“Tấm Cám” có lẽ là câu chuyện thân thuộc bậc nhất trong kho tàng Ca dao, Cổ tích, Dân gian Việt Nam. Có thể ai đó không nhớ rõ chi tiết nhưng tính hình tượng của các nhân vật Tấm, Cám, Mẹ ghẻ đã đi vào đời sống và trở thành những hình mẫu ở tất cả các chiều so sánh từ tích cực cho tới tiêu cực.
Thông điệp về sự đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, về sự từ tâm cũng như “Ác giả ác báo” được truyền tụng và răn dạy cả ngàn đời đã được người Việt thuộc hơn bao giờ hết. Chính sự thân thuộc đó vô hình trung lại làm khó cho những người làm công tác sáng tạo muốn làm mới hoặc cách tân những câu chuyện cũ mà không vướng phải những rào cản về tâm lí cũng như định kiến của số đông.
Hãy vỗ tay cho người đi đầu!
Có lẽ, công đầu trong việc gây dựng dược “tên tuổi” của câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” trong lòng khán giả điện ảnh hiện tại phải thuộc về “đả nữ” Ngô Thanh Vân. Ở tác phẩm điện ảnh thứ hai đứng tên sản xuất, Ngô Thanh Vân đã cho thấy sự nhanh nhạy và khác biệt khi chọn một đường đi khác với lối mòn đang thấy của điện ảnh Việt, đó là lựa và chọn kể những câu chuyện thần tiên đặt trong những thông điệp đời sống hiện đại. Ngày nảy ngày nay là một câu chuyện không rõ ràng về…mọi thứ nhưng cũng thành công về…mọi thứ. Từ diễn viên (Ngô Thanh Vân, Petey Majic, Lê Khánh, Thành Lộc) cho tới kĩ xảo và cả một không khí phim khác đi. Có lẽ cũng bởi sự thành công của Ngày nảy ngày nay mà Vân Ngô quyết định mang Tấm Cám lên màn ảnh rộng. Và trong chặng thứ hai của chuyến phiêu lưu thần tiên này, Vân Ngô gánh thêm một sức ép nữa ở vai trò lần đầu cô sắm: Đạo diễn.
Tấm Cám chuyện chưa kể chưa ra rạp nhưng ít nhiều cũng đã tạo được tiếng vang trên mạng xã hội từ vài tháng nay. Từ poster phim của nhân vật Tấm có nét giống Nam Phương Hoàng hậu cho đến câu chuyện váy áo gây nhiều tranh cãi. Hoặc giả như “tâm thư” Vân Ngô gửi những khán giả ưa bài xích mà quên đi chuyện dũng cảm dám làm mới. Và điểm nhấn chính là “Đả nữ” đã dũng cảm “giã băng” Lan Ngọc để “Ngọc nữ” của điện ảnh Việt bước ra khỏi vùng an toàn, hoá thân xuất sắc trong vai Cám. Ít nhất thì teaser của bộ phim khi được tung ra thì Lan Ngọc đã là người giữ “spotlight” trong mắt khán giả.
Một điều cần thẳng thắn nói với nhau rằng, cho dù dự án Tấm Cám chuyện chưa kể có không may mắn để được thành công đi chăng nữa thì đó cũng là một sự thất bại đáng ghi nhận. Bởi, người đi đầu chưa chắc đã là người về đích. Sự dũng cảm dám “ném” mình và ê-kíp vào một cuộc chơi công phu, cầu kì và tốn kém cũng như dám “educate” lại khán giả về một mô-típ cũ cũng đáng để khâm phục Vân Ngô. Biết đâu sự mở đường này lại là một sự hanh thông cho một dòng phim mới của điện ảnh Việt trong vài năm tới.
Tấm Cám của sân khấu đa dạng hơn bao giờ hết
Tính tới thời điểm này, trên khắp các sân khấu tại TP. HCM đã có ít nhất 4 phiên bản “Tấm Cám” được ra đời. Tấm Cám “huyền thoại” của sân khấu kịch Idecaf được tái diễn nhân dịp kỉ niệm 20 năm sân khấu. Tấm Cám phiên bản nhạc kịch của sân khấu Buffalo. Tấm Cám 16+ của nhóm kịch NNCK (Ngẫm nghĩ cùng kịch). Và mới nhất là Tấm và Hoàng hậu của sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh.
Trong khi câu chuyện tranh cãi vẫn chưa có hồi kết về việc có nên đưa “Tấm Cám” ra khỏi sách giáo khoa hoặc chỉnh sửa lại cái kết có phần “rùng rợn” từ vài năm nay giữa các học giả thì những người làm công tác sáng tạo đã nhanh hơn một bước khi “tự tung tự tác” ứng biến cái kết theo cách của mình mà không cần phải “họp lên họp xuống”.
Với phiên bản nhạc kịch của nhóm Buffalo, tác giả Hoàng Quân đồng thời cũng là nam chính đóng vai Hoàng tử chia sẻ về sự thay đổi của vở diễn rằng: “Tấm được cứu nhờ được giúp đỡ của Cám, đó là một biểu hiện của tình chị em của Cám. Cũng vì thế cái kết là sự đại đoàn viên, Tấm tha thứ cho Cám và mẹ ghẻ để từ đó sống hạnh phúc về sau. Mẹ Cám trở thành một người tu hành. Chúng tôi thấy phiên bản gốc nó hơi nặng nề, trong khi đó nhóm mình hướng tới khán giả những trẻ em cao nên đề cao tình cảm gia đình, lòng vị tha trong cuộc sống, dù như thế nào chăng nữa, ác giả ác báo vẫn có, quay đầu lại biết hối hận thì mọi người mở rộng vòng tay. Thật may là phản ứng của khán giả là thích cái kết đẹp, nhân văn hơn nhưng cũng có số rất ít nhận xét rằng cái kết khá “lạ” nên họ chưa thích bằng.”
Còn với Tấm Cám 16+ của nhóm kịch NNCK thì cái kết “dị biệt” và bất ngờ hơn: “Hoàng Tử không lấy Tấm, lấy một nhân vật khác và nhân vật khác đó là ai thì xin phép được giấu vì đó là nét hấp dẫn nhất của vợ kịch.”. Diễn viên có nghệ danh Nhí Nhảnh đại diện cho nhóm kịch chia sẻ. Nhí Nhảnh cũng cho rằng 16+ không phải là biểu hiện của một cái gì đó mang yếu tố “câu view” mà là một sự lồng ghép yếu tố đời sống hiện nay vào vở kịch theo kiểu “mượn chuyện xưa bình chuyện nay”. Ròng rã hơn một năm diễn kín các sân khấu nhỏ theo mô hình cà phê với nhiều nhất 40 ghế/ 1 đêm với giá vé 70.000đ (đã bao gồm đồ uống), Nhí Nhảnh cho biết “nhóm đã thu hồi được tiền phục trang”.
Thật là một thú chơi lắm công phu nhưng đáng trân trọng của những người trẻ yêu kịch nói.
Và cuối cùng là “Tấm Cám” của Nhật Chiêu
Tác giả Nhật Chiêu có một truyện rất ngắn nằm trong mục “truyện hư” (chữ “hư” trong “hư ảo”) có tên Tấm khóc, Bụt hiện ra với nội dung chỉ gói gọn trong 1 câu duy nhất: “Lóc thịt Cám làm mắm xong, Tấm chợt nhìn thấy Bụt bèn hỏi, “tại sao Bụt dám khóc trước mặt TA?”
Cũng từ sự “hư ảo” này, CLB Văn nghệ CKT của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã sáng tạo và biểu diễn vở kịch Tấm và Hoàng hậu từ năm 2014 trong khuôn khổ sân khấu nhà trường với sự giám sát và đánh giá cao từ Ban giám hiệu và hai nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như.
Từ sân khấu trong khuôn viên Đại học tới một sân khấu kịch chuyên nghiệp hẳn là một chặng đường dài. Chia sẻ về điều này, Đạo diễn Việt Linh, người “chủ xị” của Hồng Hạc, cho biết trong thời gian “săn lùng” các tác phẩm của những người trẻ cho sân khấu của mình, chị xem được Tấm và hoàng hậu của đội kịch sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, và quyết định đưa tác phẩm này về, thay đổi diễn viên, dàn dựng lại chuyên nghiệp hơn. Trong phiên bản này, câu chuyện diễn ra sau khi nhà vua tìm lại được Tấm nhờ miếng trầu têm cánh phượng, vua đã trừng phạt mẹ con Cám vì những tội ác của họ. Nhưng, bản án đó khiến Tấm nghi ngại, và một mình nàng đã tự đi tìm câu trả lời để rồi từ đó dấn thân vào những bi kịch của tình yêu và hạnh phúc…
Chia sẻ về việc Flamingo Art Gallery quyết định chọn một vở kịch sinh viên để đầu tư sản xuất và phát hành trên sân khấu Hồng Hạc, ông Phan Duy Khương, giám đốc điều hành sân khấu Hồng Hạc cho biết: “Chuyên nghiệp - tận tâm - hết mình là những từ chúng tôi có thể nói về ê kíp của nhóm kịch CKT. Tấm và Hoàng hậu không phải là vở diễn duy nhất của các bạn nhưng có thể xem là vở diễn đặc sắc và gây được ấn tượng cho người xem ngay từ lần đầu tiên. Sự tìm tòi trong công việc và sự nhiệt thành của các bạn sinh viên đã thôi thúc sân khấu Hồng Hạc phải làm dự án này thật nghiêm túc để mọi người không thể nói rằng kịch sinh viên/ môi trường văn hóa văn nghệ sinh viên là không thể chuyển mình/ biểu diễn tại sân khấu chuyên nghiệp”. Ở phiên bản Tấm và Hoàng hậu tại sân khấu kịch Hồng Hạc có sự tham gia của các diễn viên Lê Bê La, Bảo Trung, Hoài Thương, Công Danh cùng các diễn viên nhóm kịch CKT và chính thức đến với khán giả từ ngày 2.7.2016.
Câu chuyện về cái kết “man rợ”, hay thông điệp muôn đời về cuộc đấu tranh sinh tồn giữa cái Thiện và cái Ác đã không còn trở nên quá quan trọng trong công cuộc sáng tạo của những người làm công tác sáng tác nữa. Điều họ quan tâm nhiều hơn, và có lẽ cũng hay hơn, chính là những cảm xúc được “gieo” vào, được “đặt/để” vào trong từng câu chuyện, từng tính cách nhân vật, từng diễn biến trong tác phẩm để mô tả/ minh hoạ/ biểu cảm những cảm xúc/ tâm trạng/ diễn biến tâm lí của đời người hiện đại.
Điều này, há chẳng phải thật dũng cảm mới bước qua được lằn ranh của sự mặc cảm và định kiến đó sao?