NIỀM TỰ HÀO CỦA MỘT THƯƠNG HIỆU TOÀN CẦU
Sony không phải một thương hiệu lạ lẫm với những thành công trong thị trường điện thoại di động. Trong những năm 2000, rất nhiều những chiếc điện thoại được ra mắt dưới thương hiệu Sony Ericcson nhận được những sự đón nhận nồng nhiệt của thị trường. Chúng thường có điểm mạnh nằm ở khả năng chụp hình và chơi nhạc. Theo một số thống kê, khoảng 9% miếng bánh thị trường điện thoại di động toàn cầu thuộc về liên danh Sonh Ericcson trong năm 2007. Tận dụng thành công của dòng điện thoại cơ bản, Sony Ericcson cũng tiến đánh thị trường Android vào năm 2010 cùng một số dòng sản phẩm khá đáng chú ý như Xperia X10 hay Xperia Arc.
Tới năm 2011, Sony thâu tóm cổ phần của Ericcson trong liên danh này. Kết quả là, Sony Mobile có toàn quyền sử dụng công nghệ và những nghiên cứu và phát triển mà công ty mẹ nắm giữ. Điều này có tác động như thế nào đến thành công của Sony Mobile thật khó lòng đo đếm. Dù vậy, vào năm 2013, Son vẫn có trong tay khoảng 5% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu và thậm chí hãng này còn đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2014. Dù vậy, từ đây, Sony bắt đầu lao dốc.
Một trong những lý do smartphone của Sony không thành công trong những năm sau đó đến từ chiến lược chung của công ty này cho thị trường di động. Sony theo đó muốn trở thành một “Apple” của dòng máy Android bằng cách mang đến cho thị trường những thiết bị cao cấp. Năm 2012, CEO Sony Mobile chia sẻ rằng: “Đó là nơi giá trị tồn tại và đó cũng là nơi tiền tồn tại, như một cách để nhắn đến phân khúc máy cao cấp. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của Apple với khách hàng là một thứ khó bắt chước. Bên cạnh đó, thị trường Android, ít nhất là trong những năm đầu, có nhiều điểm khác biệt so với thị trường của iPhone.
Thực tế, người dùng Android có rất nhiều smartphone để lựa chọn. Những chiếc điện thoại cao cấp phải có nền tảng vững chắc bởi những đặc điểm hấp dẫn, bằng không người dùng sẽ lựa chọn một phương án rẻ hơn với trải nghiệm mang lại gần như tương tự.
Ở một thị trường quan trọng là Mỹ, Sony lại gặp một bất lợi lớn với mối quan hệ thông qua tốt đẹp với các nhà mạng. Những câu chuyện của người trong cuộc cho tới nay vẫn còn là một bí mật, tuy nhiên Sony được cho là đã từ chối thực hiện những thay đổi tới điện thoại của mình theo yêu cầu của nhà mạng. Sự phân chia lợi nhuận khi bán hàng quan nhà mạng cũng có thể là một vấn đề gây ra sự mâu thuẫn giữa các bên.
Không lâu sau đó, Sony tạm dừng bán điện thoại của mình thông qua các nhà mạng tại Mỹ, đồng nghĩa với một sự sụt giảm doanh số. Bên cạnh đó, có thể bạn cũng sẽ bất ngờ khi biết smartphone Sony bán tại Mỹ thường có tính năng cảm biến vân tay không thể sử dụng được. Lý do cho điều này không bao giờ được tiết lộ, tuy nhiên nhiều trang công nghệ cho rằng chúng có thể là kết quả của một điều khoản kì lạ trong hợp đồng với một nhà mạng Mỹ nào đó.
Sau tất cả, với chiến lược giá thành của mình, nhiều trang công nghệ nhận định dường như Sony thà bán được ít smartphone còn hơn là phải bán ra những chiếc điện thoại của mình với giá thấp hơn đối thủ.
THIẾT KẾ KHIẾN NGƯỜI DÙNG PHẢI THỞ DÀI
Khi còn sử dụng thương hiệu Sony Ericsson, Sony khá chăm chỉ thử nghiệm những mẫu thiết kế điện thoại mới. Tuy nhiên, khi chữ “Ericcson” trong tên thương hiệu biến mất, Sony rõ ràng đã quyết định trung thành với một triết lý thiết kế chung. Những chiếc điện thoại của Sony theo đó thường có phần nhìn khá… nghiêm túc, cứng cáp và phù hợp với giới doanh nhân. Điều này không đồng nghĩa với việc smartphone Sony không đẹp. Trên thực tế, chúng có ngoại hình cao cấp, bắt mắt nhưng lại khá nhàm chán.
THẤT BẠI TRONG VIỆC TẬN DỤNG DI SẢN CỦA CHÍNH MÌNH
Sony là một trong những công ty có đóng góp lớn trong sự phát triển của khả năng chụp hình trên smartphone hiện đại. Cảm biến của hãng này có mặt trên rất nhiều những chiếc smartphone phổ biến, trong đó có cả iPhone Xs Max.
Trên thị trường, Sony vẫn đang bám riết với cuộc đua thông số khi trang bị những cảm biến tới 23 MP trên điện thoại của mình, trong khi nhiều đối thủ bắt đầu quay về với những cảm biến khiêm tốn hơn chỉ khoảng 12 MP. Thực tế, cảm biến thông số thấp thường cho ra những hình ảnh ít có tình trạng nhiễu kĩ thuật số hơn. Smartphone của Sony cũng không có khả năng chống rung quang học mà thay vào đó sử dụng một công nghệ chống rung chủ yếu dựa vào khả năng của kĩ thuật số.
Tệ hơn, Sony cũng khá chậm chạp trong việc nắm bắt các xu hướng công nghệ trên thị trường di động khi chiếc smartphone đầu tiên của hãng này có màn hình OLED cũng phải tới năm ngoái mới ra mắt. Đến nay, ông lớn di động một thời này vẫn đang nói không với các tính năng đã trở thành xu hướng khác như camera kép.
Trong năm 2018, Sony chỉ bán được khoảng từ 7 đến 8 triệu máy. Đến bạn dễ hình dung, đây là con số smartphone mà các nhà sản xuất trong top 3 nhà sản xuất lớn nhất có thể bán hết được trong… 2 tuần.