Che khuyết điểm thực sự có thể cáng đáng hết mọi việc và mở cuộc đời của những cô nàng không tự tin về làn da của mình sang một trang mới. Che khuyết điểm quyền năng đến độ có thể hô biến cho bạn trông có vẻ ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày dù tối qua có lỡ cú đêm đến đâu. Bởi sức mạnh kinh khủng của nó, tất cả mọi người đều cố tình giấu riêng cho mình họ biết rằng họ đang sử dụng concealer loại gì! Chính vì vậy mà trong dân tình không hề lưu truyền cái vụ đánh che khuyết điểm.
Lời của Beauty Columnist: “Bobbi Brown từng nói, concealer chính là bí mật của vũ trụ. Bản thân tôi có thể tự tin ra đường mà không đánh nền, nhưng không thể không kẻ lông mày và che khuyết điểm.”
Color Correcting
Ngoài thể loại concealer màu da (dạng lỏng, sáp, kem, thỏi) thông thường bạn tìm thấy được trong bộ sưu tập trang điểm của hầu hết các cô gái, trên thế gian còn tồn tại thủ thuật chỉnh sửa tông màu da - color correcting. Các tuýp kem color-corrector được sản xuất ở các màu xanh lá cây, tím, cam đào, đỏ và vàng để cân bằng và cải thiện các vấn đề liên quan tới sắc tố da.
Phương pháp color correcting được ra đời dựa trên quy tắc dùng hai màu đối lập trên bánh xe màu để ‘vô hiệu hoá’ nhau:
- Xanh lá cây: Giảm thiểu độ sưng đỏ của mụn trên da nhạy cảm
- Xanh da trời/tím lavender: Dành cho da nhợt nhạt, bị vàng hoặc tái
- Màu hồng/đào: Giúp làn da xanh xao thêm sức sống, che quầng thâm mắt.
- Vàng: Dành cho những bạn có nước da ngăm (màu olive), muốn làm trung tính màu da để dễ lên màu khi trang điểm hoặc che nốt nám, tàn nhang
- Đỏ: Làm đều và ấm màu da dành cho những bạn có làn da tối màu
Color correcting không thể thay thế concealer hay nền, nhưng được xem là một trợ thủ đắc lực của hai bước trên. Bản thân beauty columnist là một người có làn da ngăm bánh mật, cũng đang sử dụng color correcting màu vàng để có lớp trang điểm đẹp hơn.
Concealer: Đúng nơi, đúng cách
Khi lựa chọn concealer, ngoài việc nghiên cứu xem dòng nào hợp với loại da của mình (nhạy cảm, dầu, khô, hỗn hợp), bạn nên chọn concealer có màu sáng hơn da 1-2 tông.
Nếu một ngày tỉnh dậy bạn thấy bọng mắt chảy dài xuống má, hãy thoa concealer theo hình tam giác ngược dưới mắt và tán đều bằng Beauty Blender ẩm hoặc cọ concealer để che lấp quầng thâm. Đối với mụn và thâm mụn, chỉ chấm một lượng nhỏ vừa đủ ở những điểm trên và tán đều. Đừng vì ham lời mà dại dột thoa cho một đống kem che khuyết điểm nha! Bản chất concealer sáng hơn da thật cho nên khi bị dùng quá liều sẽ lập tức ‘phản chủ’ và hại khuôn mặt bạn trông… rộng mênh mông.
Khái niệm “độ đập”
Bạn băn khoăn tại sao cũng là một loại concealer, beauty guru trên Youtube đánh thì đẹp long lanh huyền ảo, còn lên da mình thì loang lổ như bị loạn sắc tố hay bị chứng. Thế rồi lại tự mặc cảm rằng “âu cũng vì da mình xấu hết thuốc chữa rồi”, “da người ta đẹp sẵn thì đánh gì chẳng đẹp”.
Concealer tốt và hợp với loại da, màu da là một chuyện. Nhưng bước thoa và tán kem là một chuyện khác nữa. Mấu chốt ở đây chính là độ ĐẬP. Sở dĩ lại tồn tại khái niệm ‘ĐẬP’ trong phạm trù trang điểm khéo léo và mềm mại vì bạn thật sự phải đập.
Trong quá trình tán kem che khuyết điểm, bạn cần dùng bông mút/cọ/ngón áp út vỗ nhẹ để tán đều. Bằng cách này, concealer sẽ thẩm thấu vào da và giảm thiểu độ loang lỗ không đều màu. Cứ thử cách này xem! Đảm bảo lần sau sẽ không có chuyện bạn bị concealer hại trông như lang ben đâu.
Nghệ thuật “Baking” - “Nướng bánh” trên khuôn mặt
‘Baking’ trong makeup vẫn còn là một thuật ngữ khá mới tại Việt Nam. Bằng chứng là khi tôi tìm tài liệu trong tiếng Việt về nghệ thuật ‘baking’ thì chẳng có kết quả nào cả. ‘Baking’ ma thuật đến độ sẽ cho ra một làn da sáng bừng khoẻ khoắn như có hàng triệu bóng đèn bên dưới. Không nếp nhăn, không lỗ chân lông, không sẹo, không tì vết! Tất cả những gì bạn cần chỉ là một hộp phấn phủ dạng bột, che khuyết điểm và bông mút ẩm.
Bước 1: Sau khi đã thực hiện bước foundation, bạn vẫn che khuyết điểm như thường lệ! Tuy nhiên, lần này hãy thoa một lượng dầy concealer theo hình tam giác ngược ở dưới mắt lên đến thái dương, ở trán, cằm và dọc sóng mũi.
Bước 2: Dùng bông mút ẩm ‘đập’ nhẹ để tán đều concealer.
Bước 3: Vẫn là bông mút ẩm, thoa một lượng phấn phủ dạng bột thật dày lên lớp những vùng bạn vừa đánh concealer. Giữ phấn trên mặt trong vòng 10 phút. Đây là lúc quy trình ‘bake - nướng bánh’ bắt đầu! Nhiệt độ cơ thể sẽ nung chảy lớp foundation, concealer và phấn phủ - giúp chúng thẩm thấu và lấp đầy những nếp nhăn, vết sẹo và bề mặt da không hoàn hảo!
Bước 4: Dùng cọ để phủi sạch lớp phấn phủ còn lại trên khuôn mặt.
Một làn da được ‘bake’ đúng cách sẽ đẹp bền vững đến tận 12 tiếng một ngày. Đây chính là một trong những thủ thuật thông minh nhưng hiếm ai biết. Do đó, hãy ăn mừng đi vì bạn đã bỏ túi được một thứ gì đó cực kỳ hay ho rồi đó!
EDITOR’S CHOICE
1. Primer có tính năng cân bằng màu da: Base Eclat Radiant Primer của Make Up Forever (giá tầm 37 đô la)
2. Concealer mỏng nhẹ, tự nhiên: Blanc De Perle Correcteur của Guerlain (giá khoảng 44 đô la)
3. NARS Radiant Creamy Concealer (29 đô la/thỏi)
Đây chính là Holy Grail của hầu hết tất cả các beauty blogger và Youtubers toàn thế giới!
4. Hoàn hảo để che đốm đen và thâm mụn: Giorgio Armani High Precision Retouch (39 đô la/thỏi)
5. Concealer hoàn hảo cho da khô: Burberry Cashmere Concealer (40 đô la)
6. Phấn phủ drugstore hoàn hảo cho ‘baking’: Coty Airspun Loose Face Powder (7-9 đô la/em)
7. Kiềm dầu vượt trội: Bobbi Brown Sheer Finish Loose Powder (38 đô la/em)