Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Vì sao 'ông trùm ráp iPhone' quyết định về vườn?

Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn, là người đàn ông giàu có nhất tại Đài Loan. Tập đoàn này có các nhà máy tại Trung Quốc, chuyên lắp ráp sản phẩm cho Apple và Amazon.

Trong 45 năm qua, Terry Gou đã dồn cả trái tim và tâm trí của bản thân vào việc điều hành công ty lắp ráp những thiết bị công nghệ như iPhone, Kindle và PlayStation. Tuần qua, người sáng lập và chủ tịch của Foxconn tuyên bố ông đã sẵn sàng lùi bước khỏi chiến tuyến.

Trang SCMP đưa tin tỷ phú Terry Gou, chủ tịch kiêm nhà sáng lập của tập đoàn Foxconn, đang lên kế hoạch rút lui khỏi các hoạt động hàng ngày của công ty. Một phát ngôn viên của Foxconn cho biết ông Gou sẽ tập trung vào việc định hướng chiến lược cho sự phát triển dài hạn của tập đoàn.

Tỷ phú có tham vọng chính trị

“Tôi đã 69 tuổi rồi. Với 45 năm kinh nghiệm của mình, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Tôi mong muốn những người trẻ tuổi có thể học hỏi được nhiều hơn và sớm đạt được nhiều thành công”, ông Gou chia sẻ tại một sự kiện ở Đài Bắc.

Terry Gou chia sẻ ông sẽ tham gia tranh cử tổng thống Đài Loan vào năm 2020. Ảnh: SCMP.

Ngày 17/4, báo New York Ttimes đưa tin ông Gou sẽ tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) trong cuộc đua diễn ra năm 2020 sắp tới. “Đây có thể là nguyên nhân chính khiến ông rời khỏi Foxconn”, trang SCMP nhận định.

Terry Gou hiện là người đàn ông giàu có nhất tại Đài Loan. Theo ước tính của tạp chí Forbes, khối tài sản của ông có giá trị khoảng 7,6 tỷ USD. Ông được xem là người đã thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp lắp ráp.

Bên cạnh đó, ông cũng được biết đến là một trong những nhà từ thiện lớn nhất của Đài Loan. Ông Gou đã dành nhiều tiền bạc để đầu tư vào các dự án phát triển cách chữa trị ung thư. Năm 2018, ông đã mở một bệnh viện ung thư mới ở Đài Bắc.

Trên thực tế, bản thân ông đã phải chịu đựng nhiều mất mát từ căn bệnh này. Năm 2005, người vợ đầu tiên của ông qua đời vì bệnh ung thư vú và đến năm 2007, người con trai Tony đã qua đời do bệnh bạch cầu.

Thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp lắp ráp

Trong những năm 1980-1990, hầu hết các nhà sản xuất máy chơi game và PC đều có các xưởng lắp ráp thiết bị của riêng họ. Ông Gou đã nỗ lực tìm kiếm cơ hội để thuyết phục các công ty này thuê gia công một phần sản phẩm của họ ở bên ngoài.

Gia đình ông Gou từng sống ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc trước khi di cư đến Đài Loan vào năm 1949. Là con cả trong gia đình, ông được học hành đàng hoàng và khi ra trường vào làm công nhân một nhà máy cao su, rồi làm ở nhà máy dược cho tới năm 24 tuổi.

Ông Gou trong cuộc gặp với báo chí vào năm 2010 sau nhiều vụ tự tử của công nhân. Ảnh: SCMP.

Năm 1974, ông Gou đã vay 7.500 USD từ mẹ mình để thành lập công ty. Khi đó, ông sử dụng khoản vay này mua các máy ép nhựa làm nút bấm để thay đổi kênh trên TV đen trắng.

Trong những ngày đầu thành lập, ông đã đưa những cái tên như Admiral TV và Royal Philips trở thành khách hàng. Vài năm sau, nhà sản xuất máy chơi game Atari cũng được đưa vào danh sách này. Bước ngoặt lớn đến với Foxconn vào năm 1980 trong một chuyến đi xuyên Mỹ, ông đã thuyết phục được IBM trở thành khách hàng của công ty.

Tuy nhiên với Gou, những thành công này vẫn chưa đủ. Thay vì chỉ gia công một phần riêng lẻ của sản phẩm, ông muốn doanh nghiệp của mình có thể tham gia vào toàn bộ quá trình lắp ráp từ đầu đến cuối.

Năm 1988, Gou đã quyết định mở nhà máy ở thành phố Thâm Quyến. Nơi đây hiện đã trở thành trung tập công nghệ phần cứng của Trung Quốc.

Việc thuê lắp ráp sản phẩm bên ngoài được xem là một bước đột phá quan trọng đối với các công ty như Apple. Điều này giúp công ty có thể tối ưu chi phí sản xuất cho những chiếc iPhone và iPad.

Những vụ tự tử liên tiếp của công nhân

Theo SCMP, Foxconn hiện có 45 nhà máy nằm rải rác trên khắp Trung Quốc. Công ty có hơn 200 văn phòng đại diện và các công ty con trên khắp châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Năm 2018, Foxconn đạt doanh thu 168 tỷ USD.

Ở thời điểm hiện tại, Foxconn là công ty gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới. Chỉ riêng tại Trung Quốc, công ty này có tới 1,2 triệu công nhân. Ở quốc gia tỷ dân, Foxconn là nhà xuất khẩu lớn nhất.

Nhiều công nhân tự tử cho áp lực quá lớn. Ảnh: Nikkei.

Ông Gou cũng xây dựng các “thành phố Foxconn” với khuôn viên rộng lớn bao gồm các nhà máy, ký túc xá cho công nhân, nhà ăn, văn phòng điều hành, trạm y tế và khu giải trí.

Nó giống như một thành phố thu nhỏ dành riêng cho công nhân của tập đoàn. Hiện nay, Foxconn đã trở thành công ty tư nhân sở hữu nhiều nhân công nhất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Foxconn cũng được biết đến là một trong những nơi có điều kiện làm việc khắc nghiệt. Năm 2010, ít nhất 14 công nhân đã tự tử do liên tục phải đối mặt với nhiều căng thẳng cũng như áp lực công việc quá lớn.

Năm 2012, 150 công nhân Foxconn đe dọa tự sát để phản đối mức lương thấp và điều kiện lao động ngặt nghèo của công ty. Năm 2017, báo Financial Times đưa tin nhiều thực tập sinh tại một nhà máy của Foxconn ở Hà Nam phải làm việc tới 11 tiếng mỗi ngày.

Năm 2018, tờ China Labor Watch đã lên tiếng chỉ trích điều kiện làm việc tồi tệ tại một số cơ sở của Foxconn, nơi tạo ra những chiếc máy tính bảng Kindle và loa Echo Dot của Amazon. Các nhà hoạt động xã hội cũng khẳng định Foxconn trả cho nhân viên mức lương bèo bọt và ép họ phải làm việc quá giờ thường xuyên.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất