Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Đánh giá - Hướng dẫn

Bí quyết chọn tác phẩm hay giữa 'ma trận' phim chiếu rạp

Đa phần khán giả đều muốn tìm hiểu phim hay hay không trước khi bỏ tiền xem rạp, nhưng họ phải tìm tới kênh đánh giá uy tín nào để có được lựa chọn chính xác?

Nếu như mới chỉ vài năm về trước, xem phim rạp còn là việc “xa xỉ” chỉ dành cho giới trẻ tại các thành phố lớn và biên độ tuổi của khán giả cũng không quá rộng, thì với sự bùng nổ của hàng loạt rạp chiếu mới cùng sự phát triển của điện ảnh toàn cầu, số lượng người đổ ra rạp cũng đông hơn hẳn. Tuy nhiên, giá vé xem một bộ phim cùng với đồ ăn kèm như bỏng (bắp), nước vẫn có thể lên tới vài trăm nghìn, khá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người Việt và càng trở nên giá trị hơn trong thời buổi kinh tế suy giảm.

Điều đó dẫn tới việc các khán giả rất cẩn trọng, “nâng lên đặt xuống” nhiều lần trước khi quyết định bỏ tiền cho một phim rạp nào đó. Vậy, những kênh đánh giá được người Việt tìm tới nhiều nhất là gì?

can-canh-16-tinh-huong-teen-viet-thuong-gap-trong-rap-chieu-phim

Rất nhiều người Việt phải đắn đo để không gặp tình trạng “khóc dở mếu dở” vì lỡ mua vé một phim không đúng ý (Hình ảnh mang tính minh họa).

Các trang chấm điểm nước ngoài

Hiện tại, đa phần phim chiếu rạp vẫn có nguồn gốc từ nước ngoài: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp… vì số lượng phim Việt được sản xuất còn ít ỏi. Bởi vậy khán giả thường tìm đến các trang đánh giá phim quốc tế để tham khảo. Quen thuộc nhất trong số này phải kể đến IMDbRotten Tomatoes

IMDb là một thư viện trực tuyến lưu trữ thông tin của hàng triệu bộ phim từ điện ảnh đến truyền hình, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bạn có thể dễ dàng truy cứu thông tin chi tiết về bất cứ bộ phim nào ở đây, bao gồm hãng sản xuất, đạo diễn, diễn viên, thông số kỹ thuật… và quan trọng nhất là điểm số và bình luận do người dùng để lại.

Ngay sau khi phim công chiếu, bất cứ ai cũng có thể vào đây để chấm điểm cho phim theo thang điểm từ 1 đến 10. Sau đó, điểm số trung bình cộng sẽ được hiện lên ngay đầu trang, giúp người xem dễ dàng biết được đánh giá của cộng đồng đối với bộ phim này. Ngoài ra, bạn cũng có thể viết bình luận đi kèm, nêu ra những ý kiến của mình để giúp những khán giả khác hiểu rõ hơn về phim.

FireShot Capture 734 - Star Wars_ The Force Awakens (2015) -_ - http___www.imdb.com_title_tt2488496_

Giao diện của trang IMDb

Có cách hoạt động hơi khác so với IMDb, Rotten Tomatoes là nơi tập hợp ý kiến đánh giá của các “chuyên gia” về phim. Người đọc bình thường sẽ không can thiệp được vào điểm số chính của phim mà chỉ được bình chọn “muốn xem” đến mức độ nào. Còn để trở thành “chuyên gia” do Rotten Tomatoes chứng nhận, bạn phải có những bài phê bình được cộng đồng đánh giá cao.

Bởi vậy, đa phần “chuyên gia” đang hoạt động trên Rotten Tomatoes cũng chính là nhà báo chuyên nghiệp. Vì vậy mà điểm số của Rotten Tomatoes được cho là chặt chẽ, khắt khe và đáng tin hơn IMDb

FireShot Capture 733 - Star Wars_ Episode VII - The Force Aw_ - http___www.rottentomatoes.com_m_st

Giao diện của Rotten Tomatoes

Tuy nhiên, hai trang này đều tồn tại điểm yếu đến từ chính phương thức hoạt động của chúng. Ví dụ như nhiều phim thấp điểm trên IMDb là do không đáp ứng được gu của số đông chứ không phải do bản thân phim dở. Ngược lại, có những phim được chấm điểm cao chót vót nhưng chất lượng lại không tương xứng.

Tương tự, có nhiều phim bị Rotten Tomatoes chấm rất thấp cùng hàng loạt bình luận tiêu cực nhưng lại rất thành công về doanh thu, được công chúng ủng hộ. Vì thế nếu bạn chỉ xem phim dựa trên đánh giá của IMDb hoặc Rotten Tomatoes, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ nhiều tác phẩm hay.

Đừng quá tin tưởng vào điểm số của người khác.

Một hạn chế rất lớn nữa là hai trang này chủ yếu đánh giá phim nước ngoài còn phim Việt Nam thì hầu như không có (trừ những phim được đem đi phát hành ở nước ngoài) nên không phải kênh thích hợp hoàn toàn với khán giả trong nước.

Báo chí và truyền thông 

Lợi thế của kênh tin tức này là chúng sẽ chủ động tiếp cận bạn càng nhiều càng tốt chứ không đợi bạn phải đi tìm kiếm. Thông thường, mỗi khi một bộ phim chuẩn bị ra mắt, các nhà sản xuất sẽ gửi thông cáo chi tiết tới báo chí và thậm chí còn tổ chức những suất chiếu sớm phục vụ nhóm đối tượng này.

Hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhà báo là những người đầu tiên được xem một bộ phim mới chỉ sau ekip sản xuất. Sau đó, họ sẽ viết những bài đánh giá, bình luận của riêng mình về phim để độc giả tham khảo.

CWWQR5jWcAAYvZf

Bạn có thể tham khảo nhiều thông tin giá trị trên báo chí, nhưng không phải lúc nào chúng cũng công minh.

Các nhà báo chuyên đánh giá phim thường là những người yêu phim ảnh và có khả năng phân tích khá tốt một tác phẩm dưới góc độ chuyên gia. Các bạn sẽ được cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến ekip làm phim, dàn diễn viên, lịch sử dòng phim (nếu có), những cảnh quay đặc biệt, ý nghĩa của từng chi tiết và một đánh giá tổng thể khá chính xác. 

Thế nhưng, những bài bình của báo chí thường hay bị ảnh hưởng bởi nhà sản xuất và phát hành phim. Họ có thể lợi dụng những mối quan hệ quen biết hay thậm chí là quyền lực, để tác động lên sự khách quan của các bài bình phim. Điều đó dẫn tới tình trạng khen chê không chính xác hoặc chỉ viết chung chung, không mang lại những ý kiến cụ thể thỏa mãn độc giả. Bởi vậy, bạn nên lựa chọn kỹ những trang báo uy tín để đọc nhận xét của họ.

Những lời truyền miệng

Một yếu tố không thể thiếu sau khi phim ra mắt là những bàn luận, đánh giá của chính công chúng. Dù cho phim được IMDb, Rotten Tomatoes và báo chí khen ngợi, nó vẫn khó có thể thành công nếu những người xem đầu tiên đồng loạt chê bai. Người xem có xu hướng tin tưởng số đông và những người xem khác hơn là giới chuyên gia, vì vậy câu hỏi thường xuyên nhất trên bất cứ diễn đàn nào có nhắc tới một bộ phim là: “Ai xem rồi thì cho mình đánh giá với?”. 

xxx

“Truyền miệng” được coi là phương pháp marketing hiệu quả và tương đối trung thực. Nhiều bộ phim ra rạp lặng lẽ hoặc không được quảng bá nhiều nhưng lại bất ngờ bùng nổ doanh thu nhờ hiệu ứng truyền miệng, như “quả bom” mang tên Lật mặt vừa qua.

Thế nhưng, cũng giống IMDb, điểm yếu của kênh đánh giá này là không mấy chính xác với những thể loại phim kén người xem, phim nghệ thuật. Khán giả đại chúng sẽ không mấy mặn mà với dòng phim này, thậm chí họ có thể đưa ra nhiều bình luận tiêu cực như “phim dở tệ”, “chán đến buồn ngủ”, “phí tiền”, “đừng ra rạp xem phim này”…

Nhất là ở nước ta, trình độ thưởng thức nghệ thuật của người dân đa phần vẫn khá là đơn giản thì “truyền miệng” có vẻ không mấy giá trị nếu bạn là người yêu thích những bộ phim phức tạp, có chiều sâu.

Đánh giá nghiệp dư trên mạng

Hiện nay, với sự bùng nổ của mạng internet và những trang cá nhân như Twitter, WordPress, Tumblr và đặc biệt là Facebook, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng truyền tải ý kiến cá nhân của mình đến hàng triệu người khác. Ngay từ thời Blog 360 còn tồn tại, đã xuất hiện không ít “nhà bình phim” nghiệp dư - chủ yếu là khán giả yêu điện ảnh và có khả năng viết lách - với nhiều bài bình luận rất tâm huyết, cặn kẽ và được nhiều người yêu thích.

Trong lúc rạp chiếu còn ít, phim nước ngoài chưa được nhập nhiều, phim trong nước không mấy hấp dẫn và thông tin phim ảnh chủ yếu bằng tiếng Anh, thì những bài bình luận từ nhóm này đã giúp phổ biến kiến thức điện ảnh chuyên sâu tới độc giả. Trang blog cá nhân của họ hay những forum có họ tham gia đều biến thành diễn đàn bàn luận phim khá rôm rả. 

FireShot Capture 741 - Krad's World - Review_ - https___www.facebook.com_kradopini

Một bài bình phim trên mạng.

Ngày nay, khi mỗi người đều sở hữu một trang cá nhân riêng thì số lượng bình luận viên nghiệp dư ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, chỉ những người viết về phim thường xuyên, văn phong hấp dẫn và uy tín nhất định mới chiếm được sự ủng hộ của độc giả. Có nhiều khán giả tin tưởng vào những bài bình này tới mức, họ chỉ đi xem nếu thấy người viết khen hay.

Thế nhưng, cũng chính do sự bùng nổ về số lượng và sự dễ dàng để “nổi tiếng” mà giới bình luận phim hiện nay xảy ra tình trạng “thượng vàng hạ cám” lẫn lộn. Không phải ai cũng đủ tinh tế và kiến thức để cảm nhận phim, thậm chí một số người mang danh “bình luận tự do” nhưng thực tế lại được các rạp, nhà sản xuất hay diễn viên nhờ cậy, trả tiền để viết.

Trên tất cả, đây chỉ là những ý kiến xuất phát từ một cá nhân nhất định, không phải lúc nào cũng đúng. Vì thế khán giả cần cân nhắc đến sự chính xác và công tâm mỗi khi đọc bình luận phim trên mạng.

Đó chỉ là ý kiến của một cá nhân, không thể đại diện cho tất cả.

Giải thưởng

Đây là tiêu chí đánh giá có độ tin cậy cực cao, nhất là đối với dòng phim nghệ thuật đầu tư vào chất lượng. Mỗi năm, trên khắp thế giới có hàng trăm liên hoan phim, giải thưởng lớn nhỏ dành cho điện ảnh. Nổi tiếng nhất phải kể đến chính là giải Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ danh giá, được trao vào khoảng tháng 2 hàng năm.

Ngoài ra còn có các giải uy tín không kém như Quả cầu vàng của Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Hollywood, giải Cành cọ vàng được Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes (Pháp) trao, giải Sư tử vàng do Ban giám khảo Liên hoan phim Venice (Ý) trao, giải Liên hoan phim Sundance dành cho dòng phim độc lập, tư nhân và giải thưởng của Hội phê bình phim New York…

Ở châu Á cũng có những giải thưởng uy tín như giải Kim Mã (Đài Loan), Chuông Vàng và Rồng Xanh (Hàn Quốc), Kim Tử Kinh của Hiệp hội phê bình phim Hong Kong, giải Kim Kê (Trung Quốc), Ruy băng xanh (Nhật Bản)… Đánh giá của những nhà phê bình hàng đầu tại Liên hoan phim chính là thang đo chính xác nhất cho chất lượng của một bộ phim.

CHU_9632

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đại thắng tại Liên hoan phim Việt Nam XIX.

Tuy vậy, những bộ phim này lại vấp phải sự “lạnh nhạt” của khán giả đại chúng vì họ cho rằng, các chuyên gia chỉ thích dạng phim “xoắn não”, khó hiểu, phức tạp và buồn chán, ít mang tính giải trí. Mặt khác, khán giả Việt Nam cũng gặp thiệt thòi lớn là giải Cánh diều vàng của chúng ta chỉ trao mỗi hai năm một lần, nên tính thời sự không được cao và chỉ mang tính chất tổng kết chứ không giới thiệu phim mới đến công chúng. 

Kết

Trong thời đại mà mọi thông tin đều tràn ngập và nhiễu loạn, bạn cần phải là “người tiêu dùng thông thái” trước khi đưa ra quyết định bỏ tiền cho bất kỳ thứ gì, nhất là một sản phẩm văn hóa - giải trí như phim ảnh. Tham khảo tất cả những kênh thông tin có thể sẽ giúp bạn có được lựa chọn sáng suốt.

Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng cần tự quyết định bằng chính cảm nhận của mình để không bỏ lỡ một bộ phim hay, dù rằng mọi người xung quanh có không thích nó đi chăng nữa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
VietNam Future Fashion Show - MoonLight: Một Đêm Thời Trang Thăng Hoa