Bà Tân Vlog đang là một trong những kênh YouTube hot nhất thời điểm hiện tại. Từ một người phụ nữ thôn quê, bà Tân đã trở thành hiện tượng Internet Việt Nam khi chạm tay vào nút vàng danh giá của YouTube trong khoảng thời gian chỉ 20 ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, kênh YouTube Bà Tân Vlog đang có gần 3 triệu người nhấn subscribe.
Với sức hút “siêu to, khổng lồ” như hiện nay, không có gì lạ khi mà từ khóa “Bà Tân Vlog” bỗng chốc được dân tình quan tâm và tìm kiếm nhiều hơn bao giờ hết. Lợi dụng điều này, các tài khoản giả mạo bà Tân đã xuất hiện ồ ạt trên YouTube và Facebook để trục lợi những fan nhẹ dạ.
Theo đó, khi bạn nhập từ khoá “Bà Tân Vlog” vào ô tìm kiếm trên Facebook thì sẽ nhận được kết quả là hàng loạt các fanpage, trang cá nhân tương tự nhau, lấy tên và hình ảnh của bà Tân làm ảnh đại diện. Đáng chú ý, những tài khoản giả mạo này còn sao chép y như đúc các thông tin được Bà Tân Vlog đăng tải trên Facebook chính chủ của mình. Thế nên, chẳng có gì lạ khi các Facebook cá nhân, fanpage giả mạo bà Tân này thu về được hàng chục ngàn lượt theo dõi.
Thử truy cập một fanpage giả mạo bà Tân có số lượng followers hơn 11.000 người, Saostar nhận thấy các bài đăng trên các khoản giả mạo này chủ yếu là hình ảnh, các video được re-up từ kênh YouTube chính chủ của Bà Tân Vlog. Ngoài việc liên tục chia sẻ hình ảnh, trạng thái, liên kết báo chí liên quan đến bà Tân, fanpage này còn đăng không ít những video, hình ảnh phản cảm để câu like, đồng thời không quên kêu gọi mọi người thích trang, hay thậm chí là trục lợi bằng cách đăng các bài mua bán điện thoại.
Thực tế, việc giả mạo tài khoản Facebook của người nổi tiếng không còn là điều xa lạ đối với cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam. Khi đạt được lượng người theo dõi nhất định, những fanpage này sẽ đổi tên để thực hiện cho hoạt động kinh doanh, mua bán online của mình. Nếu không trực tiếp sử dụng, những fanpage có nhiều lượt theo dõi này cũng có thể được bán lại với giá nhiều triệu đồng.
Về mặt pháp luật, chiếu theo điểm d khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP trong Luật Công nghệ thông tin, việc giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng có mức phạt tương tự.
Tùy vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm từ việc giả mạo Facebook, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ truy cứu theo tội danh khác trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Ví dụ, nếu sử dụng Facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS, hình phạt tối đa ba năm tù. Ngoài ra, nếu sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thì có thể bị phạt tối đa bảy năm tù theo Điều 226 BLHS.
Về phía người dùng, các bạn cần nên tỉnh táo, để ý kỹ thời gian lập Facebook và theo dõi các bài viết đăng tải trước đó của tài khoản để xác định đâu là tài khoản thật và đâu là giả mạo nhằm tránh bị dắt mũi trên mạng. Ở thời điểm hiện tại, Facebook chính chủ của Bà Tân Vlog đã được cấp “tick xanh”, dấu xác minh tài khoản thật của Facebook để người hâm mộ có thể phân biệt với các trang giả mạo.