Phượng Hoàng cổ trấn, chốn bồng lai dành cho người phàm

Trần Minh Thư
Chia sẻ

Trải nghiệm hai ngày tại Phượng hoàng cổ trấn (Trung Quốc) - đến cảnh thần tiên, tận hưởng cuộc sống người phàm bình dị, chân chất.

Phượng Hoàng là tên của một trấn cổ ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây là nơi sinh sống của một bộ phận lớn người dân tộc thiểu số. Cổ trấn lưu giữ nhiều dấu ấn lâu đời, nên được mệnh danh là “bảo tàng sống 1.300 tuổi”.

Xuôi theo sông Đà Giang, Phượng Hoàng cổ trấn hiện ra trước mắt đầy mê hoặc. Trấn cổ trải dài hút tầm mắt với những mái ngói cổ âm dương dày dặn, những kí hiệu phù điêu vươn lên đầy kiêu hãnh, những mảng tưởng dài phủ đầy rêu phong giãi dầm gió sương. Đúng như tên gọi Phượng Hoàng, được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh, đi vào thi ca làm xao xuyến lòng người.

Người ta thường dễ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp cổ kính mà kiêu kì của trấn cổ, mà quên đi sự bình lặng ấy nằm ngay trong những khoảnh khắc đời thường giản dị. Đừng vội đặt vé chỉ để đến chụp hình, hãy cân nhắc thử đến việc trải nghiệm trọn vẹn hai ngày cuộc sống giản dị có một không hai tại “tiểu thành đẹp nhất Trung Quốc” này.

Buổi sáng đầu tiên, dậy thật sớm và chạy bộ dọc bờ sông Đà Giang, chắc hẳn cái lạnh tháng mười một sẽ khiến bạn phải rùng mình; nhưng khi mùi không khí trong lành ấy len lỏi qua chiếc khăn bông dày ùa vào mũi, bạn sẽ còn tâm trí đâu mà bận tâm đến cái lạnh nhỏ nhặt ấy nữa.

Phượng Hoàng cổ trấn khi trời còn mờ sương như cô gái khoác chiếc váy lụa trắng, phần chân váy tô điểm bằng bức tranh thủy mặc, ẩn hiện bồng bềnh như tiên cảnh. Chạy bộ xong, ghé bất kỳ một quán mì nào ngay cầu Hồng Kiều, thưởng thức một bát mì xách bò thì còn gì bằng. Quán càng cổ, mì càng ngon. Đây là món ngon nức tiếng tại xứ này, được nấu bằng lá xách bò, ăn giòn giòn, vị cay nồng, ăn đến đâu, ấm bụng đến đó.

Khi trời hửng nắng, xách chiếc máy ảnh lên, lang thang khắp trấn cổ và bắt ngay những khoảnh khắc ấn tượng. Hai em bé đang tranh nhau một xiên kẹo hồ lô, ba bốn đứa trẻ đang nhảy tới nhảy lui trên những bậc đá bắc qua sông những bức tường chi chít đinh, giấy đỏ treo rực một góc trời. Bạn cũng có thể len lỏi vào sạp bán đồ mỹ nghệ hoặc thổ cẩm của dân tộc Thổ, lựa cho mình một chiếc áo, túi, thảm thổ cẩm hoặc những sản phẩm mỹ nghệ bé xinh mang tính đặc trưng vùng miền. Đương nhiên, những sản phẩm dệt từng là cống phẩm tiến vua này, nếu tặng cho bạn bè thì càng trở nên đặc biệt.

Buổi trưa, hãy chọn một gia đình trong vùng và xin được ăn cùng họ bữa cơm trưa. Có thể hương vị những món ăn truyền thống của người dân tộc Miêu, dân tộc Thổ sẽ hơi khác với món ăn của người Hoa bạn thường ăn tại Sài Gòn khiến bạn phải lè lưỡi vì mặn và cay, nhưng đây hẳn sẽ là nét đẹp ẩm thực khó phai khi bạn quay về nhà. Bởi vậy, đã đến trấn cổ, ngại gì không thử?

Buổi chiều, hãy cùng người dân ở đây ra sông giặt quần áo. Nếu như bạn đã quen dần với sự hiện diện của chiếc máy giặt, khi chứng kiến cảnh tượng này, có ai mà không khỏi mắt chữ A miệng chữ O.

Tại Phượng Hoàng cổ trấn, người ta vẫn dùng chày gỗ để giặt quần áo. Các bà các chị rủ nhau ra sông, vừa dùng lực đập quần áo, vừa cười nói hồ hởi. Người dân trấn cổ, tuy tránh xa chốn đèn hoa giăng lối tấp nập, vẫn náo nhiệt, vui vẻ chẳng kém chốn phồn hoa đô thị.

Đến tối, hãy gọi cho mình một nồi lẩu cá cay. Cá được đánh bắt từ sông Đà Giang nên luôn tươi roi rói. Lẩu ăn kèm cơm trắng, uống cùng bia Tsingtao nổi tiếng. Đến đây rồi mà chưa từng hít hà vị cay của lẩu, sao dám nói đã đặt chân lên đất Phượng Hoàng cổ trấn này?

Điểm đến đầu tiên cho buổi sáng ngày thứ hai là quán cà phê nhỏ nằm ngay cạnh sông. Quán khá cổ, hai bên treo hai chiếc lồng đèn đỏ, tương đối yên tĩnh. Gọi một tách cappuchino, nhâm nhi, ngắm cảnh thơ hai bên bờ Đà Giang và thưởng thức món cơm ống tre mua trên đường đi là một gợi ý không tồi.

Thời gian còn lại của buổi sáng, hãy học cách làm củ cái muối gia truyền từ một cụ già lớn tuổi trong vùng. Bạn e ngại sẽ bị từ chối? Không đâu, người dân cổ trấn đều là những con người thân thiện và hiếu khách.

Thậm chí họ sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn cách làm đậu hũ thối đặc trưng nếu bạn muốn. Đậu hũ thối của Hồ Nam thường được ủ lâu hơn so với đậu hũ thối thông thường (ủ khoảng 15 ngày), do đó miếng đậu sẽ mịn và đậm đà hơn. Món này ăn cùng cơm trắng và canh đậu hũ dưa muối quả là mỹ vị trần gian.

Buổi chiều, bạn hãy dành thời gian ngồi trên cầu Hồng Kiều uống chén trà thanh tao, ăn đôi ba cái kẹo gừng và lắng nghe những bài dân ca không tên. Cả trấn cổ cũng như nghiêng mình trầm mặc.

Chiều tắt nắng, hoàng hôn buông xuống, Phượng hoàng cổ trấn như một bức tranh thuỷ mặc. Vẻ đẹp bình dị, khôi nguyên ấy, trái tim nào không thôi thổn thức? Giây phút ấy, chắc chắn bạn sẽ chẳng còn muốn làm gì khác ngoài việc thả hồn theo giai điệu tha thiết, mộc mạc này.

Tối đến, khi tất cả những chiếc lồng đèn đỏ đã được thắp lên, bạn còn chờ gì nữa mà không bước ra khỏi phòng và thưởng thức món vịt hầm tiết nhồi gạo nếp trứ danh. Món ăn này khá cầu kỳ và lạ miệng, phải uống cùng chén rượu nóng mới thêm phần thi vị. Nếm qua rồi hẳn sẽ không bao giờ quên được.

Sau bữa cơm, bạn có thể la cà đôi ba góc phố, tự làm một chiếc đèn hoa đăng thả trôi theo dòng nước hoặc tham gia cùng làm đèn trời với tụi nhỏ. Xong xuôi, về nhà ngủ một giấc thật ngon, kết thúc hai ngày trải nghiệm đầy ý nghĩa.

Người dân Phượng hoàng cổ trấn vẫn lặng lẽ gìn giữ và duy trì những nét đẹp về ẩm thực và văn hóa cổ xưa. Họ như tách biệt hẳn với thế giới hào nhoáng, xô bồ ngoài kia, sống và làm đẹp cho đời theo một cách rất riêng. Đó là chốn trần gian thanh bình, nào phải cõi tiên.

Chia sẻ

Bài viết

Trần Minh Thư

Tin mới nhất