Ngay khi trào lưu vòng tay chạm rốn, trào lưu vòng tay chạm ngực, thử thách xương đòn,… lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ và kể cả những người nổi tiếng đã làm theo và xem đó là một “thước đo” cho cái đẹp của hình thể.
Dù gầy vẫn không chạm nổi rốn!
Theo người mẫu Phan Linh: “Việc tay chạm rốn là chuẩn mực của một cơ thể đẹp là hoàn toàn sai. Linh biết một số bạn dù có thân hình gầy nhưng vẫn không thể chạm nổi rốn. Vì mỗi người có một cơ địa, chiều dài tay chân khác nhau. Việc có một cơ thể đẹp, vòng eo chuẩn không phải cứ cố gắng… ngày ngày lấy tay vòng qua bụng. Để có được vóc dáng đẹp, Linh nghĩ các bạn nên lấy thời gian “thử thách cơ thể” để nỗ lực tập thể dục và có chế độ kết hợp ăn uống và tập luyện nghiêm túc để giúp bạn đẹp hơn mỗi ngày”.
Chỉ là một hiệu ứng!
Theo chia sẻ của anh Trần Minh Vương (làm việc trong ngành Luật) thì những trào lưu thử thách hình thể như vậy không liên quan gì đến hình thể chuẩn hay đẹp. Anh cho biết “Rất nhiều bạn làm được như vậy nhưng có thân hình “cò hương” và ốm yếu, một số bạn còn không chơi thể thao, lười vận động. Hiện tượng nhiều người mẫu và diễn viên cũng làm theo dẫn tới tạo thành trào lưu chỉ đơn giản là một hiệu ứng trên mạng một thời gian và không thể đem ra làm quy chuẩn đúng đắn”.
Không nên làm theo một cách mù quáng
Đã tập qua nhiều môn thể thao và tập gym, yoga,… huấn luyện viên thể hình Đặng Phước Thắng chia sẻ: “Mình thấy rằng , những động tác “chứng tỏ mình dẻo dai” của nhiều bạn trẻ chụp hình lại, có một số cũng giống với những thế yoga. Nếu bạn thành thạo động tác đó từ những thế yoga, từ việc tham gia rèn luyện thể thì hoàn toàn ủng hộ việc bạn “show up” chúng cho mọi người thấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm được những động tác này, xương khớp mỗi người có một độ đàn hồi,co giãn nhất định . Đừng vì học làm theo dẫn tới trẹo cột sống, những thế nguy hiểm như chồng chuối dốc ngược đầu xuống mình thấy có lúc là trào lưu, có thể gây chấn thương vùng cổ , những bạn ít vận động có thể dẫn tới chụt rút những tai nạn gãy xương, tổn thương vùng xương đòn…”. Phước Thắng nhấn mạnh “Hãy thử thách cơ thể mình một cách có hiểu biết”.
Một người có thân hình cân đối có thể tham khảo các chỉ số như:
+ Chỉ số BMI trung bình trong khoảng 18,5 - 23.
+ Các rối loạn dinh dưỡng xảy ra khi BMI dưới 18,5 (tức suy dinh dưỡng).
+ Trên 23 (tức thừa cân - béo phì).
+ Chỉ số vòng eo chia vòng mông. Bình thường sẽ nhỏ hơn 0,95 (đối với nam) và nhỏ hơn 0,85 (đối với nữ) là vừa người.
Tuy nhiên, chỉ số này chỉ mang tính chất tham khảo, nếu có thân hình cân đối, khoẻ mạnh nhưng không thực hiện được các “thử thách hình thể” thì bạn cũng không nên lo lắng. Để có được một thân hình chuẩn không phải là dễ dàng, bạn cần kiểm soát việc ăn uống và thường xuyên vận động một cách khoa học.