Bất chấp những án phạt liên quan tài chính và khả năng đội tuyển Việt Nam có thể phải thi đấu trên sân trung lập hay thậm chí là sân không có khán giả, pháo sáng vẫn là vấn đề được nhắc đến rất nhiều trong một số trận đấu gần đây của AFF Cup 2018. Thực tế, các hành động bạo lực hoặc thậm chí mang tính chất phá hoạt của các cổ động viên không phải một câu chuyện mới trong thể thao. Điều này có thể được lý giải từ quan điểm của khoa học hay tâm lý học.
Chúng ta biết rằng khi mọi người ở trong đám đông thì họ sẽ không làm điều đó một mình. Họ nghĩ họ ẩn danh,” Jason Lanter, một giáo sư tâm lý tại Đại học Kutztown chia sẻ. Có nhiều năm nghiên cứu về hành vi bạo lực của người hâm mộ trong thể thao, giao sư Lanter khẳng định con người thường có quyết định rất tồi tệ khi ở trong đám đông. Daniel Wann, giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Murray State, cũng có cùng quan điểm và cho rằng trong đám đông, con người dễ đánh mất sự tự nhận thức và cảm nhận về sự an toàn.
Theo đó, trong đám đông, các nhà thần kinh học tìm ra rằng phần vỏ não giữa trước chán, vốn chịu trách nhiệm cho các suy nghĩ và hành động của một người, có xu hướng ít hoạt động. Xu hướng này giải thích lý do vì sao trong đám đông một người có thể làm những điều họ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Dĩ nhiên, điều này không phải lúc nào cũng nên chỉ được nhìn nhận từ yếu tố tiêu cực. Dù vậy, giáo sư Wann cho biết trong nhiều trường hợp, “rượu, bia cũng có thể là yếu tố thêm dầu vào lửa.”
Vốn được thiết kế để phục vụ các tình huống cứu hộ trên biển, pháo sáng khi được đốt ở không gian chật hẹp có thể gây ra các hậu quả khôn lường. Theo đó, pháo sáng khó có thể dập được dễ dàng hoặc tắt đi nhanh chóng cùng nhiệt lượng toả ra có thể lên tới 1.600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép). Lượng khói toả ra lớn từ pháo sáng cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người mắc các bệnh về đường hô hấp.