Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Công nghệ số

Vì sao giấc mộng bá vương smartphone thế giới của Huawei khó thành?

Từng muốn trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới vào năm 2020 song hành trình hiện thực hoá mục tiêu này của Huawei đang khó khăn hơn bao giờ hết.

2 năm trước, Huawei không ngần ngại chia sẻ tham vọng của mình trong một bài phỏng vấn với CNBC: trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2020.

Mặc dù năm 2020 chưa qua đi, tham vọng đó cũng chưa trở thành sự thật song con đường trước mắt với hãng công nghệ Trung Quốc đang trắc trở hơn bao giờ hết.

Kể từ khi Richard Yu, người đứng đầu mảng tiêu dùng của Huawei, chia sẻ tham vọng “bá vương” mảng smartphone vào cuối năm 2018, Mỹ liên tục đè nặng áp lực lên Huawei và đe doạ sẽ cắt nguồn cung linh kiện và phần mềm cho công ty này, một động thái có thể ảnh hưởng nặng nề đến hãng công nghệ Trung Quốc.

Huawei có thể không khó tìm được các nhà sản xuất thay thế cho mảng phần cứng, linh kiện nhưng ở mảng phần thì khác bởi khó có đối tác nào xây dựng được hệ sinh thái dịch vụ đầy đủ như Google. Ảnh: DPA

Mặc dù mảng smartphone của Huawei non trẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ như Samsung hay Apple, Huawei nhanh chóng vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới trong vài năm trở lại đây. Dù thế, Huawei vẫn chưa thể vượt qua được Samsung như Richard Yu kì vọng.

Không khó để nhận ra một loạt các quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phá tan giấc mộng của Huawei.

Lúc này, Huawei vẫn là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới song vị trí này được Huawei duy trì bằng cách tập trung vào Trung Quốc và một số ít thị trường mới nổi khác. Tại nhiều khu vực quan trọng khác, Huawei đang mất dần vị thế của mình, theo dữ liệu của CNBC.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Huawei bị chính quyền của ông Trump đưa vào “danh sách đen” hạn chế các công ty Mỹ được giao dịch thương mại. Thời điểm đó, Huawei phụ thuộc lớn vào linh kiện và phần mềm từ các công ty Mỹ.

Lúc này, Huawei đã tìm được phần lớn giải pháp thay thế cho các linh kiện phần cứng trong điện thoại thông minh, song Huawei cũng không còn được phép dùng hệ điều hành Android bản quyền và đây thực sự trở thành một ác mộng với nó.

Hồi tháng 3, ông Eric Xu, chủ tịch luân phiên của Huawei, nói với CNBC rằng Huawei không đạt chỉ tiêu doanh thu nội bộ tới 12 tỉ USD trong năm 2019, chủ yếu đến từ mảng công nghệ tiêu dùng. Đây cũng là mảng mang về hơn một nửa trong tổng doanh thu của Huawei.

Dữ liệu từ IDC và CounterPoint Research cho thất lệnh cấm vận của Mỹ đang khiến Huawei điêu đứng trên toàn cầu.

Trong quý 1/2019, trước khi bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”, thị phần toàn cầu của Huawei đạt 18,9%, cao hơn Apple và chỉ thấp hơn Samsung, theo IDC.

Dù thế, ảnh hưởng của lệnh cấm vận đã khiến thị phần của Huawei giảm về mức 15,2% trong quý 4 cùng năm, thấp hơn cả Apple.

Trong quý 1/2020, Huawei lấy lại được vị trí thứ 2 trên cuộc đua thị phần với thành tích 17,8%, vẫn thấp hơn đáng kể so với thời kì đỉnh cao của nó.

Mặc dù số liệu trên quy mô toàn cầu cho thấy Huawei vẫn khá vững vàng, song Huawei đang cố gắng che giấu sự khó khăn của mình ở những thị trường lớn. Sự vững vàng của Huawei đến từ việc Huawei đẩy mạnh tập trung vào Trung Quốc đồng thời bán một lượng lớn thiết bị cũ và giá thành thấp ở các thị trường mới nổi khác.

Vì quy mô của thị trường Trung Quốc là rất lớn, duy trì được tầm ảnh hưởng ở đây đủ giúp một thương hiệu smartphone có được chỗ đứng trên mảng xếp hạng toàn cầu. Tại Trung Quốc, thị phần của Huawei đã tăng từ 35,5% trong quý 1/2019 lên 42,6% trong cùng kì năm nay, cũng theo IDC.

Thực tế, việc những chiếc điện thoại mới của Huawei như Mate 30 hay P40 không có hệ điều hành Android bản quyền không phải một vấn đề quá lớn ở Trung Quốc vì Google cũng không hoạt động ở thị trường này.

Dù vậy, người dùng ở các thị trường trên thế giới vẫn chủ yếu sử dụng nhiều dịch vụ của Google như Gmail, Google Maps hay tìm kiếm. CÙng thời điểm, những nhà sản xuất khác như Xiaomi, OPPO hay Samsung vẫn cung cấp các giải pháp Google cho người dùng hoàn toàn bình thường.

Những chiếc điện thoại Huawei ra mắt trước thời điểm Huawei bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” vẫn có các dịch vụ Google. Ảnh: CNET

Huawei đang tận hưởng những thành công ngắn hạn với chiếc lược đẩy mạnh bán các thiết bị cũ ở các thị trường mới nổi để củng cấp thị phần toàn cầu. Những chiếc smartphone ra mắt trước thời điểm Mỹ đưa Huawei vào “danh sách đen” vẫn được dùng hệ điều hành Android.

Ví dụ, ở Trung Âu và Đông Âu, thị phần của Huawei vẫn đạt 26,4% trong quý 1/2020, cao hơn so với cùng kì năm 2019, theo CounterPoint Research. Thị phần của nó ở Châu Á, không tính Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí còn cao hơn.

IDC cho biết thị phần của Huawei ở Mỹ Latinh cũng tăng trong quý 1/2020. Chiến lược bán smartphone cũ của Huawei rõ ràng đang phát huy tác dụng song giới phân tích cho rằng đây là cách làm thiếu tính bền vững.

“Ở các thị trường đã phát triển bên ngoài Trung Quốc, không có dịch vụ Google trên điện thoại là một vấn đề lớn”, ông Bryan Ma, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thiết bị ở IDC, nói với CNBC. Huawei có thể tạm thời tìm cách lách qua khe cửa hẹp bằng cách tập trung vào nhóm thiết bị cấu hình thấp, giá rẻ ở một số thị trường nhưng “khó tiến xa thêm”, ông chia sẻ thêm.

Chưa nói đến các đối thủ như Samsung hay Apple, một số hãng smartphone Trung Quốc như OPPO hay Xiaomi cũng đang giành được vị thế trước Huawei trên thị trường quốc tế khi vẫn được bán ra những chiếc điện thoại có Android và dịch vụ của Google.

Thị phần của Huawei ở Tây Âu đã giảm mạnh từ 24,3% trong quý 1/2019 xuống còn mức 18,2% vào quý 1 năm nay.

Ở Ấn Độ, Huawei hiện chỉ có 0,4% thị phần, giảm mạnh từ con số khiêm tốn 3,4% của quý 1/2019.

Sau khi bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”, Huawei trình làng hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS để vá vào khoảng trống. HarmonyOS có kho ứng dụng và các dịch vụ riêng. Huawei đang dần tích hợp nó vào các thiết bị phần cứng, bắt đầu bằng TV thông minh.

Nhân sự Huawei không ngần ngại khẳng định rằng HarmonyOS có khả năng “so sánh được” với hệ điều hành của Google và Apple song giới phân tích vẫn hòai nghi về khả năng thành công của nó ở các thị trường quốc tế do thiếu nhiều ứng dụng phổ biến.

Hơn hết, những áp dụng mà Mỹ đè nặng lên Huawei cũng chưa dừng lại.

Tháng trước, Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ cũng phải xin giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei. Động thái này khiến Huawei không thể mua chip từ TSMC, một công ty lớn của Đài Loan.

Chính sách này, kèm theo lệnh cấm Google, thực sự khiến Huawei lao đao, giới phân tích nhận định.

“Với lệnh cấm mua chip từ TSMC, cơn ác mộng đang ập đến cho Huawei ở cả mảng linh kiện phần cứng,” Neil Shah, giám đốc nghiên cứu của CounterPoint Reserch, nhận định. Lúc này, Huawei khó bán được cả các thiết bị, ngay cả khi chúng không có Android hay dịch vụ Google.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết T. Sơn

Được quan tâm

Tin mới nhất