CNN đưa tin, công ty Nhật Bản có tên Sky Drive Inc. đã thử nghiệm thành công mẫu xe bay của mình vào hôm 25/8 vừa qua tại Toyota Test Field, một trong những trung tâm thử nghiệm lớn nhất Nhật Bản và là nơi Toyota thực hiện nhiều công tác phát triển sản phẩm.
Cảnh tượng một chiếc ô tô có thể cất cánh bay trên không trung, như một phân cảnh trong các bộ phim viễn tưởng, đã khiến nhiều người vô cùng thích thú. Đây có thể nói là dấu ấn mới đáng mừng của ngành sản xuất ô tô.
“Chúng tôi muốn hiện thực hoá một xã hội nơi xe bay là có thể tiếp cận được và trở thành một phương tiện giao thông tiện ích trên trời. Người dùng cũng có thể trải nghiệm một lối sống an toàn, bảo mật và thoải mái,” CEO của Sky Drive Inc., ông Tomohiro Fukuzawa, chia sẻ với báo giới.
Tuy nhiên, liệu ô tô bay có thể phát triển và chiếm lĩnh được thị trường tương lai?
Lịch sử ra đời của ô tô bay
Tờ Naijatechnews dẫn nguồn một số ghi chép cho biết, ngay từ năm 1917, G. Curtiss, người được mệnh danh là "cha đẻ của ô tô bay", đã phát minh ra chiếc ô tô bay đầu tiên trên thế giới có tên là Autoplane. Tuy nhiên, do hạn chế bởi trình độ công nghệ lúc bấy giờ, Autoplane chỉ bay được một đoạn ngắn.
Dẫu vậy, điều này đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà phát minh sau này. Chẳng hạn như vào năm 1937, Waldo Waterman cũng đã thử chế tạo một chiếc xe bay tên là Arrowbiled, nhưng cuối cùng đã thất bại.
Đến năm 1946, một kỹ sư tên là Robert Fulton đã phát minh ra một chiếc xe bay có tên gọi là Airphibian, với phần cánh và đuôi có thể tháo rời cùng cánh quạt lồng vào thân xe.
Airphibian được Cục Hàng không Dân dụng Mỹ chứng nhận khi có thể bay thành công với tốc độ 190 km/h và cũng có thể chạy bình thường với tốc độ 80 km/h trên mặt đất. Tuy nhiên, giá thành đắt đỏ đã khiến chiếc xe bày không thể trở thành một phương tiện phổ biến.
Đến năm 1949, chiếc ô tô bay có tên là Aerocar được kỹ sư người Mỹ Moulton Taylor sáng chế đã được thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, chỉ có 6 chiếc ô tô bay Aerocar được sản xuất.
Những năm tiếp theo, các phiên bản ô tô bay khác cũng đã lần lượt ra đời nhưng chưa thể trở nên phổ biến.
Nhiều tiềm năng phát triển, nhưng tương lai còn bỏ ngỏ
Bên cạnh các thương hiệu sản xuất ô tô, có những nhà sản xuất máy bay cũng đang đầu tư vào ô tô bay. Chẳng hạn vào năm 2018, Boeing đã mua lại công ty công nghệ hàng không Aurora Flight Sciences, thành lập bộ phận Boeing Next và thông báo khởi động lại kế hoạch ô tô bay.
Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng như Intel (Mỹ), Toyota (Nhật), Volkswagen (Đức), PAL-V (Hà Lan) và EHang (Trung Quốc),... đều đang khám phá lĩnh vực này.
Tuy nhiên, liệu ô tô bay có thể phát triển và chiếm lĩnh được thị trường tương lai hay không thì còn là vấn đề chưa có lời giải đáp.
Trong một báo cáo được đăng tải trên bởi công ty tư vấn công nghệ toàn cầu Gartner, hai nhà phân tích của Gartner là Kimberly Harris-Ferrante và Michael Ramsey, cho rằng các rào cản kỹ thuật và quy định sẽ hạn chế việc xe bay trở nên phổ biến.
Theo đó, hầu hết động cơ được trang bị trên ô tô bay hiện tại chỉ phù hợp cho những màn trình diễn ra mắt, nhưng khi bay dân dụng, dung lượng của pin/điện sẽ giới hạn quãng đường đi và thậm chí giới hạn cả những hành khách trên xe. Trong khi đó, những chiếc ô tô bay nếu chạy bằng nhiên liệu truyền thống lại đối mặt với vấn đề khác nữa đó chính là ô nhiễm môi trường.
Hai nhà phân tích này cũng cho rằng, tất cả phương tiện bay trên không phận đều sẽ được quy định rất chặt chẽ bởi luật pháp. Số lượng chuyến bay cũng sẽ được giới hạn để đảm bảo việc kiểm soát tốt không lưu và không phận. Thế nên, việc ô tô bay phổ biến trong tương lai là điều khó khả thi.
Trong trường hợp có thể vượt qua rào cản về hậu cần, những vấn đề về cơ sở hạ tầng đô thị cũng khó giải quyết. Để hệ thống ô tô bay đi vào hoạt động, một quốc gia cũng cần phải có hệ thống kiểm soát không lưu hiện đại và bãi đáp cho xe hơi bay.
“Một thế giới tràn ngập xe bay không phải điều chúng ta thực sự mong muốn”, hai nhà phân tích của Gartner nhận định.
Ô tô bay được cấp phép lưu thông trên bầu trời thành phố của một bang tại Mỹ
Theo Cnet, vào cuối tháng 7 vừa qua, bang New Hampshire của Mỹ vừa là nơi đầu tiên trên thế giới cấp phép cho ô tô bay.
Cụ thể, vào hôm 29/7/2020, bang New Hampshire (Mỹ) đã chính thức thông qua điều luật “House Bill 118” hay còn gọi là “Dự luật giao thông vận tải Jetson”, cho phép ô tô bay có thể cơ động hợp pháp trên các tuyến đường công cộng.
Tuy nhiên, dự luật mới được thông qua hiện không cho phép những chiếc ô tô bay có thể lấy đà cất cánh khi đang lưu thông trên đường bộ, mà chỉ cho phép chúng hoạt động như một phương tiện truyền thống trên đường bộ để từ đó có thể di chuyển tới các bãi cất cánh riêng biệt khi có nhu cầu bay lên không trung.
Dẫu vậy, động thái này được cho là sẽ giúp ô tô bay sớm trở thành hiện thực và được kỳ vọng sẽ là phương tiện giao thông quan trọng trong tương lai.