Ở thời điểm hiện tại, “Về nhà đi con” có lẽ là một trong những từ khoá được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội. Với nội dung hấp dẫn, chân thực và nhiều câu thoại ấn tượng, “Về nhà đi con” có thể nói càng về cuối càng hay. Dù vậy, người xem cũng không thể không cảm thấy khó chịu về tần suất quảng cáo quá nhiều của bộ phim này. Theo đó, nếu như thời lượng phim mỗi tối là khoảng 30 phút thì trên dưới 10 phút đã được dành cho quảng cáo.
Nói như cách của Ánh Dương thì, “Thanh xuân như một ly trà, chờ xem quảng cáo, hết ** thanh xuân.” Một khán giả khác lại hóm hỉnh chia sẻ rằng, “đang đến đoạn hấp dẫn, xúc động chuẩn bị rơi nước mắt thì bị tụt cảm xúc vì quảng cáo.” Không thể phủ nhận “Về nhà đi con” có rất nhiều quảng cáo. Dù vậy, người xem nên thông cảm với nhà đài vì thực tế này.
Đối với các nhà đài, quảng cáo luôn là một trong những nguồn thu chủ yếu giúp duy trì vận hành. Thực tế, bạn đang được xem những bộ phim hấp dẫn như “Về nhà đi con” trên sóng truyền hình hoàn toàn miễn phí. Vì thế, việc “chấp nhận” quảng cáo chính là một cách để nhà đài có thêm kinh phí đầu tư vào các nội dung phim.
Nó cũng tương tự như cách bạn đọc báo trên Internet hay sử dụng mạng xã hội. Đối với trường hợp của Facebook, một trong những khẩu hiệu của mạng xã hội này “miễn phí và luôn như thế.” Tuy nhiên, Facebook không thực sự miễn phí bởi đánh đối cho điều này là các dữ liệu cá nhân của bạn được lưu trữ để phục vụ cho các mục đích quảng cáo.
Đối với câu chuyện truyền hình, một bộ phim càng có nhiều người xem thì việc nhà đài càng phát nhiều quảng cáo cũng là chuyện dễ hiểu. Quy luật này cũng chỉnh xác y như quy luật cung cầu trên thị trường, một mặt hàng càng được yêu thích, đơn vị sản xuất sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nó để tăng doanh thu. Nhà đài không hề tham lam như chúng ta nghĩ, họ chỉ đang tối ưu hoá doanh thu có thể thu về từ một bộ phim, cũng giống như một phương án kinh doanh trên thị trường vậy.