Công Nghệ

Trung Quốc: Phải xin phép người dân nếu muốn sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Hà Vy
Chia sẻ

Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc trao quyền cho người dân nói “không” với việc tùy tiện sử dụng nhận dạng khuôn mặt.

Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc mới đây đưa ra phán quyết quan trọng liên quan đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trao quyền cho cá nhân từ chối việc thu thập dữ liệu nhận dạng khuôn mặt trái phép từ các tổ chức thương mại như khách sạn, ngân hàng và hộp đêm, South China Morning Post cho hay.

Theo đó, việc thu thập và phân tích dữ liệu khuôn mặt của các hoạt động thương mại đều phải nhận được sự đồng ý “độc lập” của cá nhân liên quan. Nếu không, hành vi này có thể được xác định là xâm phạm quyền và lợi ích cá nhân, khép vào tội dân sự và người bị hại có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường.

Trung Quốc: Phải xin phép người dân nếu muốn sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt Ảnh 1
Chính quyền Trung Quốc đang đưa ngành công nghiệp nhận diện khuôn mặt vào khuôn khổ quản lý nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quyết định của Tòa án Tối cao có khả năng sẽ gây ra hậu quả sâu rộng đối với ngành công nghiệp camera giám sát và hệ thống dữ liệu liên quan đang bùng nổ của Trung Quốc, làm tăng chi phí pháp lý và vận hành. 

Nó cũng xác định lại ranh giới pháp lý giữa quyền riêng tư và giám sát vào thời điểm mà các khách sạn, trung tâm mua sắm, chi nhánh ngân hàng, ga tàu, sân bay, sân vận động và địa điểm giải trí trên khắp đại lục đang gấp rút lắp đặt hệ thống nhận dạng khuôn mặt để số hóa hoạt động, vốn thường không có sự đồng ý của các cá nhân.

“Tòa án tối cao đã vội vàng. Họ thậm chí còn không đợi đến khi luật Bảo vệ thông tin cá nhân được triển khai”, He Yuan, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu luật Dữ liệu của Đại học Giao thông Thượng Hải, nói.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc từ lâu, nhưng luật liên quan đến xâm phạm quyền riêng tư vẫn còn mơ hồ. 

Như trong vụ kiện nhận dạng khuôn mặt đầu tiên của Trung Quốc diễn ra ở Hàng Châu, một giáo sư luật đã kiện sở thú địa phương vì từ chối cho vào cửa nếu khách hàng không sử dụng hệ thống kiểm soát truy cập nhận dạng khuôn mặt mới. 

Mặc dù phán quyết nghiêng về phía giáo sư, tòa án Hàng Châu không xác định liệu việc sở thú chỉ cho phép khách vào cửa bằng nhận dạng khuôn mặt là có hợp pháp hay không, thay vào đó chỉ đưa ra phán quyết dựa trên việc vi phạm hợp đồng.

Chỉ thị mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8, sẽ cung cấp cơ sở pháp lý và hướng dẫn rõ ràng cho các tòa án địa phương về cách xử lý các vụ việc. 

Tuy nhiên, quyết định về công nghệ nhận dạng khuôn mặt chỉ bao gồm các tranh chấp dân sự. Cảnh sát Trung Quốc và các cơ quan chính phủ khác vẫn được trao quyền hợp pháp để sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho mục đích an ninh công cộng.

Chỉ thị mới sẽ giúp giải quyết những lo ngại rò rỉ dữ liệu của người dân từ việc thu thập nhận dạng khuôn mặt vì lợi nhuận. Các cửa hàng, bao gồm những cửa hàng do thương hiệu quốc tế như Kohler và BMW điều hành, bị phát hiện đã bí mật sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để phục vụ mục đích bán hàng ở đại lục.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Vy

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất