Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

14 phim nổi tiếng đến từ các đạo diễn nữ (Phần 2)

Nhân ngày 8/3, hãy cùng thưởng thức 14 bộ phim nổi tiếng, theo các thể loại khác nhau, được chỉ đạo bởi các “chị đại” đứng sau máy quay.

The Hurt Locker (2009) - Kathryn Bigelow

Kathryn Bigelow là một nữ đạo diễn đặc biệt. “Hầu hết các đạo diễn nữ ở Hollywood nổi tiếng nhờ những đức tính thuộc về khuôn mẫu tính nữ - họ rất giỏi khi làm về các mối quan hệ hay xử lý những nhân vật khác nhau” - Nhà phê bình điện ảnh Mark Cousins nói - “Nhưng Bigelow, giống như Riefenstahl (một nữ đạo diễn Đức thời trước), tỏ ra hứng thú hơn với hành động - với sự phản ứng, chứ không phải các mối quan hệ hay tâm lý.”

Bigelow đạt đến đỉnh cao sự nghiệp với The Hurt Locker - bộ phim khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Mang chủ đề “chiến tranh là thuốc gây nghiện”, The Hurt Locker xoay quanh cuộc sống thường ngày của Trung sĩ Will James và hai đồng đội trong tổ gỡ bom mìn của anh trên chiến trường Iraq. Bigelow không quan tâm nhiều đến việc đưa ra những triết lý sâu sắc hay khắc họa những sắc thái phức tạp của quan hệ đồng đội, tình cảm gia đình. Bà và biên kịch Mark Boal (người từng là phóng viên chiến trường) cung cấp ba người lính đại diện ba thái độ khác nhau đối với chiến tranh, và tập trung vào James - nhân vật mang “cơn nghiện” mà phim muốn nói đến.

Cơn nghiện tạo thành từ adrenaline và cảm giác cứu giúp người khác của James được thể hiện hiệu quả bằng hình ảnh đến mức khán giả có thể cảm thấy rõ ràng. Dàn cảnh, quay phim, cắt dựng… theo phong cách hiện thực tạo ra một mạch phim căng thẳng gần như không phút nào ngơi nghỉ, kéo khán giả vào cuộc chiến khốc liệt và cùng James trải nghiệm dòng adrenaline chạy dọc cơ thể anh.

A Girl Walks Home Alone at Night (2014) - Ana Lily Amirpour

“Cô gái về nhà một mình vào ban đêm” gây ấn tượng ngay từ cái tên, đặc biệt với những người mang giới tính nữ. Bước ra đường vào ban đêm, chính giới tính của bạn sẽ biến bạn thành con mồi, thường là của đàn ông.

Nhưng A Girl Walks Home Alone at Night lật ngược thế cờ. Trong một thành phố giả tưởng tên Bad City (đâu đó ở Iran) vất vưởng toàn những kẻ xấu xa và lạc lối, cô gái nhân vật chính lại là kẻ săn mồi. Cô theo dõi, cô chờ đợi. Và nếu cô xem xét đạo đức của đối tượng vẫn còn cứu vãn được, cô sẽ tha bổng, thậm chí bảo vệ. Cô đội khăn trùm đầu theo kiểu phụ nữ Hồi giáo và mặc áo choàng dài chấm đất. Chiếc áo choàng này được “cách tân” một lối đặc biệt, biến biểu tượng của sự áp bức về đạo đức từ bên ngoài trở thành biểu tượng của kẻ chủ động về đạo đức từ bên trong.

Với tông đen - trắng và cách chiếu sáng tạo tương phản mạnh theo kiểu phim noir, A Girl Walks Home Alone at Night là một câu chuyện kết hợp các thể loại tội phạm, kinh dị và lãng mạn. Ana Lily Amirpour khá tham vọng khi lồng ghép nhiều ẩn ý về các vấn đề chính trị - xã hội, song nhờ cách xử lý nửa nghiêm túc - nửa đùa nghịch với thể loại kinh dị, cùng với những cảnh lãng mạn nấn ná rất lâu trên màn hình, bộ phim vô cùng nhẹ nhàng và dễ xem.

Vagabond (1985) - Agnès Varda

Vagabond mở đầu bằng cảnh một mùa đông lạnh giá ở miền quê nước Pháp, một người đàn ông đi nhặt củi trên đồng và phát hiện ra một xác chết. Xác chết đó chính là “kẻ lang thang”, nhân vật chính của chúng ta. Sau khi cảnh sát khám nghiệm tử thi và kết luận nạn nhân chỉ đơn giản là chết vì lạnh, một giọng nữ dẫn truyện thông báo câu chuyện từ đây sẽ được kể qua lời khai của những người đã gặp gỡ nạn nhân trong vòng vài tuần trước cái chết của cô.

Mona Bergeron là tên nhân vật, và chúng ta cũng chỉ biết có thế về cuộc sống trước đó của cô, cộng với việc cô từng làm một công việc bàn giấy nhưng không phù hợp nên đã từ bỏ. Mọi thông tin quan trọng khác về Mona đều được giới hạn trong khoảng thời gian vài tuần khi cô sắp chết, và bản thân những thông tin này cũng không đầy đủ hay thật sự chính xác, vì được kể từ góc nhìn của những người lạ. Đạo diễn kiêm biên kịch Agnès Varda khá “dũng cảm” khi xây dựng nhân vật Mona là một kẻ khó ưa, đồng thời từ chối cung cấp lời giải cho sự khó ưa đó. Khán giả chỉ nhìn thấy Mona ở bề mặt và từ những gì người khác nói về cô, rồi đến lượt mình, tự đưa ra những giả định về con người này.

Hoặc Mona có thể không phải là một “con người”, mà là một khái niệm. Cô ta là sự tự do tuyệt đối, là sự cô đơn tuyệt đối, là điều nhiều người ước mơ và ghê sợ. Khước từ mọi áp đặt và ràng buộc của xã hội, cô ta bướng bỉnh bước đi trên con đường ngắn ngủi dẫn đến cái chết.

Lady Bird (2018) - Greta Gerwig

Rõ là em rất yêu Sacramento” - bà sơ (kiêm giáo viên tại ngôi trường Công giáo mà Lady Bird theo học) nói với cô.

Lady Bird ngạc nhiên. Cô chắc chắn là mình ghét Sacramento (California) - nơi cô sinh ra và lớn lên, bởi nó nhạt nhẽo và tù túng. Cô luôn khao khát đến New York vì đó là “thành phố giàu văn hóa”. Cô giải thích rằng cô viết văn miêu tả Sacramento hay ho đến thế là vì cô là người để ý tiểu tiết (yêu ghét liên quan gì ở đây?). Nhưng bà sơ đáp lại, khiến cả Lady Bird lẫn khán giả chúng ta đều phải ngừng lại vài giây: “Em không nghĩ rằng hai thứ đó là một sao? Tình yêu và sự chú ý?

Lady Bird là một bộ phim không có nhiều đột phá khi so sánh với những tác phẩm khác cùng thể loại coming-of-age (tuổi trưởng thành), nhưng sự tỉ mỉ của đạo diễn Greta Gerwig đối với từng chi tiết nhỏ đã tạo ra một bầu không khí hoài niệm đầy xúc động cho phim. Giống như khi một người lớn nhớ lại quãng thời gian niên thiếu của mình, Lady Bird chứa nhiều cảnh mang tính khoảnh khắc, mà bản thân sự tồn tại ngắn ngủi của nó trên màn hình cũng gợi cho người xem một cảm giác vui sướng trộn lẫn đau buồn trong ý thức về sự vụt qua của thời gian.

Điều đặc biệt nhất của Lady Bird là sự tập trung khắc họa mối quan hệ giữa mẹ và con gái. Nỗi lo sợ bị con đánh giá, bị con rời bỏ của người lớn; hay nỗi đau đớn vì tội lỗi và bất lực trong việc thấu hiểu cha mẹ của đứa trẻ độ tuổi nhạy cảm - Tất cả đều được Greta Gerwig diễn tả một cách chính xác.

Selma (2014) - Ava DuVernay

Trong lịch sử đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi, ba cuộc tuần hành bất bạo động từ Selma đến Montgomery năm 1965 là một trong những sự kiện quan trọng nhất, vì nó góp phần thúc đẩy Tổng thống Johnson thông qua một dự luật chấm dứt những hạn chế về quyền bỏ phiếu của người da đen. Người có công lớn trong phong trào này là Martin Luther King.

Bộ phim đề cử Oscar năm 2015 của đạo diễn Ava DuVernay và biên kịch Paul Webb nói về quá trình King và những nhà hoạt động xã hội hợp tác với ông lên kế hoạch cho những hoạt động của họ ở Selma. Qua khắc họa của các nhà làm phim, King hiện lên với đầy đủ vai trò người cha, người chồng, mục sư và nhà hoạt động xã hội. King đầy quyền lực và truyền cảm hứng khi đứng trên bục phát biểu, King bình tĩnh và nhẹ nhàng quỳ xuống trên chiếc cầu lịch sử Edmund Pettus để xin chỉ dẫn của Chúa, King đau khổ và giằng xé trước những lo lắng mình tạo ra cho vợ con. Song cảnh đắt giá nhất lại là cảnh đầu tiên - khi King lúng túng chỉnh trang bộ suit của mình trước gương và than phiền về nó với vợ - đề xuất góc nhìn của DuVernay và Webb đối với Martin Luther King: Ông chỉ là một con người bình dị luôn nghĩ đến đồng bào mình.

Lost in Translation (2003) - Sofia Coppola

Bob là một diễn viên kỳ cựu bị người quản lý sắp xếp tham gia một vài chương trình giải trí ở Nhật dù ông không muốn. Charlotte là cô sinh viên mới tốt nghiệp và không biết mình sẽ làm gì với tấm bằng cử nhân triết học. Bob đã kết hôn được 25 năm và cuộc hôn nhân của ông đang gặp khủng hoảng. Charlotte mới kết hôn được 2 năm nhưng cô không còn biết chồng mình là ai.

Họ cùng lạc lối và lạc lõng. Họ gặp nhau giữa Tokyo, hình thành một tình bạn kỳ lạ vượt qua sự cách biệt 30 năm tuổi tác. Họ không giao tiếp được với môi trường xung quanh, không giao tiếp được với những người thân yêu nhất của mình, nhưng thật may mắn, họ còn có thể giao tiếp với nhau. Tuy cả hai vẫn không biết mình sẽ làm gì tiếp trong cuộc đời, nhưng ít ra, họ tìm thấy trong nhau một trạm dừng chân yên bình giữa một thành phố xa lạ lúc nào cũng mải miết.

Dựa một phần trên những trải nghiệm của chính mình trong quãng thời gian sống ở Tokyo, Sofia Coppola đã viết và đạo diễn nên bộ phim hay nhất của cô, tính đến thời điểm hiện tại. Sự cô đơn là một chủ đề mang tính phổ quát và có thể liên hệ với bất cứ ai và bất cứ thời điểm nào, bởi vậy, không có gì khó hiểu khi bộ phim được yêu thích rộng rãi đến thế.

The Babadook (2014) - Jennifer Kent

Amelia chưa bao giờ nguôi ngoai về cái chết của chồng, xảy ra khi anh lái xe đưa cô đến bệnh viện sinh con. Đã thế, đứa con của cô, Samuel lại không phải một đứa trẻ bình thường. Cậu bé 7 tuổi thường nói về những con quái vật tưởng tượng và có những hành vi nguy hiểm như tự chế vũ khí để giết chết quái vật. Amelia cố gắng hết sức để chăm sóc Samuel. Cô đọc truyện cho con mỗi tối trước khi đi ngủ, và khi hai mẹ con vô tình đọc phải một quyển truyện đen tối tên “The Babadook”, cuộc sống của họ rơi vào vòng xoáy kinh hoàng với bóng hình con quái vật ám ảnh khắp nơi.

Cũng như We need to talk about Kevin của Lynne Ramsay, The Babadook của Jennifer Kent khai thác mối quan hệ căng thẳng giữa mẹ và con trai. Sự ra đời của Kevin tước đi điều Eva yêu quý nhất (tự do) cũng như sự ra đời của Samuel tước đi người Amelia yêu thương nhất (chồng). Dẫu vậy, những đứa con vẫn là người mà họ dứt ruột sinh ra, và tình cảm của họ đối với chúng là một tình yêu đầy mâu thuẫn, phức tạp và đau đớn. Những lớp lang về tâm lý này đã giúp bộ phim tương tác với khán giả ở mức độ sâu hơn - một sự học hỏi nghiêm túc những bộ phim kinh dị kinh điển, chứ không nông cạn và dựa vào những chiêu trò hù dọa rẻ tiền như nhiều bộ phim cùng thể loại hiện nay.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dodieuha

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vỡ oà với Tuấn Hải