“Fair trade” có thể được hiểu là buôn bán, giao dịch một cách bình đẳng, công bằng, không có bên nào bắt nạt bên nào. Đây là một trào lưu được nhiều thương hiệu theo đuổi, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn, nhân văn và bền vững. Các sản phẩm muốn gắn nhãn “Fair trade” đều phải được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập. Tổ chức chứng nhận “Fair trade” lớn nhất là Fairtrade Labelling Organization International (FLO), ngoài ra thì còn nhiều tổ chức khác ví dụ như EcoCert Equitable, Fair for Life, WFTO ở châu Âu hay Fair Trade USA ở Mỹ…
Mỗi một tổ chức sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau cho “fair trade”, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm tiêu chuẩn về giá cả (không được ép giá nông dân khi thu mua nguyên liệu), điều kiện lao động (nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em, công nhân làm việc trong môi trường an toàn, có mức lương ổn định), giảm thiểu các khâu mua bán trung gian để tăng lợi nhuận cho người nông dân và giảm giá thành, việc khai thác, sản xuất không làm ảnh hưởng tới môi trường, không dùng hóa chất bị cấm, không dùng thực vật biến đổi gen…
Rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm hiện nay thường có xu hướng kết hợp cả tiêu chuẩn “fair trade” với tiêu chuẩn “organic” (hữu cơ), tạo ra những sản phẩm “sạch” cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Xét một cách thực tế, “fair trade” không giúp làm làn da mái tóc của bạn an toàn hơn. Nhưng một cô gái yêu động vật thì sẽ chẳng muốn dùng một chai sữa tắm thử nghiệm trên thỏ, hay một người thường xuyêntham gia kêu gọi bảo vệ rừng sẽ không muốn dùng dầu gội sử dụng nguyên liệu được khai thác trái phép từ một loài cây sắp tuyệt chủng, phải không?
Vậy là, thay vì băn khoăn không biết phải đóng góp tiền cho tổ chức từ thiện nào, bạn có thể chọn mua các sản phẩm mang nhãn “fair trade” để góp phần tạo công ăn việc làm cho người nông dân nghèo ở một vùng đất nào đó, hoặc đảm bảo giữ sạch môi trường cho thế hệ mai sau.
The Body Shop là một trong những hãng mỹ phẩm đi tiên phong trong công cuộc “fair trade” từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thông qua việc thu mua các nguyên liệu như dầu mè, bơ hạt mỡ, đồ gỗ để massage hoặc túi vải đựng mỹ phẩm ở các nước kém phát triển, họ đầu tư cho những nước này xây dựng trường học, giếng nước, phòng khám, hỗ trợ tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.
Mỹ phẩm Orgins lại có một cách rất khác để thể hiện tính “fair trade”. Tại các cửa hàng của Origins, hệ thống chiếu sáng luôn dùng bóng đèn tiết kiệm điện, sơn trang trí bằng chất liệu ít độc hại. Điều quan trọng là nguồn điện sử dụng trong các nhà máy và nhiều cửa hàng bán lẻ của Origins đều là điện gió chứ không phải điện từ nguồn truyền thống như thủy điện hay nhiệt điện. Công ty mẹ của Origins là Estée Lauder cũng đã tiếp tục phát huy cách làm này cho nhiều thương hiệu con khác, với mục tiêu giảm khí thải carbon dioxide ra môi trường, tạo một chất lượng “xanh” đúng nghĩa hơn cho người sử dụng.
Những tín đồ mỹ phẩm thiên nhiên và handmade chắc chắn sẽ không thể không biết tới cái tên Lush - hãng mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu “tươi” đến mức có thể khiến hạt massage nảy mầm luôn trong ống thoát nước nhà bạn. Lush đã theo đuổi tiêu chuẩn “fair trade” trong 10 năm qua, luôn trực tiếp thu mua nguyên liệu tận nguồn chứ không qua các công ty trung gian để đảm bảo lợi nhuận tốt cho nông dân, đồng thời có thể kiểm soát tốt chất lượng. Không phải 100% nguyên liệu của Lush đều đạt tiêu chuẩn này, nhưng trên nhãn thành phần của Lush sẽ đánh dấu rõ những nguyên liệu nào được thu mua theo đúng chuẩn “fair trade”. Bạn cũng có thể yên tâm rằng toàn bộ các sản phẩm của Lush không hề được thử nghiệm trên động vật.
Dr. Bronner có thể được coi là một trong những thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ được nhiều người dùng ở Việt Nam ưa chuộng mặc dù việc đặt mua chúng không thực sự dễ dàng. Thương hiệu này bắt đầu sử dụng nguyên liệu chuẩn hữu cơ từ năm 2000, với mục đích hỗ trợ ngành nông nghiệp bền vững, không sử dụng phân bón và chất bảo vệ thực vật hóa học. Sau đó, đến năm 2006, hãng bắt đầu tiến tới tiêu chuẩn cao hơn là “fair trade”, chỉ mua nguyên liệu được giao dịch với mức giá có lợi cho người nông dân, hỗ trợ đời sống của các cộng đồng sản xuất chứ không bóc lột họ. Giờ đây, khi mua xà phòng hay dầu gội của Dr. Bronner, bạn sẽ biết rằng mình đang hỗ trợ người dân Sri Lanka (nơi cung cấp dầu dừa), Ghana (dầu cọ), Palestine và Israel (dầu olive), Ấn Độ (dầu bạc hà), Kenya (dầu bơ, dầu dừa, dầu tràm trà), Ecuador (cồn mía) hoặc Zambia (sáp ong).