Theo báo cáo minh bạch vừa được Google công bố mới đây, số lượng video vi phạm nguyên tắc cộng đồng đã bị nền tảng này gỡ bỏ trong Quý 3/2020 là hơn 7,8 triệu video, giảm từ 11,4 triệu video so với quý trước.
Trong đó, có hơn 7,39 triệu video bị YouTube xóa bỏ dựa vào AI (trí thông minh nhân tạo), chỉ có 480.102 video bị xóa bỏ do người dùng gắn cờ báo cáo.
Trong Quý 3 vừa qua, YouTube cũng đã xóa bỏ rất nhiều những video có nội dung spam hoặc gây hiểu nhầm và những video có nội dung 18 với lần lượt là 25,5% và 20% trên tổng số lượng video đã bị xóa.
Xem thêm: Đây là tin rất vui cho những người dùng iPhone đời cũ
Theo báo cáo minh bạch của Google, Mỹ và Ấn Độ vẫn là hai quốc gia có số lượng video vi phạm Nguyên tắc cộng đồng của YouTube nhiều nhất với lần lượt là hơn 1,462 triệu và 1,147 triệu video bị xóa.
Việt Nam cũng đã lọt vào danh sách Top 10 quốc gia có số lượng video bị xóa nhiều nhất và xếp ở vị trí thứ 9 với 173.247 video bị xóa.
Ngoài ra, báo cáo minh bạch của YouTube cũng cho thấy kênh video lớn nhất thế giới này cũng đã phải xóa bỏ hơn 1,14 tỉ bình luận được xác nhận là spam và đến 99,6% bình luận spam bị xóa đều do AI phát hiện.
Tuy vậy, số lượng kênh bị xóa trong hai quý gần nhất lại không có thay đổi đáng kể, tương ứng là gần 2 triệu và 1,8 triệu kênh.
Mặc dù bị gỡ bỏ, YouTube vẫn cho các chủ kênh cơ hội kháng nghị trong vòng 30 ngày kể từ lúc nhận trát phạt. Theo đó, trong quý có 209,926 video kháng cáo nhưng chỉ có 82,144 video được phục hồi thành công.
Theo Bộ TT&TT, ở Việt Nam, hiện có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, trong đó khoảng 350 kênh có doanh thu lớn, từ 1 triệu người đăng ký theo dõi kênh trở lên.
Tuy nhiên, chỉ có 30%, tức là khoảng 5.000 kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam.
Điều này khiến cho các kênh nằm ngoài sự quản lý thoải mái "tung hoành" với việc đăng tải những nội dung không phù hợp với cộng đồng và độ tuổi. Từ đó dẫn đến rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra do học theo các "trò" trên mạng.
Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Google xem xét, yêu cầu các kênh YouTube bật nút kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam để đảm bảo việc quản lý.
Ngoài biện pháp mạnh tay nhất là chặn tiền quảng cáo và gỡ bỏ kênh YouTube, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Google tăng cường công cụ lọc để chủ động rà soát, ngăn chặn.
Xem thêm: 10 Nhà sáng tạo YouTube Việt Nam nổi bật năm 2020: Độ Mixi bất ngờ đứng đầu tiên!