Từ trước đến nay, người ta luôn cho rằng các nguyên tố có giá trị như vàng và bạch kim được tạo ra bởi những vụ nổ cực lớn khi hai sao neutron va chạm với nhau, hoặc xuất phát từ lỗ đen vũ trụ.
Tuy nhiên, một phát hiện mới đây cho thấy, kim loại vàng có trên trang sức bạn đang đeo hoặc các linh kiện trong chiếc smartphone của bạn, có thể được tạo ra từ những vụ nổ siêu tân tinh cực hiếm khi xảy ra, và cũng chính là nguyên nhân tạo ra các lỗ đen vũ trụ. Hiện tượng này còn gọi là “Collapsar” - ngôi sao sụp đổ.
Dành cho những ai chưa biết, siêu tân tinh hay sao siêu mới (Supernova Explosion, viết tắt SN hay SNe) là một sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa sao ở các sao khối lượng lớn, mà một vụ nổ khổng lồ cuối cùng đánh dấu sự hủy diệt của sao. Chỉ có ba siêu tân tinh xảy ra trong Ngân Hà được quan sát bằng mắt thường trong 1000 năm qua.
Nhà vật lý Daniel Siegel từ Đại học Guelph ở Toronto cho biết: “Tám mươi phần trăm những nguyên tố quý hiếm mà chúng ta thấy hiện nay được sinh ra từ vụ nổ siêu tân tinh. Hiện tượng này cực hiếm khi xuất hiện, thậm chí còn hiếm hơn so với các vụ sáp nhập sao neutron. Lượng vật chất mà chúng phóng ra ngoài không gian còn cao hơn nhiều so với các vụ sáp nhập sao neutron.”
Siêu tân tinh phóng phần lớn vật chất từ ngôi sao phát nổ với vận tốc lên tới 30.000 km/s hay bằng 10% tốc độ ánh sáng. Hiện tượng này tạo ra, tổng hợp và giải phóng lượng lớn các nguyên tố hóa học hình thành bởi các phản ứng tổng hợp hạt nhân. Nhờ vậy nó đóng vai trò quan trọng cho quá trình làm giàu môi trường liên sao bằng các nguyên tố có nguyên tử khối nặng hơn heli.
Khi vụ nổ siêu tân tinh xảy ra, số lượng nguyên tố vàng và các nguyên tố nặng hơn sắt được tạo ra thay đổi theo năng lượng. Số lượng các nguyên tố được tạo ra khác nhau, nguyên tố càng nặng thì số lượng được tạo ra càng ít, do đó hàm lượng vàng trong vũ trụ vô cùng thấp.
Ngoài ra, sóng xung kích lan tỏa từ vụ nổ có thể kích hoạt sự hình thành các sao mới.