Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

12 cảnh kỹ xảo đáng chán của bom tấn Hollywood: Loạt phim Marvel - DC đều có mặt

Trong thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các bộ phim lớn nhỏ đều có sự hỗ trợ của công nghệ CGI. Nhưng dù cho là các nhà sản xuất phim lớn cũng không tránh khỏi những lỗi ngớ ngẩn trong giai đoạn hậu kỳ này.

12. Avenger: Infinity War

Mặc dù Avengers: Infinity War đã làm được một việc đáng khâm phục đó là đưa Thanos (Josh Brolin) trở nên sống động hơn với công nghệ CGI hiện đại. Nhưng bên cạnh đó, bộ phim còn tồn đọng vài chi tiết trông khá thô trong vài phân cảnh.

Trailer “Infinity War”.

Trước hết, hãy điểm qua cảnh quay này: ngay sau sự xuất hiện không thể quên của Thor (Chris Hemsworth) tại Wakanda, anh em nhà Russo đã chuyển không gian sang cảnh Bruce Banner (Mark Ruffalo) bên trong bộ giáp Hulkbuster vừa cười vừa châm biếm: “Bọn ngươi sắp tiêu rồi!”. Đây đáng ra là một tình huống hài hước, nhưng mọi thứ bỗng trở nên hỗn độn vì chút trục trặc kĩ thuật CGI. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy chuyển động của đầu Ruffalo không khớp với chuyển động của bộ giáp Hulkbuster. Có vẻ trông như đầu của nam tài tử đã được gắn ghép một cách lười biếng vào khung của bộ giáp khiến nó trở nên không được nhịp nhàng.

Đây thật là một điều đáng tiếc cho một bộ phim với chi phí sản suất hơn 300 triệu USD. Dù vậy, may mắn thay đây chỉ là khoảnh khắc thoáng qua nên vẫn không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng tổng thể của cả bộ phim.

11. Fantastic Four: Rise Of The Silver Surfer

Các bộ phim về Bộ tứ Siêu đẳng do Tom Story làm đạo diễn hầu như không được thành công như mong đợi, nhất là về mặt hình ảnh và kĩ xảo. Dù rằng việc thực hiện kĩ xảo cho Mr. Fantastic đúng là một thách thức lớn cho các nhà làm phim nhưng họ đã rất cố gắng để anh có thể phô diễn hết kĩ năng của mình bằng kĩ xảo CGI. Tiếc là, mọi chuyện sau đó diễn biến theo hướng không mấy suôn sẻ.

Cụ thể, khi Reed Richards đứng trên sàn nhảy, kéo dài hai tay mình ra cho hai cô nàng vũ công, anh (hay nói đúng hơn là đội ngũ phụ trách CGI của bộ phim) đã vô tình gây ra sự gượng gạo về mặt hình ảnh. Hình ảnh hai cánh tay trông không được thật và thô cứng như vậy (mời bạn xem hình trên) đáng ra không nên xuất hiện trong một bộ phim tầm cỡ như Fantastic Four.

10. Spider-Man 3

Nếu bạn nghĩ rằng một vài cảnh CGI trong bộ phim Venom mới ra mắt gần đây của Sony khá “sần sùi”, thì bạn cũng nên biết rằng đó thật sự đã là một bước tiến lớn trong kĩ xảo. Kể từ khi nhân vật Venom xuất hiện trên màn ảnh rộng lần đầu tiên trong Spider-man 3, khán giả hiếm khi được thấy nhân vật này trong một tạo hình chỉn chu, hoàn thiện.

Lúc đầu, thiết kế Venom của Sam Raimi trông cồng kềnh và cơ bắp hơn nhiều (hình ảnh trông giống như Venom của Tom Hardy sau này). Là một nhân vật được khắc hoạ hoàn toàn bằng CGI, Venom vốn dĩ trông có vẻ bóng bẩy hơn nhiều so với những gì vốn có trong truyện tranh. Song khi Raimi đưa khuôn mặt của Topher Grace vào tổng thể nhân vật, mọi thứ trở nên thô cứng và vô tình gây cười cho khán giả.

Trailer “Spider-Man 3”.

Khoảnh khắc Peter (Tobey Maguire) cố gắng tách Eddie (Topher Grace) ra khỏi Venom trông thật sự rối mắt và khó chấp nhận. Dù cho có hơn một thập kỉ nữa dày công nỗ lực thì việc mang nhân vật này lên màn ảnh rộng bằng công nghệ CGI vẫn là một vấn đề nan giải đối với các nhà làm phim.

9. X-Men Origins: Wolverine

Những bộ phim X-Men trước Wolverine đã sử dụng khá nhiều hiệu ứng để thực tế hóa bộ móng vuốt của Wolverine (Hugh Jackman) trên màn ảnh. Thụt lùi so với đàn anh, X-Men Origins: Wolverine không thể làm được tốt công việc tương tự, và kết quả đáng buồn đã xảy ra, bộ vuốt của Người Sói trong vô cùng ảo diệu ở phần phim này.

Trailer “X-Men Origins: Wolverine”.

Bối cảnh trong phòng tắm của Hugh Jackman là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hỗn độn CGI kể trên. Thời khắc nam người sói phải giả vờ vuốt ve bộ móng của mình trông khá gượng gạo. Sau đó, những tia lửa lóe lên và rồi… “tè le hột me”. Hình ảnh bộ vuốt của Wolverine trông như một mớ kim loại được mô phỏng bằng kĩ xảo một cách thiếu tinh tế khiến kết cấu trông như những mô hình 3D cơ bản được sử dụng vào thập niên 90. Cho những ai chưa biết, thập niên 90 là thời điểm vừa bắt đầu thử nghiệm CGI ở Hollywood.

8. Black Panther

Black Panther có thể nằm trong danh sách những phim hay nhất của năm 2018, đồng thời cũng là một bộ phim siêu anh hùng kinh điển. Nhưng với một vị đạo diễn danh tiếng cùng với chi phí sản xuất lên đến hơn 200 triệu USD, bộ phim vẫn không tránh khỏi những lỗi về kĩ xảo.

Một vài cảnh đáng nói đến như thác nước ở Wakanda, những con tê giác sôi nổi trong cuộc chiến và thậm chí trong trận đánh cuối cùng của T’Challa (Chadwick Boseman)Erik Killmonger (Michael B. Jordan) thật sự khiến dân chúng phẫn nộ.

Trailer “Black Panther”.

Khó tin thay, phần lớn cuộc chiến trông như những khung hình được cắt ghép khá vụng về dẫn đến những vài chi tiết không đúng về mặt vật lí. Chẳng hạn như ánh sáng trong vài phân cảnh trông không được mượt mà như bình thường. Đặt Black Panther cùng những cảnh quay thiếu tinh tế này lên bàn cân, rõ ràng bộ phim vẫn kiến tạo được cho mình những thành tựu đủ nặng để xí xoá đi những hạt sạn nhỏ bé kia. Do đó, bộ phim vẫn có cơ hội được đề cử trong danh sách rút gọn của giải Oscar cho 10 phim có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất.

7. Blade II

Guillermo del Toro là một nhà làm phim tài năng và đầy kinh nghiệm, nhưng Blade II của ông chưa chắc là một đại diện đúng đắn cho những điều đó. Như những cái tên khác trong danh sách này, Blade II vẫn có những lỗi CGI… “đáng chém”.

Lỗi CGI lớn nhất của bộ phim đó là phụ thuộc quá nhiều vào CGI, nhất là trong các chuyển động của nhiều nhân vật. Việc này đã gây ra những khó khăn nhất định về mặt hình ảnh cho cả bộ phim, tỉ như khiến những cảnh hành động trở nên thiếu chân thật.

Chi tiết hơn, cảnh phim Blade (Wesley Snipes) chiến đấu với hai tên lính đánh thuê đáng ra đã trở thành một bữa tiệc mãn nhãn, lại trở thành trò cười cho khán giả. Thần thánh hình ảnh ơi, lại là CGI! Del Toro đã đưa ra quyết định thiếu sáng suốt khi lạm dụng những kĩ xảo hình ảnh để có những cảnh quay này. Bạn sẽ rất ngớ ngẩn nếu như không phát hiện ra những chuyển động cứng nhắc của nhân vật và trong một số khoảnh khắc, các nhân vật bị mất cân bằng về tỷ lệ cơ thể. Đây là một điều đáng tiếc vì cả một cảnh phim đã được dàn dựng khá tốt.

6. Spectre

Bộ phim mở đầu bằng cảnh điệp viên 007 (Daniel Craig) đang ở Mexico City. Đầu xuôi đuôi lọt, nhưng với Spectre, mọi thứ lại không may mắn như thế, nhờ vào những cảnh CGI khai màn.

Lúc 007 đứng trên sân thượng, người xem dễ dàng nhận ra đây Daniel Craig rõ ràng đang đứng trước phông nền xanh, và mọi thứ đã trở nên tệ hơn khi anh bắt đầu di chuyển. Những đống đổ nát trông không tự nhiên một cách trắng trợn và cả hiệu ứng ánh sáng cũng trông không hợp lý nốt. Dù có nhiều dụng ý trong các cảnh phim này, nhưng nhà làm phim lại quên mất việc chính đó là chăm chút về kĩ xảo, khiến mọi thứ trở nên tẻ nhạt hơn bao giờ hết.

5. The Twilight Saga: Breaking Dawn - Part 2

Dù cho tất cả các bộ phim trước thuộc dòng phim Twilight đều có đầy những cảnh CGI ấn tượng, cũng không đồng nghĩa phần cuối cùng cũng sẽ như thế. Phải, Breaking Dawn có thể xem như một nốt trầm về kĩ xảo của thương hiệu phim điện ảnh ma ca rồng lừng danh này, nhất là trong cảnh quay đứa con của Bella (Kristen Stewart) và Edward (Robert Pattinson).

Ban đầu, đứa bé được đội ngũ xây dựng hình ảnh định hướng phát triển theo một chuỗi hoạt họa, nhưng sau đó họ chọn phương án thay đổi chúng bằng những hiệu ứng hình ảnh CGI. Đáng buồn thay, có lẽ do sự thiếu chăm chút của đội ngũ CGI mà đứa bé trông như có làn da phản sáng cùng với một đôi mắt vô hồn.

4. Wonder Woman

Nhiều bộ phim của DCEU cũng mắc phải những lỗi khá đáng tiếc về mặt kĩ xảo. Trận đấu cuối cùng giữa Diana (Gal Gadot) và Ares (David Thewlis) trong Wonder Woman là một ví dụ.

Trailer “Wonder woman”.

Trong cảnh này, hình ảnh khuôn mặt của David Thewlis đằng sau chiếc mũ giáp trông không mấy chân thật và có phần hơi cứng nhắc. Suốt trận chiến, các chuyển động của các nhân vật cũng không thật sự mượt mà. Song những khoảnh khắc trông vô lý về trọng lượng trong vật lý có lẽ có thể bỏ qua vì dù sao đây cũng là cuộc chiến của những vị thần.

3. The Hobbit: The Desolation Of Smaug

Bộ ba phim The Hobbit của Peter Jackon dường như được sản xuất trong sự vội vàng dẫn đến thiếu tinh tế trong việc hậu kì. Nói chính xác hơn, trong bộ phim thứ hai của loạt phim, ngay phút cao trào, Khoảnh khắc Smaug (Benedict Cumberbatch) làm tan chảy bức tượng và gần như bị chôn sống trong một vũng vàng nóng chảy đáng ra phải là là một cảnh tượng tuyệt đẹp. Nhưng do xử lí hiệu ứng cho kim loại vàng thiếu tỉ mỉ mà đội ngũ thực hiện CGI đã làm cảnh phim này mất đi sự hấp dẫn vốn được kì vọng của nó.

Mặc dù lửa mới là yếu tố khó tạo dựng bằng CGI nhưng không phải không có cách để các nhà làm phim làm chủ được sự vật này. Và bộ phim trị giá 200 triệu USD của Peter Jackson lẽ ra cũng chinh phục được thử thách này, tuy nhiên, mọi thứ lại diễn biến theo hướng khá tệ. Thật khó tin khi vị đạo diễn đình đám lại hài lòng về kết quả thế này trong khi các bộ phim trước của ông đều hoàn hảo về mặt kĩ xảo.

2. Justice League

Người hâm mộ chắc chắn biết được rằng công đoạn hậu kì của Justice League gặp khá nhiều khó khăn vì bộ râu của Henry Cavill khi vào vai Superman. Vốn tưởng vai diễn của mình trong siêu phẩm nhà DC đã xong, Henry mới đồng ý kí tiếp hợp đồng với các nhà làm phim của bộ phim Mission Impossible - Fallout, và điều khoản để râu vì vai diễn đã được anh thực hiện. Sau đó, phía DC lại cần Henry trở lại với gương mặt nhẵn bóng như xưa, nhưng mọi chuyện giờ đây thật khó cứu vãn. Dao cạo râu không phải điều đầu tiên các nhà làm phim nghĩ đến, họ chọn CGI để giải quyết khó khăn trước mắt.

Đáng buồn thay, nỗ lực khắc phục hậu quả của dao-cạo-râu-CGI trên khuôn mặt nam diễn viên đã thất bại toàn tập. Trong một vài cảnh, chuyển động cằm của Superman trông rất thô và không thực tế. Rõ ràng, quyết định hợp lí nhất vẫn là đợi cho Henry Cavill hoàn thành bộ phim Mission Impossible rồi sau đó cạo quách bộ râu đi, nhưng các nhà làm phim của Justice League lại không thể đợi được đến lúc đó.

1.The Predator

The Predator của Shane Black là nỗi thất vọng nặng nề ở mọi cấp độ, mặc dù cho đến nay thì đây là bộ phim đắt nhất trong toàn bộ thương hiệu với mức giá 88 triệu USD. Điều ai cũng nhìn thấy đó là hiệu ứng CGI của bộ phim trông kém hơn hẳn so với bản gốc năm 1987.

Công bằng mà nói, bộ phim đã vạch ra cho mình những mục tiêu lớn, song việc thiếu chăm chút về kĩ xảo đã huỷ hoại toàn bộ những con đường dẫn đến đích thành công. Làm cho kẻ hủy diệt cao khoảng 3,35m trông như một sản phẩm độ phân giải thấp, đặc biệt là cảnh chiến đấu sau cùng chính là nguồn cơn của thất bại. Thật sốc khi chi phí sản xuất phần phim này thậm chí cao gấp hai so với phiên bản năm 2010.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hoàng Thông

Được quan tâm

Tin mới nhất