1. Ghost in the Shell (Tháng 3 - 2017)
Một ngôi sao như Scarlett Johansson là minh chứng thứ nhất để Vỏ bọc ma không thể thất bại. Thành công thứ hai là phim được dựa hoàn toàn trên truyện tranh The Ghost in the Shell vốn có lượng fan đông đảo. Giữ được 2 yếu tố này khiến phim chỉ có thể nằm ở mức “hay” hoặc “quá hay” được thôi.
Nào ngờ, việc chuyển thể nội dung và tạo hình nhân vật “giống mà lại không giống” khiến kỳ vọng của người hâm một thể loại hành động viễn tưởng lụi tàn trong chớp mắt. Mặt khác, các diễn biến nội tâm của phim chỉ đẩy lên nửa vời cũng khiến khán giả hụt hẫng.
2. Power Rangers (Tháng 3 - 2017)
Chủ đề Năm anh em siêu nhân luôn nằm trong top những câu chuyện “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”, đặc biệt đối với thế hệ 8x 9x Việt Nam. Phiên bản live-action của siêu nhân biến hình chắn chắn sẽ thu hút được lượng lớn khán giả ở nhiều lứa tuổi.
Thật khó hiểu khi với 100 triệu USD kinh phí đầu tư chỉ mang về 85 triệu USD doanh thu nội địa và 56 triệu USD trên toàn cầu. Sự kết hợp nửa vời giữa “hài hước” và “tăm tối” là nguyên nhân cho cú “ngã ngựa” đau nhất trong các phim được mong chờ đầu năm 2017.
3. King Arthur: Legend of the Sword (Tháng 5 - 2017)
Đạo diễn và biên kịch Guy Ritchie - một tài năng có đến 8 chiến thắng và 10 đề cử từ các liên hoan phim lớn - đã mang một luồng gió mới cho nhân vật Vua Arthur (Charlie Hunnam). Trailer phim cũng được đánh giá mức “xứng đáng ra rạp” bởi các yếu tố: Trang phục, hình ảnh, góc quay và kỹ xảo đều được đánh giá cực cao
Thế nhưng cùng yếu tố sai lịch sử, một lỗi phổ biến khi xây dựng tính cách nhân vật là: Để nhân vật chính nói nhiều quá hết cả thời lượng, khiến phim thất bại nhanh chóng trên sân nhà. Với doanh thu toàn cầu “kiêm tốn” ở 149 triệu USD, phim thua lỗ nặng khi chi phí đầu tư lên đến 175 triệu USD.
4. Alien: Covenat (Tháng 5 - 2017)
Một Alien chính chủ “Ridley Scott”, một Alien dựa trên Prometheus thành công vào năm 2012. Ấy vậy mà “Magneto” Micheal Fassbender dày dạn và Katherne Waterston đang ở đỉnh cao phong độ diễn xuất cũng không lý giải nổi thất bại của phim.
Giới phê bình nhận xét kịch bản thiếu chặt chẽ, thiếu liên kết với bối cảnh của Prometheus làm mất chất “Ridley Scott”. Điểm trừ rất lớn của phim đến từ phần âm nhạc, không chỉ nhàm chán, nhạc phim còn làm mất luôn chất kinh dị của phim.
5. Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales (Tháng 5 - 2017)
Ra mắt vào tháng 5 năm 2017, thời điểm chín muồi cho một bộ phim bom tấn hứa hẹn thu được bạc tỉ. Phim quy tụ đầy đủ dàn diễn viên cũ dày dạn kinh nghiệm, Thuyền trưởng Jack Sparrow (Johnny Depp) vẫn là linh hồn bộ phim.
Thế nhưng một kịch bản hụt hơi, những trò đùa nhạt nhẽo trong phim đã lại một lần nữa kéo chiếc Ngọc trai đen cùng thủy thủ đoàn xuống chất lượng kém hơn cả phần 4. Phim bị “ném cà chua thối” đến mức chỉ còn 30% trên trang chuyên đánh giá phim Rotten Tomatoes.
6. Transformers: The Last Knight (Tháng 6 - 2017)
Một mình một ngựa trong trung tuần tháng 6 không khiến “Hiệp sĩ cuối cùng” ăn điểm với khán giả. Bất mãn về việc phim “nói quá nhiều”, “kỹ xảo chỉ qua loa” khiến một phim giải trí dài 2 tiếng 35 phút dường như thành sự thất vọng bất tận trong rạp.
Trailer “chất lòi” của Tranformers 5 khiến người xem hào hứng biết bao nhiêu thì lại khiến họ tụt cảm xúc bấy nhiêu bởi bao cảnh hành động chỉ toàn “lừa tình”. Bàn tay khói lửa của đạo diễn Michael Bay dường như đã hết “linh” sau 5 phần. Phim hụt hơi đến mức tài tử Mark Wahlberg - Người có doanh thu top khủng Hollywood và cụ Anthony Hopkins cũng không thể cứu được phim.
7. The Mummy (Tháng 6 - 2017)
Đã 10 năm qua, khi lần cuối khán giả được chứng kiến một “Xác ướp Ai Cập” ngoài rạp phim. Chính vì vậy mà The Mummy của diễn viên Tom Cruise lừng danh hứa hẹn sẽ làm “thổn thức” con tim của bao fan dòng phim kinh dị. Đặc biệt, với hứa hẹn phim sẽ là mở đầu cho Dark Universe (Vũ trụ quái vật).
Đáng tiếc lại gây thất vọng trên mọi phương diện. Từ diễn xuất, các cảnh hành động, đánh boss đến logic trong phim đều yếu kém khó hiểu. Với 16% điểm đánh giá từ Rotten Tomatoes và 34 điểm Metascore, phim cầm chắc vài đề cử Mâm xôi vàng.
8. Valerian and the City of Thousand Planets (Tháng 7 - 2017)
Đứa con tinh thần của đạo diễn Luc Besson được kỳ vọng có thể so kè với Avatar. Phải thừa nhận kỹ xảo của phim được xếp hạng “đẹp xuất sắc” cùng đôi diễn viên trẻ Dane Haan và Cara Delevigne diễn xuất tốt.
Tuy nhiên, nội dung kém logic của phim lại một lần nữa chứng minh chân lý: Không phải diễn viên đẹp và nhiều kỹ xảo thì phim sẽ hay. Phim thu về vỏn vẹn 225 triệu USD trong khi chi phí sản xuất lên đến 177 triệu USD, nằm ở mức “may quá không lỗ”.
9. The Dark Tower (Tháng 8 - 2017)
Từ một tiểu thuyết hay của Stephen King, để truyền tải toàn bộ nội dung truyện vào 135 phút phim là điều không dễ dàng. Tác phẩm xuất sắc được dẫn dắt từ hai nam diễn viên từng trải như Matthew McConaghey và Idris Elba lại bất ngờ thất bại.
Nguyên nhân vì mọi hành động đều được kể “tuốt tuồn tuột” trong trailer sẽ khiến Sony cần xem lại khâu sản xuất của mình. 16% điểm số từ Rotten Tomatoes là lời đánh giá chính xác cho một phim đều đều không có điểm nhấn.
10. Justice League (Tháng 11 - 2017)
Không phải một bộ phim quy tụ tất cả các nhân vật hay ho sẽ tạo thành một bộ phim thành công. Bài học từ Suicide Squad năm trước những tưởng đã được Wanner Bross rút kinh nghiệm cho Liên Minh Công Lý.
Thật sự với thành công của Wonder Woman, không có lý do nào để Justice League có thể gây thất vọng được. Đặc biệt với tài năng của đạo diễn Zack Snyder, các fan của DC hoàn toàn có thể yên tâm ra rạp. Nào ngờ một bản công chiếu cắt cúp gần 45 phút so với thời lượng dự kiến của đạo diễn đã khiến phim gây “hụt hẫng” cho khán giả. Những tình huống khó hiểu và thiếu thời gian xây dựng nhân vật khiến phim mất chất “dark and deep” nặng nề.
2018 là một năm hứa hẹn sự xuất hiện của rất nhiều tân binh và cuộc tái chiến của các cựu binh tên tuổi. Hy vọng các nhà làm phim sẽ không làm khán giả thất vọng thêm một lần nữa.