Ngày 19/2, Giám đốc sáng tạo Chanel - Karl Lagerfeld qua đời ở tuổi 85. Sự ra đi của nhà thiết kế người Đức nổi tiếng nhất thế giới là cú sốc lớn đối với làng thời trang thế giới.
Trong cuộc đời mình, ông đã cống hiến cho Chanel suốt 36 năm. Từ một thương hiệu đứng trước bờ vực phá sản, Lagerfeld đã vực dậy nhãn hàng này và giúp nó trở thành đối thủ đáng gờm của Louis Vuitton và đế chế Versace. Thế nhưng, ít ai biết rằng Karl Lagerfeld rất ghét việc selfie, điều tưởng chừng có liên quan mật thiết đến thời trang và giới trẻ.
Karl Lagerfeld từng nói như thế này về selfie: “Chụp ảnh selfie là một điều kinh khủng, hình ảnh của bạn bị sẽ bóp méo và không đúng sự thật. Cằm thì quá to, đầu thì quá nhỏ…”
Nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ về quan điểm có phần hơi cực đoan này của nhà thiết kế huyền thoại.Thế nhưng, quan điểm này của ông là vô cùng chính xác.
Đối với những ai chụp ảnh thông thạo và có kiến thức một chút thì sẽ hiểu ngay lý do tại sao lại như vậy. Cụ thể, các camera selfie của smartphone đều có góc chụp rất rộng, vì nhà sản xuất hướng đến việc selfie nhóm và có mặt nhiều người được, để người dùng cảm thấy thoải mái, dễ dàng hơn.
Thế nhưng, camera góc càng rộng thì càng chịu ảnh hưởng mạnh bởi một hiệu ứng quang học: bị làm méo, “bẻ” hình theo chiều từ trung tâm ra ngoài. Vì thế, những gì ở gần cự li với camera nhất, như ảnh selfie là khuôn mặt của người chụp, sẽ bị làm to bè ra về các phía. Do vậy, sẽ chẳng bao giờ bạn thấy các nhiếp ảnh gia chụp chân dung người khác bằng camera góc rộng cả.
Một nguyên cứu từ JAMA Facial Plastic Surgery vào đầu năm 2018 cho thấy, những bức ảnh selfie có khiến mũi của bạn trông to hơn. Thậm chí, nó có thể khiến mũi của bạn to thêm 30% nếu đặt điện thoại ở sai vị trí khi chụp.
Điều đáng nói, sự không chính xác từ camera trên smartphone dẫn đến việc ngày càng nhiều người muốn phẫu thuật mũi để có những bức ảnh selfie đẹp hơn. Chỉ trong năm 2017, có đến 55% các ca phẫu thuật gương mặt vì lý do người dùng muốn trông đẹp hơn khi chụp selfie, theo Học viện phẫu thuật khuôn mặt và phục hồi sau phẫu thuật Mỹ. Con số này tăng 13% so vào năm 2018.