2008 là một năm đáng nhớ của màn ảnh rộng thế giới, với sự xuất hiện của hàng loạt bom tấn hàng đầu, tạo nên những thương hiệu đình đám được tung hô suốt nhiều năm sau. Từ Kung-Fu Panda của hãng Dream Works, tới The Dark Knight của Warner Bros., hay Iron Man - bộ phim khởi đầu cho đế chế Marvel hùng cứ tới tận ngày nay. Nhưng vẫn còn một cái tên khét tiếng khác, một bộ phim đã tạo nên cơn sốt khổng lồ không thể phủ nhận trong giới trẻ, nhưng tới nay, mọi thành tích của nó hầu như đều bị quên lãng hoặc vùi dập, và tên của nó dù có vang lên thì luôn kèm với những cái bĩu môi dè bỉu. Cái tên ấy là Twilight (Chạng Vạng).
Dựa trên cuốn tiểu thuyết tình cảm cùng tên của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer, Twilight xoay quanh nữ sinh trung học Bella Swann, khi cô chuyển tới sống tại một thị trấn âm u mưa gió cùng với bố mình. Ở trường mới, cô bắt gặp bốn anh chị em lập dị thuộc gia đình Cullen, nổi bật nhất là chàng trai lạnh lùng có tên Edward. Bella bị Edward đầy bí ẩn cuốn hút, nhưng cô rốt cuộc phát hiện ra anh là một ma cà rồng đã sống hơn 100 năm. Ngược lại, Edward cũng bị Bella lôi cuốn vì dòng máu của cô có hương thơm đặc biệt, khiến mọi ma cà rồng và nhất là anh lên cơn thèm khát.
Nhìn vào thành công rực rỡ của Twilight, ít ai ngờ rằng khi còn trong giai đoạn sản xuất, đây là một trong những dự án phim “nghèo” nhất lúc bấy giờ. Twilight do Summit Entertainment - một hãng phim nhỏ đơn phương sản xuất. Người cầm trịch nó là Catherine Hardwicke - một nữ đạo diễn chuyên thực hiện các tác phẩm kinh phí thấp nói về tuổi teen, thay vì thể loại bom tấn chiếu rạp hoành tráng. Twilight thậm chí cũng không phải một dự án đặc biệt được hãng phim giao cho Catherine. Trên thực tế, Catherine ban đầu nhận được tới 5 kịch bản phim khác nhau, và Twilight chỉ là một trong số đó.
“Tôi từ chối tất cả, và ném toàn bộ vào sọt rác.” Đạo diễn Catherine nhớ lại, “Nhưng rồi tôi đọc cuốn tiểu thuyết gốc của nhà văn Stephenie Meyer, và câu chuyện tình bi thống trong đó đã làm tôi thấy lý thú. Tôi trở lại Summit và yêu cầu được thực hiện Twilight, nhưng họ phải cho tôi sửa lại kịch bản. Và họ đồng ý.”
Kể từ ngày hôm đó, Catherine bắt đầu tìm kiếm hai nhân vật chính cho bộ phim mới của mình: một cô gái trẻ cùng gã ma cà rồng lạnh lẽo mà cô đem lòng yêu. Vai nữ chính Bella rốt cuộc được giao cho Kristen Stewart, một nữ diễn viên đang lên chuyên đóng các dự án phim độc lập. Về phần nam chính Edward, Catherine để Kristen thử vai cùng 4 anh chàng. Lựa chọn cuối cùng của họ là Robert Pattinson, một diễn viên người Anh gần như vô danh, chỉ được biết đến đôi chút nhờ vai phụ trong Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa (2005).
“Cậu ta gần như đã phá hỏng mọi thứ khi ra mắt hãng Summit ngày hôm sau.” Catherine Hardwicke chia sẻ, “Robert xuất hiện cực kỳ lôi thôi, áo thì nhàu nhĩ và tóc thì bị nhuộm cẩu thả do một vai diễn trước đó. Giám đốc hãng Summit hỏi tôi: 'Anh ta có quyến rũ được không đấy?' và tôi phải ra sức bảo đảm với họ. Thật may là họ đã chịu chọn cậu ta.”
Nhưng đi kèm với cái gật đầu này là một rắc rối còn to hơn. “Chúng tôi chỉ có khoảng 40 triệu USD kinh phí, bao gồm cả tiền mua bản quyền sách và chi phí quảng bá phim khi ra mắt. Đối với phần lớn các phim chiếu rạp, chỉ riêng tiền làm phim đã ở mức đó hoặc nhiều hơn, chứ chưa nói đến quảng bá. Vậy mà vài tuần trước khi phim bấm máy, tôi vẫn nhận được một cuộc gọi từ hãng phim. Họ buộc tôi phải cắt giảm thêm 4 triệu USD khỏi ngân sách, nếu không toàn dự án sẽ bị hủy.”
Catherine Hardwicke đã phải ra sức rà soát lại kịch bản của Twilight, cắt bỏ nhiều cảnh hành động tốn kém, giảm bớt khâu kĩ xảo, làm mọi thứ họ có thể để hạ thấp ngân sách vốn đã rất eo hẹp. Nữ đạo diễn hy vọng khi nhìn kịch bản sửa đổi của bà, các lãnh đạo hãng Summit sẽ nhận ra đòi hỏi quá đáng của họ và cấp đủ vốn liếng trở lại. Nhưng kết quả hoàn toàn ngươc lại. “Họ khen tôi làm rất tốt, và thúc giục tôi bắt tay vào bộ phim. Một người còn nói với tôi rằng Twilight sẽ chỉ kéo được vài trăm cô nàng tỉnh lẻ đến rạp là cùng.”
Tới ngày ra mắt của Twilight, mọi sự coi thường đã tắt lụi khi bộ phim thu về hơn 7 triệu USD chỉ nhờ các suất chiếu sớm. Trong những ngày sau đó, nó trở thành một hiện tượng khi liên tục lập thành tích khủng tại phòng vé, thu về gần 400 triệu USD trên toàn cầu. Không khó để lý giải thành công vượt bậc của bộ phim này. Twilight không chỉ loại trừ nhiều tình tiết sến súa, lê thê trong nguyên tác, mà còn rất thành công khi đan xen chất trẻ trung của phim teen với yếu tố kinh dị và tình cảm.
Màu xanh xám lạnh giá hiện hữu trong gần như mọi cảnh phim, cùng với đó là cách quay cầm tay khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến thể loại phim độc lập (indie) kinh phí thấp, vốn chính là sở trường của đạo diễn Hardwicke. Phần âm nhạc của phim càng tôn thêm sức hút cho nó với những ca khúc chất lừ đến từ Muse, Linking Park, Paramore và nhiều Rock band tài năng khác. Mọi thứ đều tạo cho Twilight một nét “emo” (ảm đạm) rất trẻ trung, rất teen, khiến người xem mê mẩn và tạo nên cơn sốt trên toàn cầu.
Nhưng chính sự nổi tiếng của Twilight cũng trở thành thứ độc dược ăn mòn tương lai của nó. Ngay sau khi phim ra mắt thành công vang dội, hãng Summit lập tức bật đèn xanh cho phần 2 - New Moon (Trăng Non) và yêu cầu đạo diễn Catherine Hardwicke nhanh chóng thực hiện, để kịp ra mắt đúng một năm sau phần đầu. Catherine quyết định từ chối và rời ghế đạo diễn, vì bà không thể và cũng không muốn làm phim gấp gáp chỉ để tranh thủ sức nóng của phần đầu.
Trớ trêu thay, lý do bà đưa ra đã trở thành sự thực ứng với toàn series Twilight Saga. Kể từ Twilight trở đi, không một phần phim nào sau đó có sức hút đặc biệt, hay được đánh giá tốt như phần đầu. Sau khi Catherine Hardwicke ra đi, hãng Summit thay thế bà bằng đạo diễn Chris Weitz, và New Moon dưới sự chỉ đạo của ông trở nên hầm hố, cứng nhắc và thô tục, không giữ lại chút nào chất indie nên thơ của Twilight trước kia.
Những cảnh giao chiến thô bạo giữa ma cà rồng, cùng các phân đoạn, hội thoại gượng gạo cứ thế tiếp diễn trong các phần sau gồm Eclipse (Nhật Thực), Breaking Dawn (Hừng Đông), khiến cho sức hút của loạt phim ngày càng đi xuống. Ngày nay khi nhìn lại, nhiều fan ruột của Twilight Saga cũng phải thừa nhận: thành công series này có được phần lớn đều nhờ dư âm của phần đầu tiên, và nhờ bàn tay đạo diễn tinh tế của Catherine Hardwicke.
Ngày hôm nay 12/12 là kỷ niêm 11 năm ra mắt của Twilight - một bộ phim mang âm hưởng indie tinh tế, một tác phẩm tuổi teen bất hủ. Dù hiện tại có bao nhiêu người cười nhạo, khinh bỉ nó đi chăng nữa, thì không ai có thể phủ nhận cơn sốt toàn cầu mà nó tạo ra, lẫn nhưng ảnh hưởng nó đem lại cho thập niên 2000, một thập niên nổi tiếng với những nét văn hóa trẻ trung và nổi loạn.