Cuối tháng 8, hơn 2 tháng trước khi AFF Cup 2018 chính thức khởi tranh, người hâm mộ đội tuyển Việt Nam được dịp thở phào nhẹ nhõm trước thông tin Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có trong tay bản quyền phát sóng giải đấu được chờ đón. Dù vậy, thời điểm đó, những người âm hiểu về bản quyền truyền hình cho biết thực tế gói bản quyền của Đài truyền hình Việt Nam chưa trọn vẹn bởi nó chỉ cho phép nhà đài độc quyền phát sóng trên hạ tầng truyền hình mặt đất miễn phí và phát lại trên tất cả các hạ tầng khác, tuy nhiên không có quyền phân phối lại.
Mãi cho tới gần đây Công ty cổ phần Giải pháp truyền hình thế hệ mới (Next Media) mới có được “mảnh ghép” còn lại cho bản quyền phát sóng AFF Cup 2018 khi có gói bản quyền bao gồm độc quyền và có quyền phân phối lại trên toàn bộ hệ thống trả tiền thuộc hạ tầng vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, Internet, mạng xã hội, mạng di động và trình chiếu công cộng. Sau tất cả, AFF Cup 2018 sẽ là một giải đấu mà người Việt Nam có thể tận hưởng một cách đầy đủ, trọn vẹn, rộng khắp và đa dạng các nền tảng.
Vì đâu nhà đài lại “mặn mà” với bản quyền AFF Cup 2018 đến vậy, trong khi đó ở ASIAD 2018, thiếu chút nữa thì người hâm mộ Việt Nam đã không thể theo dõi hành trình thành công đầy bất ngờ của đội tuyển Olympic Việt Nam vì không có bản quyền phát sóng?
Như đã nhắc đến trong một bài viết trước đó, bản quyền truyền hình xét ở một khía cạnh nào đó chẳng khác gì một phương án kinh doanh đối với nhà đài. Việc mua bản quyền hay không mua bản quyền theo đó cần tính tới tính hiệu quả mà nó mang lại. Đối với ASIAD 2018, việc nhiều nhà đài dè dặt với chuyện mua bản quyền phát sóng là cực kì dễ hiểu bởi thực tế ngoại trừ môn đóng đá nam phần đông người hâm mộ thể thao nước nhà vẫn chọn cách cập nhật nhanh thành tích thi đấu của đoàn thể theo Việt Nam trên các kênh như báo điện tử, thay vì chờ đợi lịch thi đấu trực tiếp để đón xem.
Ở nội dung bóng đá nam, ở một đấu trường lớn như ASIAD, thành tích của đội tuyển Olympic Việt Nam còn khá khiêm tốn trước đó. Vì thế, bỏ một số tiền lớn để mua bản quyền ASIAD là một phương án khá rủi ro cho nhà đài trước viễn cảnh không thể bù đắp được chi phí thông qua bán quảng cáo chẳng hạn.
Thế mới nói, ở thời điểm ASIAD 2018 kết thúc, người hâm mộ Olympic Việt Nam vui một vì thành tích tiến sâu của đội nhà trên sân chơi khu vực thì VOV/ VTC vui mười bởi việc mua bản quyền phát sóng sự kiện này có bù đắp được chi phí hay không phần lớn phụ thuộc vào thành tích Olympic Việt Nam. Thực tế, báo giá của VTC cho sự kiện cũng cho thấy quảng cáo trong khung giờ có đội tuyển Olympic Việt Nam thi đấu luôn cao nhất và chi phí quảng cáo cũng tăng lên đáng kể. Một số báo cáo cho rằng VOV/ VTC có lãi trong “thương vụ” ASIAD 2018.
Khác với ASIAD 2018, AFF Cup 2018 là giải đấu chỉ tập trung vào một nội dung là bóng đá nam, môn thể thao vốn được người Việt Nam vô cùng yêu mến. Đặt trong bối cảnh phong độ của đội tuyển Việt Nam cùng với đó là sự quan tâm của người xem cộng hưởng từ giải vô địch U23 và sau đó là ASIAD 2018, không khó để thấy phương án mua hay không mua bản quyền AFF Cup 2018 dễ quyết định hơn với nhà đài khá nhiều. Dù vậy, các thông tin về mức giá bản quyền phát sóng giải đấu này thì chưa được công bố.
Còn nhớ, tại AFF Cup 2016, thống kê cho thấy số lượng người xem sự kiện này lên tới con số 11 triệu người, khiên nó trở thành một trong những sự kiện thể thao được quan tâm nhất trên truyền hình. Năm nay, AFF Cup 2018 còn được kì vọng sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn thế.