Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Vì sao video vi phạm bản quyền không có 'đất sống' trên YouTube?

YouTube có rất nhiều quy định nghiêm ngặt về bản quyền mà người đăng video phải tuân thủ, cho dù bạn là ai và kênh YouTube của bạn lớn tới mức nào.

Bản quyền luôn là một vấn đề nhức nhối và rất được quan tâm trên YouTube. Vụ việc MV hàng chục triệu view “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh mới đây cũng bị YouTube thẳng tay gỡ bỏ do sử dụng đoạn nhạc nền thuộc sở hữu của một đơn vị khác trong một phân cảnh nhỏ tiếp tục làm nóng lên vấn đề bản quyền trên trang chia sẻ video lớn nhất hành tinh này. Thực tế, YouTube vốn là một dịch vụ rất chú trọng đến vấn đề bản quyền và có nhiều cơ chế rõ ràng để bảo vệ chủ sở hữu nội dung.

MV triệu view của Noo Phước Thịnh bị gỡ bỏ vì vi phạm bản quyền nhạc nền ở một phân cảnh nhỏ.

Theo định nghĩa của YouTube, các nội dung, tác phẩm có bản quyền bao gồm: các sản phẩm nghe nhìn (ví dụ như các chương trình truyền hình, phim ảnh hoặc video trực tuyến), các bản ghi âm hoặc sáng tác âm nhạc, các tác phẩm thuộc dạng viết (ví dụ như bài giảng, bài báo, sách, bản nhạc…), các tác phẩm hình ảnh (tranh vẽ, poster hay quảng cáo), trò chơi và phần mềm máy tính và các sản phẩm nghệ thuật như ca kịch. Theo YouTube, để được công nhận là có bản quyền, một tác phẩm phải sáng tạo (creative) và cố định (fixed) trong một dạng hữu hình (tangible). Tên gọi, tiêu đề, ý tưởng hay sự thật vì thế không được tính là có bản quyền.

Hiện tại đoạn nhạc vi phạm bản quyền đã được thay thế và MV đã được xuất bản trở lại trên YouTube. Đây là một trong những cách giải quyết khi bị khiếu nạn bản quyền, bên cạnh những cách khác như gỡ bỏ video, bỏ đoạn nhạc vi phạm, chia sẻ lợi nhuận hay khiếu nại báo cáo vi phạm.

Thực tế, YouTube không phải là một đơn vị có quyền quyết định quyền sở hữu bản quyền. Theo đó, khi nhận được một yêu cầu gỡ bỏ hợp lệ và hoàn chỉnh, trang này sẽ tiến hành gỡ bỏ video vi phạm. Khi nhận được một thông báo khiếu nại gỡ bỏ phù hợp, YouTube sẽ chuyển thông báo này tới người đề nghị gỡ bỏ video và sau bước này, việc giải quyết và đàm phán hoàn toàn phụ thuộc vào hai bên, ngoài phạm vi của YouTube.

Một khiếu nại về bản quyền trên YouTube được gọi là một khiếu nại Content ID. Có thể bạn chưa biết không phải bất kì video vi phạm bản quyền nào cũng bị gỡ bỏ ngay. Một số video bị khiếu nại vẫn khả dụng nhưng các nguồn thu về quảng cáo từ nó nếu có sẽ được chuyển về đơn vị sở hữu nội dung. Trong một số trường hợp khác, video vi phạm có thể bị ngắt tiếng, chặn tại một số quốc gia, khu vực nhất định hoặc chặn trên một số nền tảng (website, ứng dụng hay thiết bị) nhất định. Trong trường hợp MV của Noo Phước Thịnh, nó đã bị gỡ hoàn toàn.

YouTube có rất nhiều quy định nghiêm ngặt về bản quyền.

Một số người dùng cho rằng nếu có sử dụng một đoạn nhạc hay một tác phẩm của người khác nói chung và đã ghi nguồn tại phần mô tả video là đã có thể tránh được những “kiện tụng” liên quan đến bản quyền, tuy nhiên điều này hoàn toàn không đúng. Việc dùng nội dung của người khác với những đảm bảo như “không kiếm tiền từ video vi phạm”, “nội dung tách ra từ những nội dung bạn đã mua trên iTunes, từ CD, DVD” hay “quay lại từ TV” đều có thể bị khiếu nại vi phạm bản quyền.

Vụ việc MV của Noo Phước Thịnh bị gỡ bỏ sẽ là bài học quý giá cho những nghệ sỹ Việt Nam khi xuất bản tác phẩm của mình trên YouTube bởi chỉ một vài giây nội dung vi phạm bản quyền cũng có thể khiến họ phải nhận “trái đắng”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vũ Tuấn Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất