Trên chương trình Your Morning của kênh CTV, hai nhà phê bình điện ảnh Radheyan Simonpillai và Richard Crouse bàn rằng không phải lúc nào hạng mục “Phim xuất sắc nhất” của giải Oscar cũng được trao cho ứng viên xứng đáng. Dưới đây là những trường hợp đáng tiếc mà họ nêu ra.
2006: Brokeback Mountain nên thắng Crash
Tại lễ trao giải Oscar năm 2006, khi bộ phim thắng cuộc được nêu tên, những người tham dự ngạc nhiên ra mặt. Simonpillai nhắc đến phản ứng của người công bố giải - tài tử Jack Nicholson, “Lúc bóc phong bì và đọc tên ‘Crash’, biểu cảm của anh ấy đúng kiểu ‘Whoa’.”
Simonpillai cũng nói thêm: “Vụ này ngay lập tức gây tranh cãi dữ dội”. Theo ý kiến của một số nhà phê bình, giải “Phim xuất sắc nhất” của lễ trao giải Oscar lần thứ 78 đáng lý phải thuộc về Brokeback Mountain - tác phẩm điện ảnh mang tính đột phá về tình yêu giữa hai chàng cao bồi của đạo diễn Lý An. Trong khi đó, Crash bị giới phê bình chỉ trích gay gắt vì lối suy nghĩ đơn giản hóa vấn đề sắc tộc ở Los Angeles của các nhân vật trong phim.
Về lý do Brokeback Mountain không được giải, Simonpillai cho là hội đồng bỏ phiếu của Viện Hàn lâm vẫn chưa sẵn sàng cho một chuyện tình đồng tính. Ông tin rằng bộ phim quan trọng này thua là do “sự kỳ thị của Viện”.
Crouse phân tích kỹ hơn: “Bộ phim hơi gai góc và đề tài của nó không hợp khẩu vị Viện cho lắm, cho dù đề tài ấy chỉ là tình yêu.” Ông cũng khen ngợi tác phẩm “mang đầy ý nghĩa” cùng diễn xuất ấn tượng của cặp nam chính Heath Ledger và Jake Gyllenhaal.
1991: Goodfellas nên thắng Dances with Wolves
Đề tài của một vài “Phim xuất sắc nhất” không phải lúc nào cũng là kinh điển. Dances with Wolves đáng tiếc lại rơi vào trường hợp đó, với cốt truyện mang hơi hướm “white savior” (tạm dịch: “vị cứu tinh da trắng”) theo nhận định của Simonpillai.
“White savior” là cụm từ dùng để chỉ một người da trắng đóng vai trò cứu tinh đi giải thoát những người có màu da khác khỏi nguy hiểm, đồng thời trong quá trình đó anh/cô hiểu thêm điều gì đó mới mẻ về bản thân mình. Dances with Wolves xoay quanh một người đàn ông da trắng (Kevin Costner đóng) khi anh học cách chung sống và kết bạn với bộ tộc da đỏ Lakota trong thời nội chiến Mỹ. Simonpillai cho rằng bộ phim quá nhạt nhòa khi đặt cạnh Goodfellas, tác phẩm được ông cho là “một trong những phim gangster hay nhất mọi thời đại” và xứng đáng giành được Giải thưởng Viện Hàn lâm danh giá.
Nhìn lại sự kiện này, Crouse nói thành viên hội đồng bỏ phiếu của Oscar “Làm gì có cầu thủy tinh. Họ chỉ nhìn thấy cái gì đang diễn ra trước mắt thôi. Lúc nào người ta chẳng thích những thứ ở hiện tại.”
2000: The Insider nên thắng American Beauty
Trong American Beauty, nhân vật chính (Kevin Spacey) là một người đàn ông trung niên gặp khủng hoảng tinh thần và dần có tình cảm với cô bạn tuổi teen của con gái ông. Dù ở thời điểm đó khán giả thấy ý tưởng này bình thường, Simonpillai vẫn coi bộ phim là “rác rưởi” vì cốt truyện của nó.
Mặc dù American Beauty thắng giải Oscar cho “Phim xuất sắc nhất”, Simonpillai cho rằng có nhiều phim khác xuất sắc hơn, điển hình là The Insider với hai diễn viên chính Al Pacino và Russell Crowe. Bộ phim của đạo diễn Michael Mann dựa trên sự kiện có thật, kể về một người đàn ông quyết tâm vạch trần trước cả thế giới những gì mà bảy công ty thuốc lá lớn cố bưng bít về tác hại của thuốc lá. Ông cũng chỉ ra những tuyệt phẩm điện ảnh năm đó hoàn toàn vắng bóng tại đề cử Bộ phim xuất sắc của Oscar: Eyes Wide Shut, The Matrix, Magnolia và Fight Club.
1980: Raging Bull nên thắng Ordinary People
Theo quan điểm của Crouse, Raging Bull bị lu mờ bởi Ordinary People, một bộ phim “hợp thời trong quá khứ, nhưng khác với Raging Bull, ngày nay nó không còn giá trị bàn luận nữa.”
Raging Bull là “một trong những tác phẩm đáng lẽ phải ẵm một giải của Viện Hàn lâm về cho Martin Scorsese, nhưng không làm được.” - Crouse bình luận. Trong suốt sự nghiệp của mình, vị đạo diễn đại tài đã được đề cử tổng cộng 12 lần nhưng mới chỉ thắng đúng 1 lần ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” năm 2006 cho The Departed.
1990: Do The Right Thing xứng đáng hơn Driving Miss Daisy
Trong Driving Miss Daisy, Morgan Freeman đóng vai bác tài xế lái xe thuê cho một quý bà da trắng giàu có. Simonpillai miêu tả đây là “Một bộ phim nhìn nhận vấn đề phân biệt chủng tộc dưới lăng kính màu hồng”.
Ông cho rằng giải “Phim xuất sắc nhất” đúng ra nên trao cho Do The Right Thing - một tác phẩm kinh điển về vấn đề xung đột sắc tộc. Vào thời điểm đó, nữ diễn viên Kim Basinger cũng có chung ý kiến khi bà công khai chỉ trích Viện Hàn lâm trên sân khấu Oscar với tư cách người công bố giải: “Có một bộ phim xứng đáng được vinh danh nhưng lại vắng mặt trên danh sách trao giải, bởi vì trớ trêu thay, nó nói lên sự thật rõ ràng nhất. Và đó là Do The Right Thing.”
Do The Right Thing thậm chí còn không được đề cử “Phim xuất sắc nhất”, mà chỉ tranh giải ở những hạng mục nhỏ hơn như “Nam diễn viên phụ xuất sắc” và “Kịch bản gốc xuất sắc”.
Nhắc đến phim về vấn đề sắc tộc, năm nay cũng có một cuộc cạnh tranh tương tự giữa BlacKkKlansman và Green Book. Cả hai phim đều được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất.
Bình luận về điều này, Crouse cho biết “Mấy năm gần đây Viện Hàn lâm đã thay đổi khá nhiều - với hàng ngàn thành viên mới […] đa dạng hơn và có lẽ là thú vị hơn”. Ông cho rằng đấy là lý do họ đã đề cử nhiều phim thuộc thể loại khác nhau, “nên BlacKkKlansman mới có mặt ở đó” - điều mà Do The Right Thing trước đây chưa làm được.