Công Nghệ

Từ ASIAD 2018 đến 'Diên hi công lược': Ngẫm về chuyện bản quyền truyền hình

Lê Nam Khánh
Chia sẻ

Người Việt Nam có lẽ chưa bao giờ có dịp nói đến chuyện bản quyền truyền hình nhiều như trong năm 2018.

Trung tuần tháng 6, người hâm mộ bóng đá trong nước “hết hồn” khi đứng trước nguy cơ không được theo dõi giải đấu hấp dấn nhất hành tinh World Cup 2018 với lý do nhà đài không có đủ khả năng tài chính để mua bản quyền phát sóng các trận đấu. Mãi phải tới “phút 89”, cùng sự giúp sức của một số doanh nghiệp “mạnh thường quân”, những hình ảnh chính thức về World Cup 2018 mới chính thức tới được với khán giả truyền hình.

Bản quyền truyền hình ngày càng đắt đỏ.

Những tưởng chuyện “đắt quá không mua được” chỉ xảy ra ở World Cup 2018 thì chỉ sau đó chưa đầy hai tháng, người hâm mộ trong nước lại “ngã ngửa” khi VTV tiếp tục tuyên bố không mua được bản quyền ASIAD 2018. Tuyên bố này gây bất ngờ là bởi trước đây giá bản quyền ASIAD vẫn được cho là khá thấp và thực tế 2018 cũng là năm đầu tiên Việt Nam không mua được bản quyền sự kiện này. Năm nay, phía đối tác nắm giữ bản quyền được cho là đã chào giá lên tới vài triệu USD - con số mà VTV cho rằng không thể đáp ứng được.

Các tập phim Diên hi công lược bị gỡ bỏ trên các trang trực tuyến khiến người xem hoang mang.

Mới đây nhất, câu chuyện bản quyền truyền hình lại nóng lên trong trường hợp bộ phim đang gây sốt “Diên hi công lược”. Mới đây, tất cả các tập phim trên YouTube của TKL (đơn vị nắm giữ bản quyền Diên hi công lược tại Việt Nam) và các ứng dụng xem phim có bản quyền khác như FPTPlay đều bị gỡ bỏ khiến người xem vô cùng hoang mang.

Theo tìm hiểu, động thái này là kết quả của việc tình trạng phim lậu được phát tán tràn lan trên các website xem phim không có bản quyền. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, HTV7 là kênh truyền hình duy nhất mà người hâm mộ có thể xem được Diên hi công lược có bản quyền. Điều đáng nói là hiện tại HTV7 mới chỉ chiếu phim đến tập 14 và người xem sẽ phải đợi khá lâu nữa mới có thể xem tiếp phần nội dung trước đó đã được đưa lên Internet.

Không có bản quyền phát sóng ASIAD 2018, thế nhưng người hâm mộ Việt Nam vẫn có thể xem nội dung thi đấu dễ dàng, căng đét, thậm chí có cả bình luận Tiếng Việt chỉ với một cú pháp tìm kiếm. Hay như trường hợp của Diên hi công lược, nhiều website xem phim không có bản quyền cũng thản nhiên trình chiếu các nội dung liên quan. Quá dễ dàng để có thể xem “chùa” các nội dung, không khó hiểu khi nhiều người dùng Việt Nam chọn cách dễ dàng hơn là tìm các bản miễn phí thay vì phải trả tiền.

Không khó để tìm được các nội dung ASIAD 2018 tại Việt Nam với chất lượng tốt mặc dù không có bản quyền.

Cũng là câu chuyện bản quyền phát sóng, còn nhớ vào trung tuần tháng 5 năm ngoái, Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab), đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) trong 03 mùa giải 2015-2016, 2016-2017, 2017-2018 tại Việt Nam đã gây bất ngờ khi tuyên bố bị cắt bản quyền do không thể quản lý và bảo vệ bảo quyền, dẫn tới vi phạm hợp đồng.

Đây chỉ là một ví dụ về những hậu quả tất yếu sẽ đến khi bạn “ăn những bữa ăn miễn phí” trong khi nó hoàn toàn “không được miễn phí”.

Trong bối cảnh ngành truyền hình đang có những thay đổi lớn, đã đến lúc người xem truyền hình cần thay đổi quan điểm và thói quen. Tôn trọng bản quyền là vấn đề được đặt lên hàng đầu bởi nếu vi phạm bản quyền người xem chính là người chịu thiệt thòi đầu tiên. Nếu cứng rắn, các đơn vị nắm giữ bản quyền hoàn toàn có chấm dứt hợp đồng cung cấp bởi thực tế khi kí hợp đồng gần như luôn có một thoả thuận về việc bảo vệ bản quyền phát sóng. Thế mới nói, trong nhiều trường hợp, có bản quyền đã đắt và khó, giữ được bản quyền còn khó hơn.

Thêm vào đó, người dùng Việt Nam có lẽ cũng cần phải dần quen với việc phải trả phí để có thể xem được các nội dung bản quyền. Chỉ một vài năm tới, có lẽ các kênh truyền hình miễn phí, quảng bá có lẽ sẽ khó có thể cạnh tranh được với các kênh truyền hình, dịch vụ trả phí khi bản quyền hình ngày càng cao như thế này. Nhà đài theo đó không chỉ còn có thể dựa vào quảng cáo để thu lợi nhuận mà nguồn thu sẽ còn đến từ phí thành viên, phí đăng kí của người xem. Xu hướng này sẽ là tất yếu và thực tế nó cũng đã dần dần diễn ra tại Việt Nam, chỉ có điều bạn có nhận ra hay không.

Hãy lấy trường hợp của giải Ngoại hạng Anh là một ví dụ. Có lẽ khoảng một thập niên trở về trước, chẳng ai nghĩ đến việc sẽ có ngày Ngoại hạng Anh không còn được phát trên VTV, một cách miễn phí. Thế nhưng, ngày đó đã đến, giờ thì người xem phải trả phí cho các gói truyền hình trả tiền để thưởng thức giải đấu này.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Nam Khánh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất