Những nỗ lực của đội tìm kiếm và thợ lặn để xác định vị trí của hộp đen và thân máy bay trong vụ rơi máy bay của hãng Lion Air gặp rất nhiều khó khăn vì tầm nhìn hạn chế dưới nước, giới chức Indonesdia cho biết. “Tầm nhìn dưới nước hạn chế là lý do tại sao quá trình tìm kiếm hộp đen tốn nhiều thời gian tới vậy,” điều tra viên Ony Suryi Wibowo chia sẻ. Khoảng 50 thợ lặn đã được huy động để tìm kiếm các mảnh vỡ và thi thể nạn nhân. Dù vậy, họ chỉ có thể tìm kiếm được từ sáng sớm đến chiều muộn bởi gió thổi mạnh.
Các thiết bị chuyên dụng, bao gồm robot, để xác định vị trí hộp đen cũng được đưa vào vận hành vào ban đêm khi thuỷ triều lên, tuy nhiên tầm nhìn hạn chế khiến ngay cả máy móc cũng khó phát hiện ra bất kì điều gì. Jakarta Post cho biết mặc dù thời tiết khá thuận lợi và sóng nhẹ, thế nhưng bùn đã khiến quá trình tìm kiếm khó khăn hơn rất nhiều.
Được biết, hộp đen được trang bị một thiết bị phát tín hiệu dưới nước có thể phát đi xung nhịp khi cảm biến chạm nước. Ở độ sâu tối đa 4 km, hộp đen vẫn có thể phát tín hiệu mỗi giây một lần trong 30 ngày trước khi pin cạn. Việc tìm kiếm hộp đen có thể không dễ dàng. Trong trường hợp của máy bay 447 của Air France gặp nạn ở Đại Tây Dương, đội tìm kiếm phải mất tới hai năm mới có thể tìm thấy và đưa lên khỏi mặt nước hộp đen của nó với những thông tin quý giá đi kèm. Hôm nay (31/10), đội tìm kiếm được cho đã nghe thấy những tín hiệu “ping” từ hộp đen máy bay.
Trước đó, chiếc Boeing 737 Max 8 của Lion Air đã mất tín hiệu và rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh cùng 189 người. Chiếc máy bay này mới được đưa vào vận hành 2 tháng.