Báo thức nhiều lần
Bạn thường đặt chế độ báo thức sớm nhưng lặp lại vài lần để thỏa mãn giấc ngủ ngon lành thêm vài phút. Thói quen này khiến giấc ngủ bị chia nhỏ, chưa đủ thời gian “sạc” đầy năng lượng đã bị đứt quãng, rồi lại lặp lại chu kỳ ngủ mới nhưng không đủ thời gian hoàn thành.
Việc phớt lờ báo thức nhiều lần cũng sẽ tạo thành thói quen khiến bạn ngủ quên và trễ giờ. Tốt nhất bạn nên đi ngủ sớm hơn và thức dậy vào thời điểm xác định.
Tập thể dục quá nhiều
Điều này sẽ làm cơ thể tiết nhiều hơn hóoc-môn cortisol làm tăng mức độ stress và mất ngủ.
Nếu không phải vận động viên chuyên nghiệp, mỗi buổi tập của bạn chỉ nên kéo dài khoảng khoảng 30 – 60 phút và đều đặn 2-3 lần/tuần. Khi đã luyện tập thành thục, sức bền được nâng cao, bạn mới có thể tăng dần thời gian tập thể dục cho phù hợp.
Không biết từ chối
Là một người luôn chấp nhận các lời mời, tham dự tất tần tật các sự kiện, bạn sẽ càng rước thêm sự mệt mỏi vào người mình. Hãy tặng vé mời xem ca nhạc cho ai đó khi bạn cảm thấy đang mệt, từ chối tham dự tiệc nếu bạn thấy nơi đó không khiến bạn hứng thú…
Nên khéo léo nói lời từ chối thay vì miễn cưỡng tham dự. Thay vào đó hãy tặng cho mình không gian riêng để nghỉ ngơi hợp lý.
Ngủ trưa sai tư thế
Ngủ trưa được xem là cách “sạc” năng lượng hiệu quả của dân văn phòng. Ngủ gục trên bàn, ngủ ngồi tại chỗ, nằm co ro trên ghế… sẽ khiến các cơ xương bị chèn ép, máu lưu thông không tốt gây đau nhức, mệt mỏi khi thức dậy.
Dù chỉ là giấc ngủ ngắn, hãy chọn vị trí ngủ sao cho cơ thể được thả lỏng như trải chiếu trên sàn, mặt bàn, sofa… Xoa bóp, vận động cổ tay, chân nhẹ nhàng khi thức dậy để giải tỏa sự căng thẳng của các cơ bắp.