Có những chi tiết giống nhau giữa hai bộ phim Titanic và Hotel Mumbai mà chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng đấy. Và trong hôm nay, 107 năm sau thảm hoạ đắm tàu Titanic, chúng ta hãy cùng nhìn lại những tình tiết thú vị về tình người trong hai bộ phim này nhé!
Giới thiệu:
Titanic là bộ phim của đạo diễn tỉ đô James Cameron thực hiện vào năm 1997. Những ai từng sống sót sau sự kiện đắm tàu Titanic - con thuyền được mệnh danh là không bao giờ chìm - khi xem lại bộ phim của James hẳn sẽ vô cùng ấn tượng. Từ những nhân vật lịch sử như thuyền trưởng Edward John Smith, ông bà Isidor Straus và Ida Straus cho đến những khung cảnh lộng lẫy trên con thuyền.
Ngoài ra, chuyện tình lung linh yêu thương và đong đầy nước mắt của Jack (diễn viên Leonardo DiCaprio) và Rose (diễn viên Kate Winslet) cũng khiến không ít người thổn thức. Song, đó chỉ là một phần làm nên sự thành công của Titanic. Bởi lẽ những cảnh quay hoành tráng, những câu chuyện tình lâm li chưa bao giờ thiếu đối với thị trường phim ảnh thế giới. Thứ làm nên sự khác biệt của Titanic chính là những giá trị tốt đẹp của tình người có được sau thảm kịch.
Lại nói về bộ phim đối trọng với Titanic - Hotel Mumbai, bộ phim cũng sở hữu không ít những khoảnh khắc khiến chúng ta phải suy ngẫm. Kể lại kí ức kinh hoàng của rất nhiều những người sống sót sau cuộc tấn công vào Mumbai của một nhóm người theo Hồi giáo cực đoan vào năm 2008, Hotel Mumbai cùng khán giả trải qua mười hai tiếng kinh hoàng của những tiếng súng, tiếng thét, tiếng nấc nghẹn và tiếng chia li. Bộ phim cũng mang những nhân vật có thật, những người đã kiên cường giành lấy cơ hội sống mong manh từ tay những kẻ man rợ, lên màn ảnh một cách chân thật. Chính hoàn cảnh hiểm nghèo ấy đã ánh lên trong mắt những khán giả yêu điện ảnh, yêu hoà bình những giá trị đẹp không thể quên.
Và rồi tại đây, Titanic và Hotel Mumbai vô tình giao với nhau theo hệ quy chiếu: những điều tốt đẹp sẽ luôn được tìm thấy sau những tình cảnh hiểm nghèo.
Phép màu của Thượng đế có thể… sẽ không đến kịp
Kinh hoàng và bi phẫn ra sao khi hai địa điểm sang trọng bậc nhất lại không thể nhận được bất cứ sự trợ giúp khẩn cấp nào từ nơi khác, dù là phía Cục An ninh Ấn Độ đối với trường hợp của Hotel Mumbai hay những chiếc thuyền viễn dương đối với trường hợp của Titanic, khi họ lâm nguy.
Vậy là, ngay trên con tàu đẳng cấp với danh xưng không-thể-đắm, những sự hoang mang dần xuất hiện trên gương mặt của những thuỷ thủ, những nhân viên, sau đó nhanh chóng lan nhanh đến các hành khách, khi nước biển bắt đầu tràn vào các khoang sau cùng. Nước biển càng cuồn cuộn mang những đợt nước lạnh lẽo tràn vào các khoang thuyền, lòng người trên thuyền càng lung lay. Có lẽ chỉ có lúc này, con người mới hiểu thế nào là ý nghĩa đáng quý của sự sống. Bỏ qua những hành động tồi tệ của một vài kẻ giàu có kệch cỡm trên những khoang hạng nhất, chúng ta sẽ thấy hơi ấm của tình người toả ra ở những khoang có vẻ tồi tàn hơn. Tại đó, rất nhiều những người đàn ông đã tìm mọi cách để xoay xở cho mạng sống, không phải của họ, mà của những người phụ nữ yếu đuối và những đứa trẻ đáng yêu.
Thảm sát ở khách sạn Taj Mahal Palace (bối cảnh chính trong bộ phim Hotel Mumbai) cũng bao trùm lên các khách lưu trú và những nhân viên nỗi sợ tột cùng không kém gì những đợt nước nhăm nhe nhấn chìm con tàu Titanic. Mấy ai ngờ được, một khách sạn bề thế và tiện nghi như The Taj, tên gọi khác của khách sạn Taj Mahal Palace, lại bị chiếm đóng và biến thành một điểm khủng bố. Những làn đạn tuôn ra liên hồi như mưa bão đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người.
Vào thời khắc ấy, ai cũng có quyền tranh giành cơ hội để được sống, bởi lẽ không có một lời đảm bảo tính mạng nào còn giá trị nhất là khi đội giải cứu phải mất rất nhiều thời gian để tiếp cận khách sạn. Ấy vậy mà, đã có rất nhiều người đàn ông sẵn sàng che chở cho những người phụ nữ, những đứa trẻ để giành về cho mình sự nguy hiểm. Hình ảnh Vasili (diễn viên Jason Isaacs), một người đàn ông người Pháp có thái độ khá trịch thượng với phụ nữ lúc ban đầu, đã bất chấp tất cả bảo vệ bà mẹ một con Zahra thoát khỏi nòng súng nóng nảy của tay khủng bố trẻ là một ví dụ không thể rõ ràng hơn.
Ở đây, rõ ràng Thượng đế đã không kịp phái những vị thần may mắn xuống để cứu lấy những nạn nhân xấu số. Điều đó đồng nghĩa, mỗi người đều phải đánh vật với số phận để giành lấy cho mình những cơ hội sống sót cuối cùng. Song, những người đã chiến đấu với chính lương tâm của mình và nghịch cảnh ngoài kia một cách khốc liệt, để rồi giành lấy cơ hội được thoát chết đó cho những người yếu đuối và nhỏ bé hơn mới thật cao cả và tuyệt vời làm sao! Họ dường như đã trở thành một phép màu đại diện cho Thượng đế, không phải sao?
Bởi vì khách hàng là Thượng đế…
Đây là tôn chỉ hàng đầu của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, đứng trước ranh giới sống còn, những người gắn liền cuộc đời mình với công việc phục vụ, như những nhân viên khách sạn hay những thuỷ thủ đoàn, có giữ chặt niềm tin này? Câu trả lời sẽ là có, đối với những thuỷ thủ trên con tàu Titanic và những nhân viên của khách sạn Mumbai.
Khoảnh khắc biết được những chiếc xuồng cứu hộ chỉ chở được một nửa số hành khách trên con tàu từng là niềm tự hào của hàng hải nước Anh, các thuỷ thủ cùng thuyền trưởng Smith (diễn viên Bernard Hill) đã làm hết sức có thể để cứu lấy những hành khách của mình, càng nhiều càng tốt. Tuy cách làm của họ có vẻ cực đoan ở chỗ chỉ ưu tiên cho những hành khách ở khoang hạng nhất, nhưng sau đó, nhìn thấy hình ảnh của những hành khách các khoang khác ra sức giành lấy những “tấm vé cuối cùng”, họ đã phải thay đổi suy nghĩ. Từ chỗ chỉ cho khoảng hai mươi vị khách sang trọng lên chiếc thuyền cứu hộ có sức chứa bảy mươi người đàn ông, những thuỷ thủ đã làm mọi cách để đưa thêm những vị khách khác lên thuyền, còn nước còn tát.
Bên cạnh đó, hình ảnh ban nhạc trên tàu cố gắng chơi những bản nhạc du dương để trấn an hành khách cũng là một hình ảnh rực sáng giữa đêm dài lạnh lẽo của Đại Tây Dương lúc ấy. Đôi tay họ có run, run vì lạnh và có lẽ cũng vì sợ, nhưng nghĩ đến sứ mệnh của mình, họ lại dũng cảm kéo lên những khúc nhạc dạt dào cảm xúc vì rõ ràng khi bình minh ló dạng, họ đã không còn cơ hội phục vụ nữa rồi. Và hình ảnh cuối cùng về giá trị của sự phục vụ trong bộ phim Titanic này đó là hình ảnh thuỷ thủ Harold Lowe (diễn viên Ioan Gruffudd), người đã cố gắng đưa một chiếc thuyền cứu hộ (có được nhờ việc dồn những hành khách sống sót vào những vị trí còn thừa trên các thuyền cứu hộ khác) để quay trở lại cứu lấy những hành khách đang thoi thóp giữa biển. Thuỷ thủ Lowe đã ra lệnh cho những người chèo thuyền phải lay từng người một để không bỏ sót một ai, nhờ vậy mà sáu người khác, bao gồm cả Rose đã được cứu sống.
Trở lại với cuộc truy sát ở Mumbai trong khách sạn The Taj; chúng ta có thể đã chứng kiến con số thương vong cao hơn thế nữa nếu như những nhân viên phục vụ tự tìm đường tháo chạy, bỏ lại những du khách giữa cuộc bạo loạn. Và thực tế, họ đã không làm thế. Vị bếp trưởng Oberoi (diễn viên Anupam Kher) và anh phục vụ Arjun (diễn viên Dev Patel) là hai người đồng hành xuyên suốt với những khách hàng của mình.
Câu đầu tiên họ nói với khách hàng luôn là câu trấn an dẫu họ biết thực tế không khả quan như những gì họ đang nói. Arjun còn sẵn sàng dùng chiếc khăn xếp Dastar của mình, biểu tượng của lòng dũng cảm, đức tin cao cả của người dân Ấn Độ, để sơ cứu cho một vị khách đang trong cơn nguy kịch. Hay một nữ nhân viên tiếp tân sau khi biết có khủng bố, đã không rời khỏi vị trí của mình mà ngay lập tức gọi điện lên các phòng cảnh báo cho những vị khách của mình.
Sau đó, khi bị bọn khủng bố ép buộc phải nói dối để chúng tiện bề ra tay với những vị khách vô tội, cô đã chọn cái chết để không kéo dài thời gian sống cho họ. Đối với những nhân viên ở The Taj, được cống hiến, che chở cho những khách hàng là sứ mệnh lớn nhất của họ dù rằng thử thách từ Thần Chết có thể xảy ra và cướp đi sự sống của họ một cách tàn nhẫn. Suy cho cùng, khách hàng vẫn là Thượng đế, dù trong hoàn cảnh nào.
Con cái là món quà tuyệt nhất mà Thượng đế dành tặng cho cha mẹ…
Tình cảm cha mẹ dành cho con cái là thứ tình cảm duy nhất trên cõi đời này không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Vì lẽ đó, khi đặt cha mẹ vào hoàn cảnh hiểm nguy nhất, như việc chuyến tàu họ cùng con cái đang đi bị đắm hay khách sạn cả gia đình đang lưu trú bị khủng bố, họ đều sẽ nghĩ cách để bảo vệ núm ruột của mình, bằng mọi giá.
Đối với Titanic, như đã đề cập ở trên, để có thể có chỗ cho rất nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ trên những chiếc thuyền cứu hộ, người chồng và hơn hết là những người cha đã không ngần ngại hi sinh cơ hội sống của mình. Một trong những khoảnh khắc cao trào của phim đó là cảnh người cha nọ khẽ mỉm cười, một nụ cười ấm hơn bất cứ cái ôm ghì tiễn biệt nào, và bảo với hai cô công chúa nhỏ đang kêu gào, nài nỉ ông hãy lên chiếc thuyền cứu hộ với chúng rằng, cha sẽ lên chiếc kế tiếp ngay đây thôi. Một lời nói rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức trấn an rất lớn. Lũ trẻ ngừng khóc, không biết có phải vì chúng vô tư tin vào lời nói dối trắng (lời nói dối có thiện chí) của ông hay vì chúng biết nếu chúng cứ mãi nỉ non, cha của chúng sẽ không cầm lòng được mà rơi lệ, cha luôn là hình tượng can trường nhất trong lòng chúng ta mà đúng không?. Gia đình nhỏ ấy có lẽ đã không còn trọn vẹn từ đó. Không trọn vẹn vì thiếu vắng hình bóng một người đàn ông nhưng không đồng nghĩa gia đình ấy thiếu đi hơi ấm và sự che chở của một người hùng, người đã bảo vệ đến cùng sự an toàn của những thiên thần bé bỏng.
Còn trong tấn bi kịch ở khách sạn The Taj, một lần nữa chúng ta lại được thấy ánh sáng mãnh liệt của tình cảm cha mẹ dành cho con cái. Khi bọn khủng bố đổ bộ vào khách sạn và nổ những loạt đạn đầu tiên, cặp vợ chồng David (diễn viên Armie Hammer) và Zahra (diễn viên Nazanin Boniadi) đã không khỏi lo lắng rằng có phải họ sẽ mất đi cậu bé Cameron trong tối hôm nay. Thế là bằng bản năng của mình, họ tìm cách đến được chỗ Cameron mặc cho những lời cảnh báo cứ liên tục được lặp lại và những hình ảnh chết chóc đáng sợ cứ diễn ra liên hồi trước mắt. David vì không muốn chỗ trốn của con bị lộ đã chấp nhận sa vào tay bọn khủng bố. Zahra thì chấp nhận rời khỏi nơi ẩn náu an toàn, buông đi một phần cơ hội được sống để tìm lại Cameron, và cô cũng không thoát khỏi sự độc ác của bọn hung tàn. Sau cùng, David đã phải hi sinh dưới họng súng chát chúa và trước hai hàng nước mắt đau đớn của Zahra. Lúc này, quyết tâm được sống và hoàn thành sự phó thác của David với Cameron đã thôi thúc Zahra phải tìm thấy cơ hội từ chính sự yếu đuối của bọn khủng bố. Cô thành công và tìm lại được Cameron.
Khi nhìn những hình ảnh về tình phụ mẫu trên màn ảnh rộng, chúng ta dường như cũng sẽ nhói ở đâu đó trong tim mình vì chợt hiểu ra một điều, nếu sóng gió có bủa vây, nếu thảm kịch có đổ xuống đầu chúng ta, chúng ta sẽ không đau đớn hay buồn lòng đâu vì cha mẹ sẽ luôn ở đó và bảo bọc chúng ta đến cùng. Đặt một câu hỏi với những ai đã làm cha làm mẹ rằng điều gì là quý giá nhất trong suốt cuộc đời quý vị; câu trả lời có lẽ chỉ là hạnh phúc của con cái mà thôi.
Kết:
Không phải ngẫu nhiên mà tiểu đề mục của bài viết này lại nhắc đến từ “Thượng đế” nhiều đến thế. Bởi lẽ hai bộ phim này đã cho chúng ta thấy hiện thân Thượng đế ở nhiều góc độ. Thượng đế có thể là những vị khách hàng mà chúng ta vẫn phải phục vụ mỗi ngày, Thượng đế có thể trong hình hài những đứa trẻ mà chúng ta hằng thương yêu hay Thượng đế có thể là chính bản thân mỗi người.
Với mỗi người, hình ảnh về khái niệm Thượng đế lại khác nhau, nhưng chắc chắn rằng đó đều là những điều đáng quý nhất trong đời họ. Bản thân, khách hàng hay con cái. Và vì thế, trong giây phút sinh tồn, chúng ta hoàn toàn có quyền chọn giữa việc bảo vệ chính mình hay chọn cách che chở cho “Thượng đế” của mình. Điều quan trọng hơn cả chính là chúng ta hãy hành động đẹp nhất cho quyết định của mình, để giá trị về tình người luôn còn mãi, không vì những thảm kịch kinh hoàng mà biến mất.