáng tạo chật hẹp v.v… Dưới đây là những đề cử hứa hẹn sẽ làm bạn thất vọng tràn trề sau khi xem xong.
5. Belle's Enchanted Christmas.
Không chỉ có chất lượng nghèo nàn, các phim ăn theo còn không thể tiếp nối được mạch truyện. Disney dường như lo sợ phải truyền tải thứ gì đó mới lạ, nên chúng diễn ra ngay trong một thời điểm lồng giữa phim gốc. Và vấn đề phát sinh khi cố đặt một bộ phim mới vào trong một tác phẩm có sẵn, là bạn sẽ không thể làm bất cứ điều gì có khả năng xoay chuyển kết cục của câu chuyện chính.
Vì thế Belle's Enchanted Christmas bị mắc kẹt vào một kịch bản vô nghĩa và không đem lại bất cứ thành quả gì, vì đương nhiên sau đó Belle sẽ phải lòng quái vật và lời nguyền được hoá giải (điều ai cũng đã biết khi xem Beauty and the Beast).
Bạn còn nhớ khi Belle bắt đầu cảm nắng chàng quái thú sau khi nhìn ra được mặt tốt của Beast? Trong Enchanted Christmas, Belle là người cố gắng thu hút tình cảm của Beast, dù anh là người đã bắt giữ cha cô và cầm tù cô mãi mãi.
Dường như nàng đã mắc phải hội chứng Stockholm cực kì nhanh (hội chứng nảy sinh tình cảm và có xu hướng thân thiết với người giam giữ mình sau một thời gian dài). Mọi hành động của Belle cũng cực kỳ lạ lùng, như thể Giáng Sinh đã mang tới một phép màu và đảo lộn hoàn toàn tính cách của cô.
4. Cinderella III.
Đầu tiên, cốt truyện của Cinderella III (Lọ Lem III) rất tươi mới. Mụ dì ghẻ độc ác Tremaine đã cướp được đũa thần của Bà Tiên và dùng chính ma thuật đó để xoay ngược quá khứ. Kết quả là đứa con gái Anastasia đã mang vừa chiếc giày thuỷ tinh của Lọ Lem.
Thật thú vị khi được xem một bộ phim hậu truyện Disney mà được diễn sau những sự kiện ở phim gốc, nhưng khi nghĩ lại, việc du hành ngược-thời-gian thực chất cũng là cách để quay về với những tình tiết mọi người đều đã quen thuộc.
Điểm trừ lớn nhất là bộ phim biến hoàng tử thành một tên ngốc. Sau khi khiêu vũ với Cinderella cả đêm, chàng ta chẳng thèm hỏi tên nàng, hoặc nơi nàng sống lấy một lần. Cho dù hoàng tử bị bối rối khi nhìn trực diện vào mắt nàng, thì rõ ràng cả hai đã biết rõ tình cảm của nhau khi mặt-đối-mặt. Việc ai mang vừa chiếc giày đâu còn quan trọng đến thế.
Lọ Lem III phải lưu ý đến điều này vì Anastasia giờ đây là người mang vừa giày thuỷ tinh. Khi hoàng tử nhìn thấy cô chị kế và nhận ra có điều gì đó không đúng, chàng đã bỏ ra ngoài cửa. Chàng vừa kịp nhận ra cái kế hoạch tìm cô dâu nhờ chiếc giày này là sai lầm, thì lại bị thôi miên bởi đũa thần của dì ghẻ. Hoàng tử tiếp tục nửa tỉnh nửa mơ suốt bộ phim và hoàn toàn phớt lờ Lọ Lem. Sự ngốc nghếch đó là lỗ hổng cực kì lớn trong cốt truyện mà các nhà biên kịch thực sự phải cần tới đũa thần mới có thể sửa chữa.
Điểm vô lý còn ấn tượng hơn cả độ ngốc nghếch của hoàng tử là sự thiển cận của dì ghẻ. Với chiếc đũa thần trong tay, mụ điều khiển sức mạnh của cả vũ trụ. Du hành xuyên thời gian, điều khiển tâm trí người khác, bà ta có thể soán ngôi vương và trở thành kẻ thống trị độc tài bất khả chiến bại, nhưng thay vào đó mụ chỉ muốn cướp đi chiếc giày của Lọ Lem, thay vì vung nhẹ đũa khiến nàng biến mất mãi mãi.
Mọi người đều ích kỷ, thiển cận và ngu ngốc; vậy nên nó mới là tình yêu.
3. The Fox and the Hound II.
Nếu bạn yêu những đoạn kết viên mãn, The Fox and the Hound (Cáo và Chó săn) có lẽ không thích hợp với bạn. Bộ phim càng trở nên buồn hơn dưới góc nhìn người lớn, khi bạn nhận ra chuyện kể về hai nhân vật bị chia cách và không bao giờ có thể ở bên nhau, một bài học nhân văn không có hậu. Chính vì thế, hãy thử xem Fox and the Hound II vì những lý do sau:
Phim tập trung quanh chú chó săn Copper. Vì còn là một chú cún con nên ta đoán được chuyện xảy ra ở giữa câu chuyện gốc, sau khi Cáo và Chó săn đã trở thành bạn nhưng lại bị chia cách vì khác biệt giống loài.
Một lần nữa, ta biết rằng chẳng có điều gì to tát có thể xảy ra được trong những phim lưng chừng như vậy, vì chúng sẽ ảnh hưởng tới kết cục trong bộ phim gốc. Vậy nên xung đột thật sự duy nhất trong phim là khi Copper dùng phần lớn thời gian chơi chung với băng nhóm những con chó cùng loài với mình. Dù điều đó không quan trọng, vì cuối phim mọi chuyện lại trở nên tốt đẹp.
Nhưng có điều sự thật không được như vậy, chúng ta đều biết cuối cùng chuyện gì sẽ xảy ra. Cáo và Chó săn lại lớn lên và trở thành kẻ thù truyền kiếp, và dù có muốn thì chúng cũng biết mình không bao giờ có thể trở thành bạn bè thực sự. Một trong những bộ phim hiếm hoi của Disney để lại nhiều hụt hẫng và nuối tiếc, khi “một chút may mắn” và “một cuộc phiêu lưu nhỏ” không thể biến mọi ước mơ thành sự thật.
2. The Little Mermaid II.
Dù đây là “phần sau” đúng nghĩa nhất trong danh sách, Nàng tiên cá II vẫn xào nấu lại chính cốt truyện cũ. Sau những sự kiện của phần một, Ariel và Eric kết hôn và có con vì nàng đã trở thành “con người” thực sự. Bé gái Melody lại ấp ủ một ước mơ rời xa đất liền để khám phá lòng đại dương, và chạm trán với mụ phù thủy biển Morgana.
Ariel sợ hãi Morgana đến mức huy động tất cả nguồn lực của vương quốc, dựng lên một bức tường chắn giữa tòa lâu đài và biển cả - để cho Melody không còn có thể len qua đường ống thoát nước, thám hiểm vùng biển cấm và nhờ Morgana biến mình thành người cá.
Điều đó giống hệt việc Ariel năm nào đã từ bỏ cuộc sống của một “nàng tiên cá bé nhỏ” để có thể được lên đất liền và cô đã thành công! Nhưng sau khi sinh hạ con gái, toàn bộ ký ức về biển cả trước đây của nàng đã hoàn toàn bị xóa sạch, và chẳng có gì lạ khi Ariel cấm cản con gái mình xuống thăm đại dương.
Phần hai này của bộ phim rõ ràng đang phản chiếu ngược lại hướng đi của phần một, nhưng điều đó đã biến cô bé mạnh mẽ, dám sống cho ước mơ ngày nào trở nên bế tắc và tuyệt vọng.
1. Timon and Pumbaa.
Nếu như bạn còn nhớ cụm từ “Hakuna Matata”, bạn sẽ nghĩ ngay tới hội chứng kích thích đường ruột của Pumbaa. Một cú xì hơi của chú lợn lòi này có thể dọn sạch cả cánh đồng cỏ savan sau mỗi bữa trưa. Đó từng là chi tiết hài hước khó ngờ trong bộ phim đầy chất anh hùng ở phần một, mà hoàn toàn không làm hủy hoại bộ phim.
Nhưng ở Vua sư tử 2 lần này, trò chọc cười này bị lạm dụng quá lố. Tuy phần này lấy lại toàn bộ bối cảnh của phần trước, nhưng “vòng 3” của Pumbaa lại che lấp tất cả, phá hủy đi sự hùng vĩ của những cảnh phim trước.
Còn nhớ đoạn mở đầu của Vua sư tử, khi muông thú đều cúi đầu kính cẩn lúc vị vua mới được sinh ra. Dù có phần hư cấu, nhưng ai cũng đều công nhận phân cảnh đó quá tuyệt vời. Có điều, theo cách lý giải của phần hai, lý do các loài vật đều cúi rạp sát đất là vì phản ứng dây chuyền từ “quả bom” của Pumbaa.
Giống như trong phần trước, “khí gas” của chàng heo rừng từng hạ gục cả một bầy linh cẩu, với sức sát thương ngang ngửa đàn sơn dương từng giày xéo Mufasa. Nếu “Hakuna Matata” mang ý nghĩa “Không có gì phải lo lắng cho những ngày sau”, chúng ta còn có thể hiểu nó như “Những giây phút đáng quan ngại trước khi chết”.