Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

10 phim dựa trên sự kiện có thật chứng minh 'phượt' không như bạn nghĩ

Du lịch mạo hiểm là "cuộc chơi với tử thần", nơi bạn có thể gặp không ít rủi ro phải đánh đổi bằng sinh mạng. Nhưng trên tất cả, chúng vẫn là cơ hội quý giá để bạn thực sự trải nghiệm thế giới.

Du lịch - hay cao hơn là “chủ nghĩa xê dịch” - là thứ nhu cầu có thực tồn tại trong xã hội chúng ta. Ở Việt Nam, từ vài năm trở lại đây thịnh hành từ “phượt thủ” dành để chỉ những người thích du lịch bụi, ưa khám phá, ưa mạo hiểm… Thế nhưng sau hàng loạt vụ việc tai tiếng, bỗng chốc cái danh “phượt thủ” trở nên xấu xí hẳn trong mắt mọi người. Thậm chí, họ còn bị chỉ trích là những kẻ “thừa hơi, rỗi việc” hay không biết… thương bố mẹ. Nhưng phải là người lỡ mang trong tim niềm đam mê với du lịch mới hiểu, cái cảm giác được lang thang trên một cung đường mới hay chạm đến một đỉnh cao thật tuyệt vời như thế nào.

SaoStar xin giới thiệu tới các bạn 10 bộ phim chủ đề du lịch dựa trên sự kiện có thật để hiểu thêm về tinh thần “xê dịch” cùng những vui buồn, hiểm nguy, thậm chí là máu và sinh mạng để lại trên những cung đường trên khắp thế giới.

10 phim dựa trên sự kiện có thật chứng minh 'phượt' không như bạn nghĩ Ảnh 1

Into the Wild

Đứng đầu trong danh sách những bộ phim hay nhất về đề tài du lịch luôn hiện diện cái tên Into the Wild, bởi tính nhân văn sâu sắc và quan điểm sống mà nó truyền tải vô cùng mạnh mẽ. Phim dựa trên câu chuyện có thật về chàng trai Christopher McCandless, người có một gia cảnh đủ đầy và tương lai xán lạn đã quyết định từ bỏ tất cả, tìm về với miền hoang dã nước Mỹ để khám phá mục đích sống của bản thân. Anh thậm chí đổi tên mình thành Alexander Supertramp, lang thang khắp nơi bằng cách làm thuê và đi nhờ xe, gặp gỡ rất nhiều người và có nhiều cuộc nói chuyện ý nghĩa mà anh đúc kết lại qua những bản ghi chép bằng tay. Cuối cùng, chàng trai qua đời cô độc trong một chiếc xe bus bị bỏ lại nơi vùng Alaska hoang vu.

into-the-wild

Hình ảnh thật về Christopher McCandless bên chiếc xe bus nơi anh sống những ngày tháng cuối đời.

Dù có cái kết buồn, Into the Wild chưa bao giờ là một tác phẩm bi lụy. Trái lại, nó đẹp rực rỡ và tràn đầy sức sống qua những khung hình thiên nhiên hùng vĩ, với những câu chuyện đậm tình người mà Alexander Supertramp gặp trên mỗi nẻo đường anh qua. Và cuối cùng, Into the Wild để lại câu hỏi lớn về giá trị của mạng sống, về nỗi cô đơn hoang hoải của người trẻ trước xã hội tồn tại quá nhiều nhiễu nhương, giả dối.

127 Hours

Không ít người chọn cách du lịch mạo hiểm một mình như là thú vui đặc biệt, và họ đều lường trước cái giá phải trả khi dấn thân vào nơi đồng không mông quạnh mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào. Thế nhưng, câu chuyện của người chuyên chinh phục các hẻm núi Aron Ralston vẫn quá sức kinh hoàng. Trong giây phút sơ suất, anh bị ngã xuống một hẻm núi hoang vu và cánh tay bị kẹt lại giữa tảng đá.

127Hours2

Không có cứu trợ, không báo trước vị trí của mình cho bất kỳ ai, Aron Ralston buộc phải cắt tay để giữ mạng sống.

Trong 127 giờ tuyệt vọng đó, Aron tìm mọi cách để giải phóng bản thân, để nỗ lực sinh tồn và khi gần kiệt sức, nỗi nhớ thương gia đình và khát vọng sống lại bùng lên. Cuối cùng, Aron chọn giải pháp kinh khủng nhưng duy nhất vào lúc đó: tự cắt đi phần tay bị kẹt của mình để thoát ra khỏi hẻm núi. Câu chuyện của Aron về sau trở thành bài học quý giá cho những người đi du lịch một mình.

Kon-Tiki

Kon-Tiki là tên của vị thần Mặt trời và bão tố trong truyền thuyết của người Inca. Năm 1947, nhà dân tộc học Thor Heyerdahl đặt tên cho chiếc bè và đoàn thám hiểm của mình là Kon-Tiki, và nhiệm vụ của họ là chứng minh rằng người Nam Mỹ đã từng cư trú tại vùng tam giác Polynesia (tập hợp hơn 1000 đảo nhỏ nằm ở trung và nam Thái Bình Dương) thời tiền Columbus.

Kon-Tiki

Trên chiếc bè thô sơ, đoàn thám hiểm vượt qua chặng đường không tưởng để chứng minh rằng tổ tiên người Nam Mỹ từng sinh sống tại các quần đảo trên Thái Bình Dương.

Thật khó tin rằng con người cổ đại có thể vượt qua chặng đường 4300 dặm (xấp xỉ 7000km) từ Nam Mỹ tới vùng Polynesia, nên Heyerdahl đã quyết định đóng một chiếc bè thô sơ, cùng với thủy thủ đoàn ít ỏi và thậm chí bản thân ông còn không biết bơi hay lái thuyền, dành 3 tháng trời để đi từ Peru tới Polynesia. Trên hành trình gian nan đến không tưởng này, họ phải vượt qua những cơn bão, đàn cá mập khát máu và vô số thách thức của biển khơi để đặt chân tới đích. Bộ phim đạt doanh thu cao nhất tại Na Uy vào năm 2012 và được đề cử giải Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất cùng năm đó.

Wild

Pacific Crest Trail là tên gọi của cung đường bộ liên kết giữa dãy núi Sierra Nevada và Cascade, nằm cách 100 - 150 dặm về phía đông so với bờ biển Thái Bình Dương của nước Mỹ. Cung đường này dài xấp xỉ 4300km và xuyên qua 7 công viên quốc gia và 25 khu rừng.

reese-wild

Chuyến đi bộ dài hàng nghìn cây số của một người phụ nữ bé nhỏ là câu chuyện truyền cảm hứng.

Năm 1995, Cheryl Strayed (Reese Witherspoon đóng) đã lên đường chinh phục 1770km Pacific Crest Trail sau cú sốc ly hôn. Cô bị lạc nhiều lần trong chuyến đi do thiếu kinh nghiệm, từng gặp nguy hiểm, được giúp đỡ cũng như bị đe dọa, thậm chí có lúc cô phải uống nước từ vũng bùn để sinh tồn. Sau 94 ngày gian khổ, cô đến được Cây cầu của các vị thần trên sông Columbia, kết thúc chuyến đi. Tuy có nhiều lúc suýt đến gần cái chết, hành trình của Cheryl là câu chuyện đầy cảm hứng mãnh liệt về sức mạnh tinh thần của con người, và cách mà những chuyến đi hàn gắn tâm hồn chúng ta như thế nào. Hai nữ diễn viên chính và phụ của phim là Reese Witherspoon và Laura Dern đều được đề cử Oscar vào năm 2015.

Tracks

Du lịch mạo hiểm một mình có phải là thú chơi chỉ dành cho các đấng nam nhi khỏe khoắn? Không hề. Năm 1977, một phụ nữ Australia là Robyn Davidson đã vượt qua quãng đường gần 2800km, qua sa mạc Tây Úc khắc nghiệt chỉ với 4 con lạc đà và 1 chú chó trung thành. Trên hành trình, cô gặp gỡ nhiếp ảnh gia Rick Smolan và có mối quan hệ lãng mạn với anh, trở thành điểm nhấn cho chuyến đi phi thường.

Tracks

“Bỏ lại tất cả phía sau” là lời khuyên của Davidson.

Cho đến nay, Tracks đã và đang truyền cảm hứng lên đường cho hàng trăm nghìn phụ nữ, những người tin rằng “chân yếu tay mềm” không phải là lý do bắt buộc họ phải chôn chân ở nhà. 

On the Road

Jack Kerouac là nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của “thế hệ Beat”, người có lối sống phóng khoáng và được coi là “ông tổ” của trào lưu hippie. On the Road được dựng lên dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông xuất bản năm 1957, lấy cảm hứng từ chuyến đi của Kerouac năm 1940 cùng một số người bạn dọc ngang đất nước Hoa Kỳ. 

On the Road

On the Road là cuộc chơi ngập tràn đam mê tuổi trẻ

Cũng như bản thân Kerouac, hay thế hệ Beat, hay giới trẻ Mỹ thập niên 40, On the Road là bài ca tuổi trẻ lạc lối đắm chìm trong đam mê, mạo hiểm, mất mát, tình dục, rượu thuốc và ma túy. Họ đi không phải để đến, mà là để tìm về, để lấp đầy nỗi trống rỗng trong lòng. Bạn có thể tìm thấy phần nào tinh thần của On the Road trong bộ phim ra mắt sau đó 1 năm - Kill Your Darlings - cũng đề cập tới một số thành viên khác của thế hệ Beat.

Everest

“Nóc nhà thế giới” là “chiếc cúp vàng” tối thượng mà bất kỳ người du lịch mạo hiểm nào cũng mong muốn được chạm tới một lần trong đời. Tuy nhiên, chiều cao kinh hoàng, thời tiết khắc nghiệt cùng muôn vàn hiểm nguy khó lường là lý do khiến con đường lên Everest là ngôi mộ thiên nhiên của không ít nhà thám hiểm xấu số. Một trong những thảm kịch nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 5/1996, khi hai đoàn leo núi của Rob Hall và Scott Fischer bất ngờ gặp bão và khiến một số thành viên tử nạn. 

Everest-Movie

Ngay cả các nhà leo núi chuyên nghiệp cũng có có nguy cơ bỏ mạng trên đường lên đỉnh Everest.

Không giấu giếm hay tô hồng, Everest khắc họa một cách chân thực nhất chuyến hành trình “tìm chết” của các nhà leo núi khi cố gắng chạm tay vào cột mốc 8848m. Ở độ cao này, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thậm chí ngay cả trước khi bạn kịp nhận ra nó. Thế nhưng, điều cuối cùng còn đọng lại trong tâm trí người xem vẫn là tinh thần kiên cường và sống hết mình của các nhà leo núi, dù cho họ không thể sống sót trở về đi chăng nữa.

The Motorcycle Diaries

Không thể nghi ngờ tính biểu tượng và truyền cảm hứng cho giới trẻ của nhà cách mạng Che Guevara, nhưng trước đó, chuyến đi xuyên Nam Mỹ của ông cùng người bạn Alberto Granado khi cả hai mới chỉ là những chàng trai ngoài đôi mươi cũng là câu chuyện thật đẹp. Ban đầu, nó chỉ là cuộc lên đường để khám phá và thỏa mãn tinh thần tuổi trẻ, nhưng những người và cảnh mà Guevara gặp gỡ đã mang tới sự thay đổi nhận thức sâu sắc trong chàng thanh niên. 

motorcycle

Đây không phải chuyến du lịch bình thường mà chính là con đường dẫn tới lý tưởng cách mạng của Che Guevara.

Cũng qua những cung đường ấy, cảnh vật, văn hóa và bản sắc Mỹ Latin hiện lên tràn đầy sức sống, đẹp rạng ngời dù chìm trong nghèo khó và gian lao. Có thể coi The Motorcycle Diaries là hành trình “khai sáng” của Guevara, từ một chàng trai vô tư, sống trong điều kiện thoải mái dần nhận thức được những bất công trong xã hội xung quanh mình.

Seven Years in Tibet

Vùng đất thiêng Tây Tạng với nền văn hóa đặc trưng cùng vị trí địa lý cách biệt không chỉ là thánh địa đối với các tín đồ Phật giáo mà còn là đích đến của không ít nhà du lịch mạo hiểm. Trong 7 năm từ 1944 đến 1951, nhà leo núi người Áo Heinrich Harrer đã ở lại Tây Tạng, chứng kiến những biến động to lớn xảy đến với vùng đất này. 

seven-years-in-tibet-main-review

Nam tài tử Brad Pitt vào vai nhà leo núi Heinrich Harrer.

Mọi chuyện bắt đầu khi Heinrich Harrer (Brad Pitt) và Peter Aufschnaiter (Thewlis) đang leo núi tại một vùng mà ngày nay thuộc Pakistan, thì Chiến tranh thế giới II nổ ra và họ bị bắt giam vào một trại tù dưới chân núi Himalaya. Khi được trả tự do vào năm 1944, cả hai băng qua biên giới, tiến vào Tây Tạng rồi được chào đón ở thủ phủ Lhasa. Ở đây, Harrer được gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma thập tứ khi đó mới chỉ là một cậu bé, và vinh dự trở thành gia sư cho ngài về văn hóa Phương Tây. Sau khi Tây Tạng thuộc về Trung Quốc, Harrer mới lên đường trở lại nước Áo.

Nếu là người hâm mộ nền văn hóa kỳ bí của phương Đông và đặc biệt là vùng đất thiêng Tây Tạng, chắc chắn bạn không thể bỏ qua bộ phim này.

Touching the Void

Không ít người bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, nhưng cũng có nhiều câu chuyện sinh tồn phi thường giữa hoàn cảnh khắc nghiệt của tự nhiên. Touching the Void dựa trên cuốn sách cùng tên của Joe Simpson về trải nghiệm “chạm vào cửa tử” của ông và Simon Yates khi nỗ lực chinh phục đỉnh Siula Grande trên dãy Andes Peru vào năm 1985. 

Trên đường trở xuống, Joe bị thương nặng ở chân nên cả hai quyết định đưa ông xuống bằng dây treo trước khi cơn bão khổng lồ ập tới. Tuy nhiên Joe bị rơi xuống trước, còn Simon lạc mất người bạn do ảnh hưởng của gió bão. Đinh ninh rằng người bạn đã chết, Simon đành cắt dây nối với Joe để tự cứu mình rồi trở về trại. Trong khi đó, Joe - với cái chân bị thương và tình trạng kiệt sức - đã cố bò qua khe núi và sông băng để về trại, chỉ vài giờ trước khi Simon định thu xếp xuống núi.

Joe Simpson

Joe Simpson bị bỏ lại giữa bão tuyết trong tình trạng chấn thương nặng.

Sau khi phim ra mắt, Simon gặp phải chỉ trích của nhiều người khi quyết định cắt dây để tự cứu mình. Tuy nhiên chính Joe lại cho rằng đó là quyết định đúng đắn và luôn bảo vệ người bạn của mình trước công luận. Mặt khác, Touching the Void và câu chuyện sống sót phi thường của Joe được tờ The Guardian đánh giá là “bộ phim tài liệu thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Anh quốc”.

Xem thêm >>> Now You See Me 2 - ‘Ảo diệu’ nhiều hơn là ‘ảo thuật’

‘Warcraft’: Hai thế giới đại chiến, người hâm mộ ‘mát lòng’

‘The Conjuring 2’ - Gần 2 tiếng rưỡi kinh hoàng, nín thở, đau tim và ám ảnh lâu dài

Trước ‘Now You See Me’, ông hoàng Cpop Châu Kiệt Luân đã đóng những phim gì?

Thông điệp của Me Before You - #SốngMạnhMẽ hay #ChếtNhanhHơn?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Huyền

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc