South China Morning Post dẫn nguồn tin từ các nghiên cứu của đại học Mỹ cho biết, virus Corona chủng mới (gọi là SARS-CoV-2) gây nên dịch bệnh COVID-19, có thể tồn tại ngoài môi trường lâu hơn vào mùa thu.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tiểu bang Kansas (Hoa Kỳ) phát hiện rằng, virus có thể tồn tại lâu ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp. Chẳng hạn như, nó có thể tồn tại lâu hơn trên áo khoác của người đi bộ trong khoảng 1 tuần, và có khả lây nhiễm trong thời gian đó.
Trong khi đó, vào mùa hè, tuổi thọ của virus được ước tính trong khoảng thời gian là từ một đến ba ngày.
Người dẫn đầu nhóm nghiên cứu - Giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Tiểu bang Kansas, Juergen Richt, viết trong một báo cáo chưa được bình duyệt trên trang web bioRxiv.org vào thứ hôm Hai (31/8) rằng, việc virus Corona có thể tồn tại lâu trên các bề mặt vào mùa thu "có nguy cơ làm bùng lên các đợt dịch mới".
Nhóm nghiên cứu tin rằng, virus Corona cũng có thể tồn tại lâu hơn trong nhà ở điều kiện lạnh hơn và ít ẩm hơn. Nghiên cứu cho thấy, virus có chu kỳ bán rã trung bình - hay tốc độ phân hủy - gần 8 giờ trên tay nắm cửa bằng thép không gỉ, hoặc lên đến gần 10 giờ trên cửa sổ, gấp đôi khoảng thời gian vào mùa hè.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm của giáo sư Juergen Richt đã tái tạo điều kiện của các mùa trong các phòng thí nghiệm sinh học dựa trên dữ liệu khí hậu từ khu vực Trung Tây nước Mỹ (Midwest).
Khu vực này bao gồm 12 tiểu bang nằm ở giữa và phía bên trong đông bắc Hoa Kỳ gồm: Illinois, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Minnesota, Missouri, Nebraska, Bắc Dakota, Ohio, Nam Dakota, và Wisconsin.
Trong các phòng thí nghiệm sinh học mà nhóm của giáo sư Juergen Richt thực hiện thí nghiệm, nhiệt độ được đặt ở mức 13 độ C và độ ẩm 66% cho mùa xuân và mùa thu, trong khi mùa hè được giữ ở mức 25 độ C và 70%.
Tiếp đó, virus Corona sẽ được bôi lên bề mặt của 12 vật liệu mọi người tiếp xúc hàng ngày, như bìa cứng, bê tông, cao su, găng tay và khẩu trang N95,... được đặt trong các phòng thí nghiệm, với mục đích là để tìm hiểu xem khả năng tồn tại của virus có thay đổi theo mùa hay không.
Kết quả thu được, virus Corona chủng mới có thể tồn tại lâu hơn vào mùa xuân và mùa thu so với mùa hè.
Thời điểm dịch bệnh bùng phát vào mùa xuân, cộng đồng các nhà nghiên cứu quốc tế đã hy vọng tốc độ lây lan của virus Corona chủng mới sẽ chậm lại vào mùa hè, bởi họ tin rằng nó sẽ khó tồn tại lâu trong thời tiết nóng.
Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại ở nhiều nơi, đặc biệt là Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 80.000 ca mới mỗi ngày vào cao điểm mùa hè, điều này đã đặt ra câu hỏi liệu virus có tác động theo mùa thật sự hay không.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong bài báo, kết quả của nghiên cứu dựa trên dữ liệu khí hậu từ khu vực Trung Tây nước Mỹ “chứng minh rõ ràng rằng vi rút sống sót lâu hơn trong điều kiện mùa xuân và mùa thu chứ không phải mùa hè”.
Ngoài ra, thí nghiệm cũng chỉ ra rằng, virus tồn tại lâu nhất trên Tyvek, một vật liệu tổng hợp được sử dụng trong nhiều thứ, từ vật liệu cách nhiệt trong nhà đến đồ bảo hộ cá nhân và quần áo ngoài trời, với thời gian bán rã lên đến 45 giờ.
Giáo sư Juergen Richt và các đồng nghiệp của ông khuyến cáo mọi người duy trì thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đồng thời khử trùng thường xuyên các bề mặt có khả năng bị lây nhiễm để ngăn chặn sự lây lan của virus.