Với màn thể hiện của Squid Game, có thể thấy sinh tồn không phải là thế mạnh của điện ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, phim lại biết cách phản ánh xã hội cực kỳ sâu sắc và đem tới những bài học cay đắng về cuộc đời.
1, Nỗi đau của người nghèo cũng chỉ là thú vui của kẻ giàu
Squid Game là một bộ phim phản ánh về sự phân tầng xã hội rất tốt, khắc họa được vị thế một trời một vực giữa những kẻ có tiền ở trên đỉnh cao với những kẻ thấp cổ bé họng thuộc lớp đáy.
Những người chơi của Squid Game luôn phải chật vật kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống và gánh trên vai khoản nợ khổng lồ. Vậy nên việc họ đánh cược mạng sống của mình để tham gia trò chơi cũng là bất đắc dĩ.
Thế nhưng, sự thật đằng sau đó mới khiến người ta k.inh hoàng. Hóa ra Squid Game được dựng nên bởi những kẻ lắm tiền, lấy nỗi đau thể xác của người khác để làm trò tiêu khiển. Đúng như ông trùm Oh Il Nam đã nói, khi sống quá sung túc người ta sẽ chẳng còn dễ dàng tìm thấy niềm vui nữa. Khi đó họ sẵn sàng đánh đổi lương tâm mình, đánh đổi mạng sống của người khác để giải trí.
2, Có năng lực chưa chắc đã thành công
Phần lớn trò chơi trong Squid Game đều dựa vào may rủi, ít gây được ấn tượng với người xem bằng khả năng thực sự của ngươi chơi. Nhưng một số ít khoảnh khắc phim vẫn đề cao trí thông minh của con người khi đối mặt với khó khăn.
Như trong trò kéo co, mặc dù đội hình gặp nhiều bất lợi về thể chất và suýt bại trận nhưng nhóm nhân vật chính vẫn biết cách xoay sở nhờ vào kinh nghiệm và sự nhanh trí. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng được đền đáp xứng đáng.
Đó là trong trò chơi cầu kính. Người chơi 017 mặc dù sở hữu kỹ năng quan sát giúp phân biệt hai loại kính nhưng cũng không thể về đích an toàn. Điều đó chứng tỏ rằng trong xã hội này dù có năng lực chưa chắc đã thành công bởi vì vẫn còn đó đầy rẫy sự bất công.
Xem thêm: Đạo diễn 'Squid Game' chính thức lên tiếng về tin đồn phim đạo nhái 'As The Gods Will' của Nhật
3, Sự bất công vẫn luôn tồn tại
Ban tổ chức từ đầu đến cuối vẫn luôn rao giảng về một trò chơi công bằng, nơi những người chơi đều được trao cơ hội như nhau để giành phần thưởng xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Thế nhưng, khán giả vẫn dễ dàng nhận thấy hành vi gian lận của người chơi và nó chẳng khác nào lời chế giễu, mỉa mai tới những kẻ đứng đầu.
Trước khi trò chơi tách kẹo diễn ra, người chơi Byeong Ki đã được các nhân viên bí mật tiết lộ về thử thách bằng mẩu giấy giấu trong thức ăn. Hệ thống gian lận này tinh vi tới mức có sự tham gia của nhiều đối tượng, từ những kẻ canh gác cho tới giám sát camera. Nhờ vậy mà hắn dễ dàng chiếm được lợi thế và sống sót qua nhiều vòng chơi.
Hay cũng trong trò tách kẹo, người chơi Mi Nyeo đã lén lút dùng bật lửa để làm tan chảy lớp đường gắn kết. Sau đó cô cũng tuồn bí kíp này cho tên côn đồ Deok Soo nhằm lấy thiện cảm.
Bản thân ban tổ chức cũng toàn là kẻ đạo đức giả khi giẫm đạp lên khẩu hiệu công bằng mà chúng đặt ra, như việc tạo điều kiện cho người chơi thoải mái tàn sát lẫn nhau nhằm loại bỏ bớt kẻ yếu hay tắt điện để gây khó dễ trong việc phân biệt hai loại kính.
4, Phân biệt đối xử với nhóm người yếu thế
Có thể thấy dù trong xã hội nào, hoàn cảnh nào thì nhóm người yếu thế bao gồm phụ nữ và người già luôn phải chịu thiệt thòi. Khi được yêu cầu lập nhóm để chơi trò kéo co, người ta luôn tránh né việc nhận phụ nữ vì cho rằng họ không có sức mạnh thể chất như đàn ông. Hay nhân vật Ni Myeo trước khi bị phản bội vẫn luôn cố gắng dựa dẫm vào uy thế của Deok Soo.
Ngay cả nhóm khách VIP của Squid Game cũng phản ánh được sự phân biệt giới tính. Không có bất cứ vị khách VIP nào là nữ vì xã hội luôn mặc định rằng những kẻ đứng đầu, nắm trong tay tiền tài và quyền lực là nam giới.